Cải thiện môi trường kinh doanh thực chất

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi -Các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cộng với cam kết cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tăng khả năng hấp thụ chương trình cũng như thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đều là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chương trình phục hồi.

Kinhtedothi - Nói về các giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn lực gói hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, yêu cầu lớn nhất hiện nay là các bộ, ngành phải hết sức khẩn trương kịp thời thể chế hóa ban hành các quy định hướng dẫn để đưa các chính sách vào thực tế.

Nguồn lực của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn, vậy làm sao để nguồn lực đã có sẵn có thể giải ngân nhanh?

- Trong câu chuyện chính sách, việc thực thi là rất quan trọng, bởi khi chính sách đã trúng và đúng nhưng thực thi không tốt thì đối tượng được hưởng lợi trực tiếp sẽ thiệt thòi và không có sự lan tỏa cho nền kinh tế. Trong quá trình xây dựng gói chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, trình Quốc hội ban hành, Chính phủ coi đây là bài học rất lớn để thiết kế chính sách, ngay trong quá trình thiết kế chính sách đã hướng tới mục tiêu khả thi.

Trâm Anh thực hiện
Trâm Anh thực hiện

Lần này, ngay cả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ và một số công điện gần đây của Thủ tướng đều nhấn mạnh tới tổ chức thực thi, giao nhiệm vụ cho người đứng đầu các địa phương, các cơ quan liên quan trong việc tổ chức triển khai thực thi chính xác các giải pháp mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành. Đây là điểm được Chính phủ hết sức lưu ý trong quá trình đôn đốc triển khai thực hiện.

Trong 5 cấu phần của Chương trình phục hồi kinh tế có giải pháp về cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông đánh giá sao về biện pháp này hiện nay?

- Theo tôi, các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình cộng với cam kết cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, qua đó tăng khả năng hấp thụ chương trình cũng như thu hút đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đều là những nhiệm vụ vô cùng quan trọng của chương trình phục hồi này. Những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển. Cải thiện môi trường kinh doanh thực chất sẽ giúp nền kinh tế nhanh phục hồi.

Đó là đẩy mạnh cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh thông qua tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, quy định pháp luật theo tinh thần là giảm tối đa thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho DN, người dân; tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, gắn với cơ chế giám sát, kiểm tra có hiệu quả. Hiện nay có sự không đồng đều, thiếu chủ động trong một số cơ quan, đơn vị thực thi. Bởi DN không chỉ làm việc với một địa phương, một cơ quan. Nếu nơi cải cách thì làm nhanh, nhưng có nơi vẫn làm chậm thì cũng như con đường cao tốc nhưng lắm ổ gà, DN không thể tăng tốc.

Hơn lúc nào hết, trong bối cảnh bình thường mới, đòi hỏi cấp bách việc nâng cao hiệu quả thực thi của bộ máy chính quyền, tạo hành lang thông thoáng cho DN hoạt động. Đặc biệt, phải có sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ nhằm xóa bỏ hoàn toàn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, tránh tình trạng “cát cứ” mỗi địa phương đưa ra và hiểu một cách khác nhau gây khó khăn cho hoạt động của các DN. Cùng với đó, cần rà soát và tối ưu hóa quy trình thủ tục hành chính liên ngành, đặc biệt là nhóm các thủ tục liên quan đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường để hướng tới thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ.

Việc cải thiện thể chế, giảm điều kiện tiếp cận các gói hỗ trợ còn quan trọng hơn và ý nghĩa hơn với các DN. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta đã có chính sách tốt, hạ tầng tốt nhưng nếu thể chế được coi như “phần mềm” không tốt (chậm, khó tiếp cận, không công bằng…) sẽ tác động rất lớn đến hiệu quả. Sự chậm trễ tạo ra rất nhiều lãng phí, không chỉ lãng phí về nguồn lực. Nghị quyết 02/NQ-CP, gắn với kế hoạch thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết 43/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình, đảm bảo yêu cầu thực chất. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP là để thúc đẩy các bộ, ngành, địa phương hành động cụ thể, đồng bộ. Cái mà tôi kỳ vọng lớn hơn không chỉ là Chương trình này, mà từ nay trở đi, mọi nhiệm vụ của Chính phủ, của xã hội phải được thực hiện với một tinh thần rất mới, đó là khẩn trương, kịp thời.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần