Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cấm thu tiền mặt các khoản đóng góp, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có phạm luật?

Sỹ Hào
Chia sẻ Zalo

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc vừa có văn bản yêu cầu 100% các đơn vị thực hiện thu các khoản không dùng tiền mặt từ năm học 2023 – 2024. Có ý kiến cho rằng cấm thu tiền mặt là không phù hợp cả về mặt pháp lý lẫn thực tế.

Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu 100% các đơn vị thực hiện thu các khoản không dùng tiền mặt từ năm học 2023 – 2024. Ảnh Sỹ Hào
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu 100% các đơn vị thực hiện thu các khoản không dùng tiền mặt từ năm học 2023 – 2024. Ảnh Sỹ Hào

Cấm nhà trường thu tiền mặt trong các khoản đóng góp?

Cụ thể, văn bản 1517/SGDĐT-KHTC hướng dẫn các khoản thu trong trường học, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc nghiêm cấm các cơ sở trường học tự ý đặt ra các khoản thu ngoài qui định, không có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh và chưa được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, mức thu học phí năm học 2023 - 2024 thực hiện theo Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 20/7/2023 của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2023-2024.

Các khoản thu hộ gồm có: Bảo hiểm y tế học sinh, đây là khoản thu bắt buộc do cơ sở giáo dục tổ chức thu, thực hiện theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ.

Bảo hiểm thân thể học sinh đây là khoản thu tự nguyện, cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp bảo hiểm có uy tín trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền, vận động học sinh tự nguyện tham gia.

Sở GD&ĐT định kỳ tổ chức thanh, kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng lạm thu, thu trái quy định, đồng thời đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục phối hợp chỉ đạo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước, có hình thức xử lý nghiêm đối với đơn vị, cá nhân cố ý thực hiện trái văn bản hướng dẫn này.

Trong văn bản hướng dẫn, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng yêu cầu từ năm học 2023 - 2024 các đơn vị thực hiện 100% thu học phí, thu dịch vụ, phục vụ và các khoản thu khác không dùng tiền mặt.

Chỉ nên khuyến khích “chuyển khoản”, chứ không nên “cấm đoán” tiền mặt

Mặc dù Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng yêu cầu lựa chọn ngân hàng, Công ty cung cấp phần mềm cam kết miễn các loại phí: Phí khởi tạo, phí đào tạo, phí dịch vụ thanh toán của phụ huynh học sinh; hỗ trợ lâu dài (100%) phí duy trì phần mềm hằng năm. Phối hợp với các tổ chức tín dụng, tổ chức trung gian thanh toán và các đơn vị liên quan để chấp nhận thanh toán học phí và phí dịch vụ giáo dục bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cấm các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn thu tiền mặt trong các khoản đóng góp. Ảnh minh họa - Sỹ Hào. 
Từ năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cấm các cơ sở giáo dục trực thuộc trên địa bàn thu tiền mặt trong các khoản đóng góp. Ảnh minh họa - Sỹ Hào. 

Tuy nhiên, việc yêu cầu các đơn vị thực hiện 100% thu học phí, thu phí dịch vụ, phục vụ và các khoản thu khác không dùng tiền mặt đã vấp phải nhiều băn khoăn từ dư luận, cũng như đông đảo phụ huynh học sinh.

Có thể hiểu việc đưa ra yêu cầu 100 phần trăm các khoản đóng góp đều phải chuyển khoản là nhằm để đảm bảo công khai minh bạch, tránh chuyện mập mờ. Nhưng cũng sẽ ít nhiều gây khó khăn cho phụ huynh học sinh, bởi lẽ như sau:

“Thứ nhất, từ lâu nay vẫn đóng tiền mặt thì việc đóng tiền mặt tại Vĩnh Phúc vẫn đảm bảo công khai minh bạch. Nếu có kém minh bạch, thì là do con người, và việc cần làm là xử lý nghiêm khắc người gian dối, chứ không nên vì thế mà cấm phụ huynh nộp tiền mặt cho các khoản đóng góp.

Thứ hai, nhiều trường hợp người dân không có điện thoại thông minh, không sử dụng tài khoản ngân hàng, không sử dụng các phần mềm thanh toán trực tuyến, thế thì sao lại có thể kiên quyết từ chối người ta sử dụng tiền mặt được?” – anh Nguyễn Hoàng Hân, một phụ huynh học sinh tại TP Vĩnh Yên nêu thắc mắc.

Mặt khác, thực tế cũng cho thấy nhiều người lao động trong hoàn cảnh hiện nay, việc nhận lương qua tài khoản cũng hay chậm muộn, trong khi các khoản đóng góp học hành cho con cái thực sự là gánh nặng với nhiều phụ huynh học sinh, trường hợp tài khoản không còn đủ tiền, thậm chí chỉ còn vài nghìn đồng, lấy gì chuyển khoản.

