Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cam kết không còn là nói suông

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa lúc Chính phủ yêu cầu chốt lịch tất cả các bộ, ngành đều phải xây dựng phương án cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% các điều kiện kinh doanh và 50% kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, ngành thì cũng là lúc Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (Chỉ số APCI 2018) được công bố.

Hội nghị Công bố Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính năm 2018
Lần đầu tiên được công bố, Kết quả APCI 2018 có ý nghĩa rất lớn vì đây là những dữ liệu thực tế, đặc biệt quan trọng để làm cơ sở phục vụ việc đánh giá tính hiệu quả của các nỗ lực cải cách theo từng nhóm thủ tục hành chính và theo vùng miền, địa phương trong các năm tiếp theo.
Suốt thời gian qua nhiều bộ ngành, địa phương liên tục báo cáo đưa ra các con số rất đẹp, nhiều phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa một cách rất quyết liệt, trong đó con số bãi bỏ đăng ký kinh doanh (ĐKKD) khá cao... Con số đó không nói lên điều gì vì quan trọng nhất là việc cắt giảm ấy có đi vào thực chất hay không, có tạo điều kiện thuận lợi cũng như gỡ khó cho DN hay không? Và quan trọng muốn nói gì thì nói những cắt giảm đó cứ mang ra “quy ra thóc” là biết được hiệu quả đến đâu.

Và thực tế kết quả APCI đã cho thấy, chi phí cho thủ tục hành chính còn rất cao, nhiều loại chi phí. Và nhóm thủ tục hành chính ngốn nhiều thời gian, tiền bạc của DN nhất là xây dựng, môi trường. Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý đã được cắt giảm và đơn giản hóa đạt 85%, vượt 35% so với yêu cầu! Đứng thứ hai về cắt giảm ĐKKD. Đến thời điểm này, tất cả các bộ, ngành đã nộp kế hoạch cắt giảm ĐKKD đúng hạn, và con số cho thấy nhiều bộ còn vượt cả mục tiêu đề ra, song để biến “lời nói thành hành động” từng bộ, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), thời gian tuân thủ chứng từ kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu hàng hoá tại Việt Nam là 76 giờ. Tuy nhiên, con số này “cao hơn đáng kể” so với mức bình quân của ASEAN-4 là 28 giờ. Chi phí cho thủ tục hành chính bao gồm cả chi phí về thời gian, tiền của, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, chi phí chính thức và không chính thức. Kết quả APCI cũng cho thấy thực sự là sức ép rất lớn và buộc DN và các bộ, ngành cần phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện được mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra, theo yêu cầu phát triển của đất nước. DN, người dân phải là những đối tượng được hưởng lợi thực chất từ các phương án cắt giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.
Và để hạn chế được tình trạng đối phó, không thực chất thì phải rà soát, tăng đối thoại trực tiếp cùng với đó là đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ thông tin. Trong khi nhóm thuế, khởi sự DN/ĐKKD áp dụng trên môi trường mạng, trực tuyến nhiều nhất cũng là nhóm có chi phí ít nhất. Phải công khai tốt, giám sát được, mới mong giảm, cả chi phí về thời gian và những khoản "chi phí gầm bàn" và quan trọng phải đo đếm được thực chất thì cải cách mới có ý nghĩa.