Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần cơ chế đặc thù để TP Hồ Chí Minh không phải “xé rào”

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cần thiết có cơ chế đặc thù để TP “rộng cửa” phát triển và đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Đó là ý kiến của hầu hết đại biểu (ĐB) tại phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển TP Hồ Chí Minh sáng 20/11.

Đừng để từ “sầm uất” trở nên “trầm uất”

Theo ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre): "Chúng ta đang gom góp từng đồng để xây dựng cơ đồ. TP Hồ Chí Minh dự kiến đóng góp tới 630.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2030, không có lý do gì để không thực hiện cơ chế đặc thù. Những năm qua, TP đã từng thí điểm nhiều vấn đề để đất nước hoàn thiện cơ chế, chính sách".

Trong khi đó, ĐB Dương Trung Quốc (đoàn Đồng Nai) nói: "Chúng ta dùng khái niệm “chín muồi” để nói về đề án đặc thù cho TP Hồ Chí Minh, nhưng thực ra là đã “chín mõm” rồi. Không thể kéo dài được nữa, từ một TP “sầm uất” đã trở nên “trầm uất”". Dành thời gian phân tích lịch sử phát triển của TP Hồ Chí Minh, ĐB cho rằng, có nguyên lý là “không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”, nguyên lý này có giá trị phân chia, đạo lý. Còn hiện nay thì chúng ta “không sợ thiếu, chỉ sợ cào bằng”, Nghị quyết này không chỉ mở ra cho TP Hồ Chí Minh mà còn mang lại cho đất nước không chỉ lợi ích về vật chất mà là cơ chế.
 Một góc Thành phố Hồ Chí Minh nhìn từ trên cao.
“Tôi rất tin rằng không cần phải đến 5 năm, nếu làm tốt thì các cơ chế sẽ được áp dụng ở những nơi khác và sự hưởng lợi chung của cả nước. Hà Nội có Luật Thủ đô nhưng vẫn chịu nhiều ràng buộc. Sự thành công của TP Hồ Chí Minh sẽ mang lại sự giải thoát, bứt phá mới cho Hà Nội và cho cả nước” - ĐB Dương Trung Quốc đánh giá.

Cho phép áp dụng phá sản ngân hàng diện kiểm soát đặc biệt

Chiều 20/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, Luật quy định TCTD được xem xét, đặt vào kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp như: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Số lỗ lũy kế của TCTD lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất. Hai năm liên tục bị xếp hạng yếu kém theo quy định của NHNN. Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời hạn 6 tháng liên tục.

Luật cũng quy định phương án cơ cấu lại TCTD được kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản. Trong đó, phương án phá sản TCTD là mới nhất, lần đầu được áp dụng.

Cùng với đó, Luật cũng quy định, khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, TCTD phải kịp thời báo cáo NHNN về thực trạng, nguyên nhân, các biện pháp đã áp dụng, các biện pháp dự kiến áp dụng để khắc phục và các đề xuất, kiến nghị với NHNN. (Nguyễn Vũ)
Thách thức lớn, trách nhiệm cao

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho hay, trong lịch sử TP Hồ Chí Minh đã có nhiều lần "xé rào" như thí điểm thành lập ngân hàng cổ phần, tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng như khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng… Đó là những gợi mở và sau này đã trở thành chính sách được triển khai trong cả nước. "Trao cho TP Hồ Chí Minh những cơ chế đặc thù chính là giao nhiệm vụ. Cả nước vì TP Hồ Chí Minh thì TP cũng sẽ làm tốt trách nhiệm của mình vì cả nước. Với Nghị quyết này, TP sẽ không cần phải loay hoay xé rào mà có đủ căn cứ pháp lý để bứt phá, phát triển, tiên phong cho cả nước" - ĐB nói.

