Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Trao đổi với PV Báo Kinh tế&Đô thị, chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung cho rằng Nghị định 168/2024/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả rất quan trọng trong việc giảm thiểu vi phạm giao thông. Tuy nhiên văn hóa mới là “bức tường thành” chắc chắn nhất ngăn ngừa những hành vi xấu xí trong tham gia giao thông, giảm bớt gánh nặng tuần tra, xử phạt cho lực lượng chức năng.

Có ý kiến cho rằng, thời gian qua công tác xử phạt vi phạm giao thông theo quy định tại Nghị định 168 có dấu hiệu chùng xuống. Ông nhận định như thế nào về ý kiến này?

- Tôi cho rằng không thể căn cứ vào hiện tượng tái diễn nhiều vi phạm giao thông trên đường phố thời gian qua để Kết luận là công tác xử phạt chùng xuống. Thực tế, tôi nhận thấy công tác xử phạt của CSGT vẫn được duy trì tốt, hướng đến nhiều nhóm vi phạm, và đạt được hiệu quả rất tích cực.

Từ đầu năm 2025 khi Nghị định 168 chính thức được áp dụng, nó đã trở thành một trong những vấn đề được quan tâm nhất của người dân cả nước, đặc biệt là tại các TP lớn. Sức ảnh hưởng của Nghị định 168 đã lan tỏa sâu rộng đến mọi tầng lớp Nhân dân thông qua những thông tin xử phạt nghiêm minh được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, các kênh mạng xã hội… Vì vậy, không thể nói công tác xử lý vi phạm đang chùng xuống.

Vậy vì sao tình trạng tái diễn vi phạm giao thông lại đang có dấu hiệu phức tạp hơn ở một số nơi thưa ông?

- Tôi cho rằng có mấy vấn đề dẫn đến tình trạng vi phạm giao thông vẫn còn phổ biến, ngay cả khi Nghị định 168 ra đời, nâng mức xử phạt lên cao gấp nhiều lần.

Thứ nhất là thói quen lưu thông tùy tiện, coi thường luật, nhờn luật đã ăn sâu bám rễ vào ý thức của bộ phận không nhỏ người dân. Sợ bị phạt nặng nhưng nhóm này vẫn chưa thay đổi thói quen cũ, cần thêm thời gian và biện pháp để dần dần điều chỉnh.

Thứ hai do lực lượng CSGT quá mỏng, trong khi lượng phương tiện quá lớn, có thể xử phạt được một vài chứ không thể trực tiếp dừng tất cả xe vi phạm cùng lúc để phạt. Vì vậy mới có hiện tượng CSGT bắt được 1, 2 xe thì cả trăm xe cùng lúc tranh thủ lao lên vượt đèn đỏ hoặc đi lấn làn…

Thứ ba là không ít người dân vẫn chưa thực sự coi trọng việc nâng cao ý thức, xây dựng văn hóa giao thông. Đây mới chính là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến ùn tắc, mất an toàn giao thông. Nhiều người cứ đi ra đường là chỉ nghĩ cách để vượt lên đi trước hoặc tránh né được lực lượng chức năng, chừng nào chưa bị phạt nặng thì vẫn xem luật lệ, văn hóa giao thông không phải việc của mình. Vấn đề này không phải do có hay không Nghị định 168, mà nó bắt nguồn từ giáo dục và văn hóa cộng đồng.

Vậy phải làm gì để hạn chế tái diễn vi phạm giao thông, triển khai hiệu quả hơn nữa Nghị định 168 thưa ông?

- Thời gian qua Nghị định 168 có thể nói là đã đi sâu vào đời sống Nhân dân, và ngày càng được lan tỏa sâu rộng hơn. Một trong những lý do chính khiến nó được quan tâm như vậy là do công tác xử lý vi phạm thực chất, nghiêm minh.

Bởi vậy, điều đầu tiên cần làm phải duy trì bền bỉ, thường xuyên công tác xử lý vi phạm, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, công bằng, minh bạch. Có như vậy mới tạo thành thói quen biết sợ vi phạm của người dân.

Về phía người dân cần nhận thức rõ rằng thời gian qua văn hóa giao thông rất thấp. Nhiều người coi thường pháp luật, tham gia giao thông kiểu ích kỷ, thiếu tính xây dựng với cộng đồng xã hội. Mức phạt cao hiện nay là một lời cảnh tỉnh để chúng ta nhìn nhận lại thực tế, có sự điều chỉnh trong nhận thức cũng như hành vi.

Bên cạnh đó, để công tác xử lý vi phạm đạt hiệu quả cao hơn nữa cần nhanh chóng trang bị hệ thống camera ghi hình phục vụ xử phạt nguội. Có công nghệ xử phạt nguội sẽ vừa giảm tải cho lực lượng chức năng mà vẫn nâng cao hiệu quả xử lý.

Quan trọng hơn nữa là xử phạt nguội sẽ giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu trong xử phạt vi phạm giao thông, khiến người dân tâm phục khẩu phục, tránh tối đa va chạm giữa CSGT và người điều khiển phương tiện.

