Cán bộ là cái gốc của mọi công việc

Lê Thọ Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng… Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Không được quên lời dạy đó của Bác”- cựu Trưởng ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương chia sẻ.

Mọi việc đều bắt đầu từ công tác cán bộ
Chúng tôi đến thăm ông vào một ngày cuối năm Đinh Dậu, khi mà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang xét xử hai vụ đại án: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Ngân hàng Xây dựng, ông bảo: “Đưa được vụ án lớn như thế ra tòa là thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhưng đây thực sự là điều đau lòng của Đảng, trong đó có những người làm công tác tổ chức như chúng tôi. Cả một dàn cán bộ của những ngành kinh tế quan trọng của đất nước là dầu khí, ngân hàng đã hư hỏng”.
 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết 39. Ảnh: Thanh Hải 
Cho thêm nước sôi vào ấm trà, ông Hương nói tiếp: “Gốc rễ của mọi vấn đề là ở công tác cán bộ. Ngay từ tháng 10/1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc” Bác Hồ đã viết: “Có cán bộ tốt, việc gì cũng xong. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”.

Và “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Ðảng… Ðảng phải nuôi dạy cán bộ như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta. Phải khéo dùng cán bộ. Không phạm vào những bệnh sau đây: Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người khác. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực. Ham dùng những người tính tình hợp với mình, mà tránh những người không hợp tính tình với mình…”.

Trầm ngâm một lúc, ông nói: “Đấy, ngay từ năm 1947, Bác Hồ đã nhìn ra vấn đề lạm dụng quyền lực. Bác đã viết về nguy cơ này và đã có những hành động quyết liệt để ngăn chặn. Khi xảy ra vụ việc Trần Dụ Châu (Cục trưởng Cục Quân nhu bị truy tố về tội tham nhũng), Tổng Cục trưởng Tổng cục Cung cấp Trần Đăng Ninh xin gặp Bác ngỏ ý xin giảm mức hình phạt. Bác không trả lời thẳng mà hỏi lại: “Thế khi có một cái cây bị thối ruột thì chú làm thế nào?”. Ông Ninh trả lời, trường hợp đó thì phải đốn cây thôi, để nó không truyền mầm bệnh cho cây khác. Tức là ông hiểu ý Bác không nhân nhượng với tham nhũng. Dù đó là ai, Cục trưởng hay cao hơn nữa, cũng phải loại bỏ khỏi tổ chức nếu muốn tồn tại được.

Phải nghiêm với chuyện “con ông cháu cha”

Theo ông Nguyễn Đình Hương, một trong những vấn đề gây bức xúc dư luận hiện nay là số cán bộ là con em lãnh đạo được đưa vào các vị trí “có quyền lực” trong bộ máy là khá lớn. “Tôi ủng hộ lớp trẻ - tre già măng phải mọc - nhưng trẻ phải thế nào? Phải rèn luyện qua thực tiễn và thực tiễn nhiều hơn nữa. Trước đây, không có hiện tượng các đồng chí lãnh đạo can thiệp cho con em, người thân của mình. Còn bây giờ, người ta dùng nhiều cách để đưa người thân hữu của mình vào các vị trí “ngon”, thậm chí “mua” chức. Vì thế nói là dân chủ, công khai, nhưng cũng rất dễ bị thao túng” - ông Hương nói.

Nhấp một ngụm trà, ông Nguyễn Đình Hương kể tiếp: “Tôi làm ở Ban Tổ chức T.Ư 55 năm, trải qua 8 kỳ Đại hội Đảng, tôi chỉ chứng kiến có một đồng chí là con Ủy viên Bộ Chính trị được vào Ban Chấp hành T.Ư. Đó là đồng chí Đặng Xuân Kỳ - con trai đồng chí Trường Chinh. Có lần ông Đỗ Mười phê bình chúng tôi là không bồi dưỡng đưa được con em các đồng chí Bộ Chính trị vào T.Ư. Tôi bảo: “Thưa bác, T.Ư không phải là nơi để cơ cấu con em cán bộ cao cấp. T.Ư là uy tín, là linh hồn của toàn Đảng, người nào vào T.Ư phải đủ tiêu chuẩn”.

Lúc đó hầu như tất cả các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng như các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương… rất nghiêm khắc với con cháu, không ai gợi ý đưa con em mình vào T.Ư. Đó là những tấm gương liêm khiết, tận trung với sự nghiệp của nước, của dân”.