Do vậy nhiều ý kiến cho rằng, để tạo điều kiện cho phụ huynh, chỉ nên khuyến khích họ “chuyển khoản”, chứ không nên “cấm đoán” việc dùng tiền mặt để thanh toán các khoản đóng góp theo quy định trong nhà trường.

Chưa phù hợp cả về mặt pháp lý lẫn thực tế

Trao đổi với PV báo Kinh tế và Đô thị xung quanh nội dung “cấm” thu tiền mặt trong văn bản hướng dẫn của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, Luật sư Mai Thảo, Phó Giám đốc TAT Law Firm cho rằng, việc “cấm” thu tiền mặt như Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc quy định trong văn bản hướng dẫn là chưa phù hợp cả về mặt pháp lý lẫn thực tế.  

“Trước hết cần phải hiểu rằng, liên quan đến các khoản thu, đóng góp tại các trường học trên địa bàn, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc ra với chức năng nhiệm vụ của mình có quyền ra văn bản hướng dẫn là hoàn toàn phù hợp cả với quy định pháp luật và tình hình thực tế.” – Luật sư Mai Thảo nói.

Thực tế cho thấy, hiện đang là thời điểm bắt đầu năm học, với nhiều công việc và nhiệm vụ đặt ra với cả thầy và trò, do đó việc thu học phí cũng như các khoản chi phí khác có liên quan để phục vụ công tác giáo dục cho học sinh là việc làm hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thu thế nào cho đúng, cho đủ, cho phù hợp, tránh sai phạm, tiêu cực và bất minh là điều phải làm.

Với xu thế phát triển của xã hội, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến và phát triển, với nhiều lợi ích mang lại. Lợi ích lớn nhất là mọi khoản tiền lưu thông đều được ghi lại rõ ràng, giúp việc quản lý được chặt chẽ, minh bạch. Tuy nhiên, tiền mặt vẫn là loại hình thanh toán được thừa nhận theo pháp luật, chiếm tỉ trọng lớn trong giao dịch tại Việt Nam.

Để đảm bảo sự lưu hành của tiền mặt, bảo vệ tiền Việt Nam cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong giao dịch sử dụng tiền mặt, pháp luật đã có quy định cụ thể ngăn chặn hành vi không cho sử dụng tiền mặt. Điều 23 Luật Ngân hàng nhà nước có quy định cấm hành vi “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.”.

Quyết định 130/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ tiền Việt Nam cũng nghiêm cấm hành vi từ chối nhận, lưu hành đồng tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.

“Từ đó có thể thấy, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đang vi phạm quy định của pháp luật về lưu hành đồng tiền Việt Nam. Việc sử dụng tiền mặt cho các chi phí giáo dục của phụ huynh cũng như nhà trường là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.” – Luật sư Mai Thảo cho biết.

Xét trên thực tế Luật sư Mai Thảo chia sẻ thêm, không phải ai cũng có điều kiện thanh toán không dùng tiền mặt. Người dân cũng không có nghĩa vụ bắt buộc phải đóng các khoản thu cho nhà trường không dùng tiền mặt. Nhiều phụ huynh không có điều kiện kinh tế, không có điện thoại thông minh hay tài khoản ngân hàng thì việc bắt buộc không được dùng tiền mặt sẽ tạo gánh nặng lên vai họ.

Việc bắt buộc 100% thu phí không dùng tiền mặt như Sở gD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu là bất hợp lý, không phù hợp với tất cả mọi đối tượng phụ huynh học sinh. Ảnh minh họa - Sỹ Hào. 
Việc bắt buộc 100% thu phí không dùng tiền mặt như Sở gD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu là bất hợp lý, không phù hợp với tất cả mọi đối tượng phụ huynh học sinh. Ảnh minh họa - Sỹ Hào. 

Bất kể Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc có đưa ra những chính sách hỗ trợ về mặt thanh toán với ngân hàng thì việc bắt buộc 100% thu phí không dùng tiền mặt vẫn là bất hợp lý, không phù hợp với tất cả mọi đối tượng phụ huynh học sinh.

Giám sát, quản lý, đảm bảo minh bạch, đúng pháp luật trong thu chi của ngành giáo dục là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cụ thể trong trường hợp này là của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Có minh bạch hay không là do cơ chế và con người quyết định, chứ không phải do dòng tiền lưu thông.

Như vậy, việc Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc yêu cầu 100% các khoản thu không dùng tiền mặt để hạn chế tiêu cực có thể coi là hành động “đá” quả bóng trách nhiệm sang phía nhà trường và phụ huynh học sinh. Chính sách này chưa phù hợp cả về mặt pháp lý lẫn thực tế. Cần có những điều chỉnh để tránh tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các thầy cô và phụ huynh học sinh.