Cảm xúc lắng đọng của nữ bác sĩ nơi điều trị bệnh nhân Covid-19

Hà Văn Đạo (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi Bệnh viện Dã chiến số 3 (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) đi vào hoạt động 1 ngày thì ngày 8/7, nữ bác sĩ Phạm Trường An (từ Bệnh viện Bưu điện) đã xung phong đến điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nơi tuyến đầu này, bác sĩ An đã cảm nhận sâu sắc hơn về những nỗi gian nan và cả những sẻ chia nơi này.

Hiện bác sĩ An đang là Phó trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện dã chiến số 3. Dù đã đủ thời gian tham gia nơi tuyến đầu và được cấp trên bố trí cho quay lại đơn vị công tác cũ là Bệnh viện Bưu điện nhưng chị vẫn viết đơn xin ở lại.
 Bác sĩ Phạm Trường An (từ Bệnh viện Bưu điện) đã xung phong đến điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh.

Xin giới thiệu đến bạn đọc những dòng yêu thương, đầy xúc cảm của chị.

“Một ngày thu tháng Bảy, dịch bệnh Covid-19 tại Sài Gòn bước vào giai đoạn căng thẳng, với sức trẻ và tinh thần của một thầy thuốc chúng tôi nhập cuộc vào tuyến đầu. Khi được cấp trên đồng ý điều động, tôi lập tức cùng đồng đội vội vã thu dọn hành lý lên đường vào Bệnh viện dã chiến 3 để điều trị bệnh nhân Covid-19.

Thấm thoát đã hơn hai tháng trôi qua kể từ ngày đầu tiên tôi đặt chân đến nơi đây. Những giọt mồ hôi, những dòng nước mắt đã rơi và còn biết bao nhiêu kỷ niệm vô giá mà có lẽ sẽ còn vương vấn trong tôi mãi về sau. Hành trang theo trong cuộc đời bác sĩ trẻ như tôi còn có những ngày này.
 Bác sĩ An trong phòng cấp cứu Bệnh viện dã chiến 3.

Nhiều đêm y bác sĩ chúng tôi căng mình làm việc. Số ca F0 mỗi ngày tăng liên tục. Những đoàn xe chở bệnh nhân nối đuôi nhau đến Bệnh viện dã chiến 3. Tôi cùng đồng đội trong bộ đồ bảo hộ trắng tinh lao vào nhận bệnh, tất bật bố trí chỗ ăn ở, nghỉ ngơi và thăm khám cho bệnh nhân. Những ca bệnh trở nặng cũng tăng dần theo số lượng bệnh nhân F0 nhập viện. Tôi giúp bệnh nhân thở oxy và điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế. Cùng với đó động viên bệnh nhân cố gắng vượt qua “con virus Covid-19” đang hoành hành trong người. Đó là những công việc thường nhật trong ca trực của tôi và đồng đội.

Sau ca trực dài 8 tiếng, rời khỏi bộ đồ bảo hộ là những bộ đồng phục nhân viên y tế ướt đẫm mồ hôi, những cơn khát vật vã do mất nước. Tôi cùng đồng đội vừa nhìn lên những tầng lầu nơi những bệnh nhân F0 đang ở vừa động viên nhau: “Hơn 2.000 thân phận trên đấy đang trông chờ vào chúng ta, chúng ta phải cố gắng để xứng đáng với điều đó. Mình cùng nhau đừng mệt nhé”.

Thời gian tiếp tục trôi nhanh, lần lượt nhiều bệnh nhân F0 được xuất viện trong niềm hân hoan khôn tả của người thân và gia đình bệnh nhân. Những lời chia tay và những lời cảm ơn như tiếp thêm động lực cho tôi tiếp tục cố gắng gắn bó với nơi này.

Bên cạnh niềm vui khi nhìn thấy bệnh nhân khỏe lên từng ngày và ra viện, tôi cũng nhiều lần cố nén đau thương khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh. Những bệnh nhân trở nặng và ra đi trong niềm đau tiếc quặn lòng. Đó là những người người vợ mất chồng, người con mất cha. Ước vọng nhìn mặt người thân lần cuối đã không có được trong cơn đại dịch này…

Nhiều gia đình chỉ còn lại một thành viên bần thần trong đau buốt. Lúc này đây, điều duy nhất tôi có thể làm là chia buồn cùng gia đình bệnh nhân và cố gắng chữa trị cho những bệnh nhân còn lại với một hy vọng cháy bỏng sẽ không còn gặp nhiều cảnh chia lìa như thế nữa.

Ngoài những giờ trực căng thẳng, tôi cùng đồng đội chia nhau thăm khám bệnh phòng, hỏi han việc ăn ở, sinh hoạt của bệnh nhân. Tại bệnh viện dã chiến này, ngoài chút ít thời gian sinh hoạt nghỉ ngơi là chúng tôi vội vã lao vào công việc. Cường độ làm việc của chúng tôi rất cao trong môi trường mà khả năng bị phơi nhiễm luôn hiện hữu. Thế nhưng tinh thần của chúng tôi luôn tràn đầy nhiệt huyết với một sự đoàn kết chặt chẽ, thương yêu. Còn nhớ những đêm khuya, nỗi nhớ nhà ập đến hay những lúc bệnh nhân nguy kịch tôi lại trách “con Covy” sao lại gây bao đau thương tàn khốc cho mảnh đất Sài Gòn đến thế.

Dịch bệnh vẫn còn tiếp diễn, những chuỗi ngày gian khó vẫn còn đó. Tôi và đồng đội sẽ còn tiếp tục đồng hành cùng bệnh nhân với tất cả khát vọng của người thầy thuốc. Ở nơi gian khó này, mỗi ngày y bác sĩ cũng như tình nguyện viên và bệnh nhân như xích lại gần nhau hơn, như một gia đình đặc biệt”.

Bệnh viện dã chiến số 3 có tổng công suất trên 2.500 giường bệnh. Trước thực trạng bệnh nhân chuyển nặng nhiều, được chấp thuận của cấp trên, bệnh viện đã thiết lập Trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 với quy mô 200 giường tại đây. Từ khi đi vào hoạt động, bệnh viện đã tiếp nhận hơn 8.000 người bệnh, điều trị khỏi, cho xuất viện hơn 6.200 người. Riêng trong ngày 16/9 cho xuất viện khoảng 300 người.