Và việc quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng một “bức tường thành” văn hóa trong lĩnh vực giao thông. Đây mới chính là biện pháp hữu hiệu nhất để hạn chế vi phạm, qua đó giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông trên toàn quốc.

Coi văn hóa giao thông như một “bức tường thành” ngăn ngừa vi phạm liệu có phù hợp không thưa ông?

- Thực tế là văn hóa giao thông có ý nghĩa quan trọng nhất, là điều kiện tiên quyết để thiết lập trật tự, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn trong lĩnh vực giao thông. Nếu có văn hóa giao thông bền vững, văn minh thì thậm chí một số mức phạt rất cao trong Nghị định 168 cũng có thể xem xét điều chỉnh. Bản chất của cả việc xử phạt lẫn tuyên truyền đều hướng tới xây dựng văn hóa giao thông mà thôi.

Khi tham gia giao thông một cách có ý thức, hướng đến hành xử văn minh, mỗi người dân sẽ đặt một viên gạch, cùng chung tay xây dựng lên một bức tường thành ngăn chặn những thói xấu, hành vi vi phạm pháp luật, gây ảnh hưởng đến cộng đồng. Mỗi dân tộc đều có văn hóa, truyền thống và thuần phong mỹ tục được vun đắp, xây dựng và kế thừa trong suốt chiều dài lịch sử.

Chúng ta có thể đánh thắng giặc ngoại xâm, thực hiện những chương trình quốc gia lớn như: phổ cập giáo dục; không sinh con thứ ba; xây dựng kinh tế… Không lý gì chúng ta lại không thể phát động và chung tay hành động để xây dựng văn hóa, đẩy lui những thói hư tật xấu trong lĩnh vực giao thông. Điều quan trọng là phải coi đó như một nhiệm vụ của cả đất nước.

Bên cạnh những biện pháp như ông vừa nhấn mạnh, chúng ta còn phải làm gì để giảm thiểu ùn tắc, tai nạn và cả những thói xấu trong giao thông?

- Có thể thấy trong suốt một thời gian dài vừa qua chúng ta đã gia tăng ồ ạt phương tiện giao thông cá nhân, chưa đồng bộ với năng lực đáp ứng của hạ tầng, chưa phát triển tương xứng giao thông vận tải công cộng, quản lý quy hoạch đô thị còn lỏng lẻo dẫn đến những hệ lụy dai dẳng, phức tạp về xã hội nói chung và giao thông nói riêng.

Vì vậy, bên cạnh những biện pháp tăng cường ý thức, văn hóa giao thông chúng ta cũng phải chỉnh sửa lại quy hoạch, hạ tầng, kiềm chế gia tăng phương tiện cá nhân cho phù hợp với hoàn cảnh thực tế.

Đặc biệt là chú trọng đầu tư mở rộng hệ thống vận tải công cộng, tăng cường quản lý nhu cầu giao thông để giảm áp lực từ phương tiện và nhu cầu đi lại của người dân. Nhất là với những đô thị như Hà Nội, các biện pháp vĩ mô đó lại càng cần được quan tâm, chú trọng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Minh bạch hóa thị trường vàng để huy động nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh

Minh bạch hóa thị trường vàng để huy động nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh

30 Mar, 07:35 PM

Kinhtedothi - Việc sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP (Nghị định 24) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần hướng đến mục tiêu hiệu quả, vừa khuyến khích để huy động nguồn lực từ vàng đưa vào phục vụ sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển đất nước. Về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế đã có trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị.

Quảng Nam tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Quảng Nam tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

30 Dec, 07:11 PM

Kinhtedothi - Trước những kiến nghị của doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, đầu tư xây dựng và sản xuất, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn và không để kéo dài.

Bài toán “huy động khối tài sản 70 tỷ USD”

Bài toán “huy động khối tài sản 70 tỷ USD”

30 Sep, 08:52 AM

Kinhtedothi - Bối cảnh mới đang đặt ra yêu cầu mới trong phát triển kinh tế đất nước. Đó là không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững. Bài toán “huy động khối tài sản 70 tỷ USD” của 12 Tập đoàn trên để phát triển đất nước...

Cần yêu cầu bồi thường cây gãy đổ do trồng sai quy trình

Cần yêu cầu bồi thường cây gãy đổ do trồng sai quy trình

22 Sep, 05:31 PM

Kinhtedothi - Đây là chia sẻ của GS.TS Nguyễn Tử Siêm - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Bộ NN&PTNT, Cố vấn Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam trong cuộc trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị liên quan đến công tác quản lý, khắc phục sự cố cây xanh...

Mở hành lang pháp lý cho các điểm trông giữ xe tạm

Mở hành lang pháp lý cho các điểm trông giữ xe tạm

20 Jul, 01:29 PM

Kinhtedothi - Liên quan đến chủ trương cấp phép trông giữ xe tạm tại các ô đất trống, đất dự án chậm triển khai tại Hà Nội, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