Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 1
Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 2
Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 3

Xác định là “then chốt của mọi then chốt”, thời gian qua, Đảng ta không ngừng bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác cán bộ để đảm bảo quy trình chặt chẽ, minh bạch, khách quan, lựa chọn được những người có tài, có đức, luôn đặt lợi ích của Nhân dân, của đất nước lên trên hết và trước hết vào bộ máy; cùng với đó là các quy định để kiểm soát, giám sát quyền lực. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một bộ phận "công bộc của dân" thiếu tu dưỡng, rèn luyện, trở thành các "quan cách mạng". Nguy hiểm hơn hơn khi những đối tượng này đang câu kết lợi ích nhóm, hưởng tư lợi từ vị trí công tác và thực thi công vụ.

 

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 4

Ngày 30/10/2016 là một mốc thời gian quan trọng - Thay mặt BCH Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ. Phát biểu khai mạc Hội nghị triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trăn trở: "Cán bộ, đảng viên, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm nhiều nhất, bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm… ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức hoặc thôi chức".

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 5

Bước sang nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, công tác cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII tiếp tục được kế thừa. Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khoá XIII đã có Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Trong các phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn nhấn mạnh phương châm xử lý không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong kiểm tra, giám sát; xem xét xử lý kỷ luật thấu tình, đạt lý. Và những cuộc “phẫu thuật”, thậm chí là “đại phẫu thuật” trong các ngành, các lĩnh vực được thực hiện đúng tinh thần đó.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 6

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XIII đến nay, đã xử lý hình sự 31 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó, có 2 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng; 4 Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 5 Thứ trưởng, nguyên Thứ trưởng; 7 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; 2 Trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và 9 sĩ quan cấp tướng của lực lượng vũ trang.

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 22/11/2023, báo cáo cho thấy, từ sau Phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo (tháng 1/2023) đến nay, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung, công tác điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nói riêng tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả ở cả Trung ương và địa phương.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 7

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 9 cuộc kiểm tra đối với các tổ chức Đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; chỉ đạo kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 76 tổ chức Đảng liên quan đến các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty AIC. Đến nay, 3 cuộc kiểm tra đã hoàn thành. Qua kiểm tra, 26 tổ chức Đảng, 57 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (gồm: 3 nguyên Bí thư Tỉnh ủy; 4 Chủ tịch, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh).

Hà Nội là Đảng bộ lớn nhất cả nước với 50 Đảng bộ trực thuộc, hơn 47 vạn đảng viên (chiếm gần 9% tổng số đảng viên cả nước). Báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội cũng cho thấy, trong 9 tháng năm 2023, cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 12 tổ chức Đảng và 692 đảng viên. Một số vụ việc đảng viên bị khởi tố, truy tố hoặc tạm giam đã được cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động xem xét, xử lý kỷ luật kịp thời, không chờ kết luận của cơ quan điều tra hoặc tuyên án của Tòa án.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 8

Riêng tại huyện Sóc Sơn, thời gian qua những sai phạm trong công tác quản lý đất rừng trên địa bàn khiến cho dư luận dậy sóng và Thanh tra TP Hà Nội đã vào cuộc kiểm tra, xử lý. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà cho biết, trong hơn ba năm qua, đã có 38 cán bộ thuộc diện Huyện ủy quản lý bị kỷ luật (khiển trách 28 trường hợp; cảnh cáo 7 trường hợp; cách chức 1 trường hợp; buộc thôi việc 2 công chức, lao động hợp đồng); xem xét trách nhiệm của 11 tổ chức Đảng, trong đó 9 tổ chức Đảng có hình thức kỷ luật…

Với những con số nêu trên, những người có trách nhiệm không thể không thấy đau xót khi các hành vi tham nhũng, tiêu cực, những biểu hiện thoái hóa, biến chất đã khiến một bộ phận cán bộ, đảng viên không giữ được mình trước cám dỗ vật chất. Và đây chính là những bài học đắt giá cho công tác cán bộ.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 9

Thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023 ngày 21/11/2023, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, tham nhũng ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp; phát sinh nhiều vụ việc có tổ chức, mang tính lợi ích nhóm; tài sản tham nhũng có giá trị lớn, có yếu tố nước ngoài. Hơn nữa, tham nhũng không chỉ xảy ra trong khu vực Nhà nước mà xảy ra ở cả khu vực ngoài Nhà nước, cản trở sự cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 10

Theo đó, trong năm 2023, các cơ quan điều tra đã thụ lý điều tra 1.103 vụ án với 2.951 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 732 vụ án với 2.106 bị can; đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 499 vụ án/1.205 bị can. Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, tổng số phải thi hành có 4.879 việc, với số tiền hơn 97.261 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.264 việc đã thi hành xong hơn 20.405 tỷ đồng…

“Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực còn diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, trái phiếu DN, hoạt động ngân hàng, đăng kiểm, y tế... gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt có sự câu kết, móc nối giữa cán bộ thoái hoá với DN, tổ chức để trục lợi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân” - Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 11

Số liệu mà Nhóm nghiên cứu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội thẩm tra báo cáo công tác phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 công bố mới đây cũng cho thấy thực trạng đáng lo ngại về vi phạm trong đội ngũ cán bộ. Theo đó, tội phạm tham nhũng, chức vụ phát hiện tăng 71,46% số vụ, tăng 116,17% số đối tượng, đặc biệt số vụ nhận hối lộ phát hiện tăng 312,5%. Dẫn chứng từ thực tiễn số liệu tội phạm tham nhũng, nhận hối lộ gia tăng, Nhóm nghiên cứu cho rằng, để xảy ra nhiều vụ tham nhũng cho thấy công tác quản lý Nhà nước ở một số lĩnh vực vẫn còn hạn chế. Sai phạm trong các vụ án hầu hết đều liên quan đến người có thẩm quyền trong cơ quan quản lý Nhà nước lợi dụng lỗ hổng của pháp luật để thực hiện hành vi vi phạm, trục lợi, nhận hối lộ.

Dẫn chứng điển hình là vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Đăng kiểm (Bộ GTVT) và các Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới tại các tỉnh, TP trên cả nước. Đến tháng 5/2023, các cơ quan đã khởi tố 68 vụ án, khám xét 103 trung tâm đăng kiểm, 4 chi cục đăng kiểm; khởi tố 600 lãnh đạo, đăng kiểm viên với nhiều tội danh khác nhau. Và tính đến tháng 11/2023, đã khởi tố 114 vụ án, 808 bị can tại 49 địa phương liên quan đến vi phạm trong lĩnh vực đăng kiểm.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 12

“Do đó, cần nâng cao hơn nữa việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu, người có thẩm quyền, kiểm soát hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước đảm bảo khách quan, minh bạch và đúng pháp luật” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa bày tỏ. Đại biểu Quốc hội Dương Khắc Mai (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cũng đặt vấn đề vì sao những năm qua Đảng, Nhà nước cương quyết phòng, chống với phương châm "không có vùng cấm, ngoại lệ" nhưng số vụ vẫn tăng. "Chúng ta làm mạnh hay là tội phạm tham nhũng không sợ, nhờn luật, hay chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh? Nếu đúng như vậy, phải nghiên cứu sửa luật, sửa các quy định về hình phạt đối với loại tội phạm này" - đại biểu Dương Khắc Mai nói.

Ở một khía cạnh khác, chia sẻ với Kinh tế & Đô thị PGS.TS Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khóa XIII băn khoăn, vì sao ta đã có quy trình, tiêu chuẩn nhưng vẫn chưa tạo ra được những thế hệ cán bộ như ta mong muốn? Bởi các tiêu chí về cán bộ chưa cụ thể. Đôi khi có những giai đoạn chúng ta chú trọng đến vấn đề hồ sơ, văn bằng mà chưa chú ý toàn diện về trải nghiệm thực tiễn của cán bộ. Có những đồng chí cán bộ hồ sơ rất đẹp nhưng trải nghiệm thực tiễn chưa có nhiều, nhưng đã lại được đưa vào vị trí quản lý nên ảnh hưởng đến hiệu quả công việc; trong khi đó, công tác quản lý đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 13

Mặt khác, một số cán bộ có động cơ cá nhân. Cho nên, khi sắp xếp cán bộ không bắt nguồn từ việc vì dân, vì nước, vì Đảng. Về phía tổ chức Đảng, việc phát hiện ra các đồng chí đảng viên vi phạm pháp luật, phải xử lý kỷ luật đều chủ yếu do báo chí và người dân, ít khi từ chi bộ cơ sở. “Điều đó cho thấy sức chiến đấu của các chi bộ chưa đủ mạnh, có những người biết có dấu hiệu sai phạm nhưng không dám đấu tranh” - PGS.TS Bùi Thị An nói.

Tham nhũng, lãng phí đã và đang làm xói mòn nền pháp quyền, tổn hại uy tín của Đảng, Nhà nước cũng như làm giảm niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị. Chính vì vậy, kết luận của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày 22/11/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, với tinh thần đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa, hiệu quả cao hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, không phải chỉ đến đây là dừng, mà phải tiếp tục lâu dài, nghiên cứu luật pháp, các cơ chế chính sách để có những biện pháp đúng, trúng hiệu quả.

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 14

Đối với Hà Nội, tại Hội nghị giao ban công tác kiểm tra giám sát 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023 của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội vào ngày 4/10/2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết cũng đề nghị cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các quận, huyện, thị ủy và Đảng ủy trực thuộc tăng cường thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực…

(còn nữa)

Cán bộ là gốc của mọi công việc - Ảnh 15

07:30 01/12/2023