Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cán bộ là mấu chốt trong cải cách hành chính

Thuỷ Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, các đơn vị thuộc TP Hà Nội đang quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp

Qua kiểm tra công vụ tại một số sở, đơn vị sự nghiệp, UBND phường do đoàn kiểm tra của TP Hà Nội thực hiện cho thấy, từ đầu năm đến nay, không còn ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp về thái độ nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô trong thực thi công vụ; đem lại sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy chính quyền TP.

Huyện Quốc Oai chú trọng nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa. Ảnh: Phạm Hùng. 
Huyện Quốc Oai chú trọng nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa. Ảnh: Phạm Hùng. 

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và người lao động được TP Hà Nội tập trung từng bước đổi mới. Trong năm 2022, TP đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng tầm nhìn tư duy chiến lược, kỹ năng, chuyên môn nghiệp vụ cho các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức thuộc TP.

Để hoạt động công vụ có hiệu quả, TP cũng đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai quy định khung tiêu chí đánh giá (hằng tháng) đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của TP. Theo đó, thực hiện đánh giá hằng tháng trực tuyến và công khai mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong các cơ quan đơn vị. Kết quả đánh giá hằng tháng là một trong những tiêu chí để các cơ quan, đơn vị đề xuất, phân loại đánh giá năm của công chức, viên chức, người lao động.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, việc xếp loại, đánh giá đối với công chức, viên chức, người lao động đã phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, chuẩn hóa và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp; nâng cao ý thức, trách nhiệm, tính tự giác của đội ngũ công chức, viên chức, lao động hợp đồng; kiên quyết đưa ra khỏi đội ngũ những người 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, TP đã mạnh dạn đổi mới việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo thông qua tổ chức thí điểm và triển khai thi tuyển một số chức danh lãnh đạo cấp phòng và tương đương; thi tuyển chức danh lãnh đạo tại một số đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ. Đây là một trong những nội dung đột phá, nhiệm vụ trọng tâm cải cách công vụ, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số của TP nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý.

Nhiều cách làm hay, sáng tạo

Trong việc nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhiều đơn vị của TP Hà Nội đã có cách làm hay, sáng tạo.

Huyện Quốc Oai chú trọng nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đặc biệt là công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức. Huyện đã đưa tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) của cơ quan chuyên môn, đơn vị hiệp quản ra bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của huyện, đảm bảo yêu cầu “4 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả), áp dụng hệ thống phần mềm một cửa điện tử để quản lý, giám sát, theo dõi tiến độ giải quyết hồ sơ của các cơ quan, đơn vị, thiết bị chuyên dụng hiện đại.

Quận Long Biên ban hành bộ Chỉ số đánh giá sự hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với sự phục vụ của các trường học công lập trực thuộc Quận, Bộ tiêu chí đánh giá sự chuyên nghiệp của đội ngũ trong thực hiện nhiệm vụ. Huyện Đông Anh có sáng kiến tổ chức cuộc thi “Mô hình Bộ phận Một cửa văn minh, thân thiện, chuyên nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh năm 2022”. Hoài Đức, Mê Linh, Gia Lâm thực hiện thí điểm tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo mô hình “Ngày thứ Ba xanh” – không giấy hẹn, trả kết quả ngay.

Những cách làm, sáng kiến trên đã thể hiện phần nào quyết tâm tạo sự chuyển biến rõ nét về cải cách hành chính tại các đơn vị thuộc TP Hà Nội.

Xây dựng môi trường “văn hóa số” cho cán bộ, công chức, viên chức

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác cải cách hành chính của TP là triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, bởi Hà Nội được chọn làm điểm. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.

UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) triển khai mô hình ‘Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà’ đầu tiên của TP Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.
UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) triển khai mô hình ‘Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà’ đầu tiên của TP Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.

Hiện TP đang triển khai tốt và không chỉ bảo đảm tiêu chí “đúng, đủ, sạch, sống” dữ liệu của gần chục triệu dữ liệu dân cư của Hà Nội mà còn kết nối các dịch vụ công khác như về bảo hiểm xã hội, y tế, khám chữa bệnh, giáo dục, đồng thời làm sạch dữ liệu liên quan đến lý lịch tư pháp đối với công dân có yếu tố nước ngoài.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh từng nhiều lần nhấn mạnh, bản chất cải cách hành chính là thái độ của cán bộ, công chức chính quyền với người dân và doanh nghiệp, trên cơ sở thiết kế quy trình giải quyết công việc phù hợp. “Nhưng dù có thiết kế bộ máy phù hợp thế nào, quan trọng vẫn là người ngồi vận hành bộ máy đó và mối quan hệ trong hệ thống” – Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói.

Hiện nay, vẫn còn một số nơi còn chưa thực sự chủ động, tích cực, sẵn sàng vào cuộc. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa bắt kịp với quá trình chuyển đổi số; chưa bổ sung, cập nhật, rà soát các văn bản hướng dẫn về chia sẻ dữ liệu, xác thực điện tử, bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm quyền riêng tư của cá nhân; hay ngại thay đổi trong việc tiếp cận công nghệ mới.

Theo TS. Nguyễn Thị Trang, Viện Nghiên cứu Khoa học hành chính, Học viện Hành chính Quốc gia, xây dựng môi trường “văn hóa số” trong thực thi công vụ nên là một trong những nhiệm vụ được các cơ quan nhà nước làm ngay. Vì khi có “văn hoá số” trong thực thi công vụ, tất sẽ thay đổi nhận thức về môi trường số của đội ngũ cán bộ, công chức.

Xây dựng môi trường “văn hóa số” cũng chính là tinh thần, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ III (2021): “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Nâng cao nhận thức về môi trường số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ trước bối cảnh chuyển đổi số là nhiệm vụ, giải pháp vô cùng cấp thiết và quan trọng. Trong đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, hạt nhân.