Thế nhưng khi tiếp cận những “tinh hoa” di sản ở Hà Nội, người phụ nữ Pháp với mái tóc hoa râm và ánh mắt say mê vẫn không khỏi “choáng ngợp” với một thành phố mà theo bà còn rất nhiều tiềm năng để phát huy những giá trị văn hóa vốn có. Hào hứng kể lại những trải nghiệm trên những con phố Hà Nội, khi được thăm Hoàng Thành Thăng Long hay Bảo tàng Lịch sử Hà Nội, quan sát và lắng nghe những chuyên gia trong ngành chia sẻ, bà Marie khẳng định: “Hà Nội đang làm rất tốt, nhưng các bạn còn có thể làm tốt hơn nữa”
Bà đánh giá như thế nào về nỗ lực bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa của Hà Nội?
Quá trình cải tạo và bảo tồn các di sản trên địa bàn Thủ đô, trong đó có Hoàng Thành Thăng Long theo chúng tôi đánh giá là vô cùng tích cực. 10 năm trước, ICOMOS cũng từng khuyến nghị việc tiếp tục khai quật, khảo sát là rất quan trọng. Chính quyền TP Hà Nội đã nỗ lực hết sức theo hướng đó. Ấn tượng của tôi là các cấp chính quyền cũng như người dân Thủ đô đã thể hiện rất rõ quyết tâm và cam kết đối với công tác bảo tồn di sản.
Tôi cho rằng điều đặc biệt thú vị ở một trong số những địa điểm văn hóa, di sản tiêu biểu tại Hà Nội, như Hoàng thành Thăng Long, là bạn có thể chiêm ngưỡng những lớp lang khác nhau của lịch sử giai đoạn thế kỷ X-XV. Đây cần được coi là yếu tố quan trọng khi lựa chọn phương hướng bảo tồn hay quảng bá các địa điểm văn hóa, lịch sử.Tôi đã được nghe nhiều về di sản này nhưng đây là lần đầu tiên được đặt chân đến, thật là một trải nghiệm có 1-0-2.
Sau chuyến thăm Hoàng Thành Thăng Long, tôi còn có dịp tới Bảo tàng Lịch sử Hà Nội. Từ đó tôi có thể liên hệ những gì đã thấy trong thành phố với các thời kỳ khác nhau của lịch sử. Dưới góc độ quan sát, Hoàng thành gần giống như một cuốn sách về lịch sử Việt Nam, nền tảng của Việt Nam. Điều đó được thể hiện rất cụ thể. Những di tích này là minh chứng rất quan trọng về lịch sử Việt Nam và khu vực với các lớp lang thời kỳ khác nhau. Điều đặc biệt là nơi này chứng kiến lịch sử các triều đại của Việt Nam, tiếp nối qua nhiều thế kỷ.
Để công tác duy tu, bảo tồn được tiếp tục triển khai hiệu quả, bền vững, Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần lưu ý gì?
Tôi cho rằng để công tác bảo tồn di sản được hiệu quả và bền vững, cần có sự kết nối giữa đội ngũ các chuyên gia để chia sẻ và lắng nghe những kinh nghiệm từ nơi khác. Việt Nam có đến 8 di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, nhưng các ban quản lý lại khác nhau. Do đó, một trong những điều cần thiết là tăng cường kết nối với nhau cũng như với hệ thống chuyên gia, khảo cứu trên thế giới.
ICOMOS là một trong những nhà tư vấn cho UNESCO. Đồng thời, chúng tôi có mạng lưới các chuyên gia đến từ nhiều quốc gia. Chúng tôi mong muốn kết nối nhiều hơn nữa giữa các chuyên gia Việt Nam và các chuyên gia trong mạng lưới của ICOMOS.
Tiềm năng hợp tác cụ thể giữa Hà Nội và ICOMOS trong thời gian tới ra sao, thưa bà?
Rất tích cực. Tôi từng chia sẻ mong muốn thiết lập một văn phòng của ICOMOS tại Hà Nội với lãnh đạo thành phố cũng như Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch - nhận phản hồi tích cực và tôi sẽ còn theo đuổi ý tưởng này. Việc thiết lập mạng lưới chuyên gia, khảo cứu từ chính phủ tới các cấp địa phương là rất quan trọng. Những nỗ lực tương tự sẽ phát huy hiệu quả bảo tồn cũng như giá trị di sản một cách bền vững trong tương lai, vì tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cũng có những chuyên gia hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực này. Đó sẽ là mối quan hệ “đôi bên cùng có lợi”- “win-win” nếu Hà Nội và ICOMOS có thể bắt tay hợp tác.
Bên cạnh câu chuyện bảo tồn di sản, chúng ta cần nhiều nỗ lự để phát huy các giá trị văn hóa, lan tỏa và thu hút người dân, du khách. Bà có thể chia sẻ những trải nghiệm của bản thân trên thế giới mình trong quá trình nghiên cứu lĩnh vực này?