Quyền lực phải được giám sát

“Trong điều kiện một đảng cầm quyền, để thực sự giám sát được quyền lực phải phát huy cho được vai trò giám sát của người dân và quyền tự do báo chí. Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, vai trò gương mẫu của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là hết sức quan trọng.

Thời tôi làm công tác tổ chức tôi chứng kiến cả Bộ Chính trị gương mẫu lắm. Chỉ có Tổng Bí thư Lê Duẩn đi xe Volga không có máy lạnh, các đồng chí khác đi xe Lada. Nhà Trưởng ban Tổ chức T.Ư Lê Đức Thọ mấy năm mới quét vôi một lần, mà phải đợi khi ông ấy đi công tác mới vào quét vôi được, chứ ông ấy ở nhà ông ấy không cho làm đâu. Đấy, trên có gương mẫu như thế mới nói được dưới, chứ trên không nghiêm thì không nói được bên dưới đâu”.

Trước khi chia tay chúng tôi, ông Hương bảo: “Vấn đề kiểm soát quyền lực, quy định trách nhiệm người đứng đầu chắc sẽ phải sửa đổi mạnh mẽ. Ta luôn nhắc đến cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, nhưng thực tế hiện nay khi có vấn đề thì không quy được trách nhiệm cho ai. Không có cơ chế từ chức. Như thế thì làm sao kiểm soát được quyền lực, làm sao ngăn được lạm dụng quyền lực… Tôi cho rằng, số lượng Ủy viên T.Ư là bao nhiêu, 100 hay 200 vị không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà quan trọng nhất là phải bầu ra được 12 người nắm những chức danh chủ chốt trong bộ máy Đảng và Nhà nước, đó là 4 người nắm tứ trụ, người phụ trách công tác kiểm tra, tuyên giáo, tổ chức, công an, quốc phòng, ngoại giao và Bí Thư hai TP lớn. Nhất là vị trí Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ. Đất nước không ổn định, kinh tế rơi vào khủng hoảng thì những vị trí chủ chốt phải chịu trách nhiệm trước dân, trước Đảng” - ông Nguyễn Đình Hương nhấn mạnh.

Rời nhà ông Hương, tôi bất chợt nhận ra, cơn mưa phùn đã dứt từ lâu. Về trưa trời hửng nắng. Hà Nội ấm dần lên trong một ngày Đông cuối năm.

Quy chế minh bạch, cán bộ sẽ không “chạy” được

Tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2017, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Cần xây dựng đội ngũ cán bộ có đạo đức cách mạng; siết chặt kỷ cương nhưng cũng tôn trọng quy luật khách quan, tạo cơ chế cho cán bộ sáng tạo; kiểm soát, sàng lọc và thay thế. Trọng tâm công tác cán bộ thời gian tới là phải xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt các cấp, trong đó có quy trình, bổ nhiệm… đặc biệt là người đứng đầu xứng đáng.

Về cơ chế kiểm soát quyền lực, Trưởng Ban Tổ chưc T.Ư cho rằng, vừa qua không đủ đầy đủ công cụ kiểm soát nên bị lợi dụng, tha hoá, biến quyền lực thành của mình để ban phát, xin cho. Vì vậy giờ phải xây dựng quy chế, quy định của đảng, luật pháp hoá, đồng thời công khai, minh bạch. Còn nếu để một vài người sử dụng quyền lực thì sẽ tha hoá.

Theo Trưởng Ban Tổ chức T.Ư, quy định về thẩm quyền và trách nhiệm người đứng đầu sẽ được hoàn thiện, những người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, lãng phí bị xử lý trách nhiệm, cho thôi, miễn nhiệm cán bộ làm việc kém hiệu quả. “Việc luân chuyển cán bộ, trước đây chạy được vì không có quy chế công khai minh bạch. Tinh thần của Ban Tổ chức T.Ư là việc luân chuyển không làm theo đợt mà căn cứ vào con người cụ thể. Nếu quy thành từng đợt thì lại có chuyện chạy”, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư nói và cho rằng, từ công cụ đã có, phải tìm đối tượng phòng chống, có biện pháp phù hợp đối với người chạy và người được chạy, nâng cao trách nhiệm giải trình.