Ngang nhiên xây dựng trên đất bãi
Theo phản ánh của người dân sinh sống tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ (Hà Nội), tình trạng lấn chiếm đất nông nghiệp, đất bãi để xây dựng công trình diễn ra phổ biến. Từ nhiều năm trước thực trạng này có nhiều lần người dân khu vực kiến nghị đến các cấp chính quyền nhưng vẫn không mấy chuyển biến.
Để làm rõ những thông tin của người dân, phóng viên đã “mục sở thị” tại khu vực đất bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận phường Tứ Liên. Theo đó, hàng loạt những vi phạm không chỉ tồn tại vi phạm trong hành lang đê sông Hồng, trên các cánh đồng quất, nhiều ngôi nhà cấp 4 kiên cố đã mọc lên và tồn tại từ nhiều năm nay. Còn khu vực phía ngoài đê Bối, trước đây vẫn được xem là vựa quất của cả Hà Nội thì nay cũng đã nhiều thay đổi bằng việc mọc lên nhiều các gian nhà xây gạch, lợp mái tôn, bờ lô xi măng và có đánh số thứ tự, đường bê tông vào tận ngõ.
Video clip |
Tiếp tục đi qua những con dốc, lối mòn ngoằn nghèo với bạt ngàn những cây cối, hoa màu, chúng tôi tiếp cận được khu vực “xóm bãi”. Tưởng chừng khu vực này biệt lập và chỉ trồng cây tại đây, theo quan sát cho thấy, có hàng chục công trình, nhà tạm được “mọc” trên đất nông nghiệp. Có nhà được dựng bằng các loại cột gỗ, tre nứa. Cùng với đó là những khoảng đất rộng được quây rào lưới thép và xây gạch phân định mốc giới. Bên trong là lối vào được lát gạch, trải bê tông khá sạch đẹp.
Đi sâu về phía lòng sông, chúng tôi phát hiện người đàn ông đang dựng nhà tre trên khu đất, người này cho biết, những ngôi nhà phía trong là được xây dựng từ năm 2016. “Nhiều hộ cũng mua đi bán lại với nhau, họ bán theo sào, người mua ít, mua nhiều, giá cả thì tùy theo khu vực. Mức giá trung bình khoảng 60 – 90 triệu đồng/sào” - Một người dân ở đây cho biết.
Chính quyền buông lỏng quản lý?
Trước tình trạng nhiều nhà vườn, trang trại xuất hiện trên đất bãi giữa sông Hồng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát thoát lũ khi mùa mưa đến. Thế nhưng, qua thời gian dài các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm. Thậm chí, tình trạng rao bán đất, nhà tại đây còn diễn ra công khai, khiến người dân khu vực không khỏi bức xúc trước sự buông lỏng quản lý kéo dài của chính quyền địa phương.
Liên quan đến vấn đề trên, trong buổi làm việc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Lê Văn Thủy – Phó Chủ tịch UBND phường Tứ Liên thừa nhận về tình trạng xảy ra vi phạm dựng lều lán, công trình tại bãi giữa trong thời gian qua. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng, đối với các công trình hiện nay ở bãi giữa là các lều lán do một số người dân dựng lên. “Các lực lượng của phường thường xuyên kiểm tra và đã thực hiện phá dỡ nhiều nhà tạm”. – Ông Thủy nói.
Đề cập đến kết quả việc xử lý những nhà tạm, ông Thủy cung cấp cho phóng viên 4 biên bản từ cuối năm 2016, xử lý những nhà tạm, lều lán (không xác định chủ đầu tư). Trong các biên bản đều ghi rõ việc dỡ bỏ toàn bộ những hạng mục vi phạm như: nhà khung sắt mái tôn, nhà khung mái lá, tường xây gạch… Về con số thống kê xử lý các công trình, lều lán ông Thủy cũng không nắm rõ là bao nhiêu.
Phóng viên tiếp tục đặt câu hỏi: Vậy hiện nay còn cả chục công trình gồm nhà khung cột sắt, nhà gỗ, tre đang tồn tại và tiếp tục được dựng lên chính quyền phường có nắm được hay không? Ông Thủy nói: “Phường sẽ cử các lực lượng xuống kiểm tra ngay và tiến hành tháo dỡ”. Vị Phó Chủ tịch cũng cho biết thêm, TP Hà Nội đã có chủ trương đo đạc, lập bản đồ địa chính tại bãi giữa sông Hồng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ rất khó cho các cơ quan tiến hành công việc và quản lý bãi giữa. Phường xử lý quyết liệt, tuyên truyền vận động, ra quân liên tục nhưng vẫn diễn ra tình trạng tái phạm xây dựng mua bán đất công khai.
Một số hình ảnh do PV báo Kinh tế & Đô thị ghi nhận:
Đường bê tông giữa bãi Sông Hồng |
Một số hộ đang thi công nhà |
Bên trong đường vào nhà được lát gạch rất đẹp |
Phía ngoài cửa được quây lưới để xác định mốc giới |
Nhiều ngôi nhà được dựng rất chắc chắn |
Hàng loạt công trình nhà ở được xây dựng sâu trong bãi giữa. |
Một số công trình dù đã được cơ quan chức năng xử lí nhưng chưa triệt để. Cho nên dẫn đến tình trạng vi phạm tái diễn ? |
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị còn phát hiện hàng loạt hành vi vi phạm về việc đổ trộm rác, phế thải xây dựng tràn lan xuống sông Hồng, xây dựng nhà ở, công trình lấn chiếm bờ sông trên địa bàn phường Tứ Liên.
Theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ban hành ngày 14/1/2014 của UBND TP Hà Nội về việc tăng cường quản lý nhà nước đối với đất nông nghiệp và đất công, UBND các quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về quản lý quỹ đất nông nghiệp trên địa bàn về các trường hợp vi phạm mà không bị xử lý theo quy định của pháp luật. Yêu cầu chủ tịch các UBND phường, xã, thị trấn phải cương quyết xử lý các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp (đặc biệt là các trường hợp tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép) theo đúng thẩm quyền… Nội dung Chỉ thị cũng nêu rõ, địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý thì Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, quyết định tạm dừng công tác điều hành của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn để chỉ đạo xử lý cho đến khi vi phạm được xử lý, khắc phục. |
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.