Tôi rất ngạc nhiên, có phần thích thú khi đến thăm Hoàng Thành Thăng Long bắt gặp nhiều trẻ nhỏ tới đây, có thể là đi cùng gia đình hay đi cùng lớp học. Các bạn đang làm rất tốt và điều này cần được phát huy hơn nữa. Việc nâng cao nhận thức, ý thức trong giới trẻ về các giá trị văn hóa lịch sử là vô cùng quan trọng. Nhiều quốc gia trên thế giới coi trọng điều này, thể hiện qua nỗ lực tích cực lồng ghép các thông tin lịch sử, giá trị văn hóa trong sách giáo khoa, tài liệu giải trí như phim ảnh, chương trình ngoại khóa.
Ví dụ như tại Italia, việc đưa trẻ em đến những địa điểm lịch sử - bảo tàng, di tích văn hóa, rất được quan tâm. Các nghiên cứu chỉ ra rằng muốn tạo nền tảng kiến thức lâu dài, cần sớm kích thích mối quan tâm cho trẻ em từ nhỏ. Những lĩnh vực như lịch sử, khi được giải đáp từ sớm, sẽ có sức ảnh hưởng lớn với trẻ em. Nếu việc này bắt đầu khi bọn trẻ đã 15, 16 tuổi thì quá muộn, khi đó chúng không còn mấy hứng thú. Nhìn chung, việc lồng ghép văn hóa di sản, kiến thức lịch sử vào chương trình giáo dục rất quan trọng, cần được bắt đầu từ sớm.
Bên cạnh đó, việc bảo tồn và quảng bá những địa điểm, di tích lịch sử mang tầm di sản cần được triển khai đồng bộ để thực sự phát huy giá trị đối với lớp lớp người dân. Đó cũng là điều các quốc gia trên thế giới đang nỗ lực hướng đến.
Theo bà, Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm quốc tế trong việc thu hút du khách tới các địa điểm di sản, văn hóa?
Công tác quảng bá các giá trị văn hóa, các địa danh nổi tiếng có ý nghĩa trong chương trình nghị sự ở nhiều quốc gia châu Âu. Tại Pháp, họ chọn cách thể hiện lịch sử một cách hấp dẫn qua các bộ phim, chương trình TV, lấy bối cảnh ở những địa danh nổi tiếng. Câu chuyện lịch sử qua đây được dựng lại đầy hứng thú, kích thích sự tò mò, thúc đẩy người dân muốn tới thăm thú, khám phá.
Bên cạnh đó, muốn thu hút thêm sự quan tâm của khách du lịch tới các địa điểm di sản văn hóa ở Hà Nội, các tài liệu văn hóa, các thông tin, video và thuyết minh ở các bảo tàng, thành cổ…nên có thêm nhiều thuyết minh hơn bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ thông dụng khác.
Mặt khác, cần kết hợp việc quảng bá các di sản văn hóa lịch sử với những danh thắng thiên nhiên tự nhiên, tạo thành các “tổ hợp” đặc sắc níu chân du khách lâu dài. Lân cận với Hà Nội, có rất nhiều địa điểm để tham quan, ví dụ như Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh– một điểm đến khá được du khách nước ngoài ưa chuộng. Như vậy, Hà Nội có thể đóng vai trò điểm trung chuyển để du khách chọn tới thăm trước và sau khi tới các địa điểm danh thắng khác của Việt Nam. Điều quan trọng là giúp khách du lịch nhận ra rằng Việt Nam có cả thiên nhiên và văn hóa, giàu di sản giá trị.
Đối với cá nhân bà, thành phố Hà Nội cũng những dấu ấn di sản để lại cảm nhận như thế nào?
Điểm khiến Hà Nội quyến rũ so với những đô thị trên thế giới, theo tôi là mạng lưới các di sản văn hóa đồ sộ, ẩn chứa những câu chuyện lịch sử hấp dẫn và mang đậm tính nhân văn. Nếu mới tiếp cận, Hà Nội mang dáng vẻ dễ chịu, thanh bình, càng tìm hiểu càng khám phá những câu chuyện hấp dẫn dưới vẻ tiềm ẩn đó và thôi thúc bạn bè quốc tế đến khám phá. Tôi cũng ấn tượng trước sự thân thiện của người dân Thủ đô. Họ chia sẻ và nói chuyện rất nhiều, nhiệt tình trong mọi chuyện. Các bạn có khu vực phố đi bộ mà theo tôi, mỗi thành phố đều cần những không gian như vậy. Là một người Pháp, chuyến thăm Thủ đô Hà Nội lần này mang cho tôi những xúc cảm đặc biệt, bởi bạn biết đấy, một phần kết nối trong lịch sử giữa Việt Nam và Pháp đã mang đến diện mạo đặc biệt phảng phất nét Pháp cho thành phố này. Như mọi người vẫn thường nói Hà Nội giống như “Paris của Phương Đông”! Nhìn chung Hà Nội là một trải nghiệm đẹp đẽ với tôi và tôi mong còn trở lại thành phố này trong thời gian tới.
16:39 07/12/2022