ĐB Nguyễn Thị Mai Hoa cũng cho rằng, không chỉ phát triển kinh tế hạ tầng mà mục tiêu còn là phát triển giáo dục, y tế, môi trường, văn hóa, ổn định xã hội và bảo vệ môi trường sống; từ đó lựa chọn chính sách tăng giảm thuế một cách hợp lý. Như tăng thuế những ngành ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển chung của TP, giảm thuế những ngành nghề cần tăng cường đầu tư.

Đồng tình với việc cần có chính sách đặc thù, tuy nhiên, theo ĐB Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội), việc ban hành Luật Thuế tài sản để thí điểm ở TP Hồ Chí Minh thì cần hết sức cân nhắc. Nhấn mạnh nguyên tắc cơ bản trong quản lý thuế là công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng nộp thuế, ĐB cho rằng, nếu áp dụng ở TP Hồ Chí Minh thì có sự khác biệt giữa người nộp thuế như có nhà đất ở địa bàn khác thì không bị nộp thuế, nhưng có ở TP Hồ Chí Minh thì phải thực hiện nghĩa vụ này. “Việc thí điểm cơ chế đặc thù cần sự khác biệt, nhưng vấn đề nào tác động đến tâm lý, lợi ích người dân thì cần hết sức thận trọng” - ĐB nêu ý kiến.

Phát biểu trước Quốc hội, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP Hồ Chí Minh) chia sẻ với “vai” là Chủ tịch HĐND TP, bà bày tỏ cảm kích và cảm ơn các ĐB đã đồng thuận, góp nhiều ý kiến xác đáng để hoàn thiện Nghị quyết, giúp TP Hồ Chí Minh có cơ chế để phát triển đột phá. ĐB nhìn nhận, khi Quốc hội thông qua Nghị quyết này, TP Hồ Chí Minh đứng trước thách thức rất lớn, trách nhiệm nặng nề vì cả nước đã vì TP thì TP sẽ thể hiện sự tự trọng, trách nhiệm của mình để thực hiện thí điểm thành công, từ đó có cơ hội nhân rộng.

Tiếp cận quy định về đo đạc bản đồ theo hướng hiện đại

Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Đo đạc và Bản đồ (sửa đổi). Các ĐB cho rằng, Dự Luật được xây dựng theo cách truyền thống; trong khi đó lĩnh vực đo đạc và bản đồ có liên quan mật thiết tới những tiến bộ KH&CN đang tiến nhanh như vũ bão. Nhiều nội dung của đo đạc và bản đồ đã trở nên phổ thông, được truy cập miễn phí; ví dụ bằng công cụ tìm kiếm Google có thể biết vị trí chính xác hàng xăngtimét; bằng công nghệ laser có thể kiểm soát khoáng sản mà không phải khoan thăm dò rất tốn kém… Do đó, Ban soạn thảo cần chỉnh sửa Dự Luật theo hướng hiện đại để thích ứng với hoạt động có tính chuyên ngành của lĩnh vực đo đạc và bản đồ.

Các ý kiến ĐB cũng nêu thực tế hiện nay đang tồn tại sự chồng chéo ở các loại bản đồ ở các thời kỳ lịch sử khác nhau; nhiều khi bản đồ ở thời kỳ sau mâu thuẫn với bản đồ ở thời kỳ trước, cả về số liệu và ký hiệu, mà phổ biến nhất là bản đồ địa chính. Đây có lẽ là nguyên nhân của việc mâu thuẫn đất đai, có lúc lên tới 90% các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực này. Do đó, Dự Luật cần giải quyết được mâu thuẫn giữa các loại bản đồ ở những thời kỳ khác nhau, quy định của Luật phải có tính kế thừa nhưng cũng phải có tính chuyển tiếp.

Theo ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc), Luật hiện còn nhiều điều giao cho Chính phủ quy định, do đó cần luật hóa ngay trong Luật, tránh việc giao cho nhiều bộ ngành quy định chi tiết. Bên cạnh đó, còn có một số điều khoản quy định chung chung, như về chuẩn mực pháp lý, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước còn thiếu cụ thể, sau áp dụng sẽ rất khó, bởi nó mang tính kỹ thuật… (Trần Hà)