Bài 1: Nỗi ám ảnh bên dòng kênh ô nhiễm
Bài 2: Vì sao hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm nặng?
Bài 3: Bài cuối: Giải pháp hồi sinh đại thủy nông
Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản, đại biểu Quốc hội khóa XV của tỉnh Hưng Yên đánh giá cao thông tin từ loạt bài, đồng thời cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là vấn đề được các cử tri của tỉnh Hưng Yên hết sức quan tâm và thường xuyên có ý kiến trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội.
Ông đánh giá thế nào về ý kiến của cử tri địa phương trong các cuộc tiếp xúc với đại biểu Quốc hội thời gian qua liên quan đến vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải?
- Tại nhiều cuộc tiếp xúc, cử tri địa phương đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Cá nhân tôi đánh giá những ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề này là rất xác đáng, có căn cứ; phản ánh nguyện vọng chính đáng của người dân đối với đại biểu Quốc hội và cấp uỷ, chính quyền địa phương.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, đại biểu Quốc hội của tỉnh Hưng Yên thường xuyên quan tâm, theo dõi, giám sát, đôn đốc; đồng thời tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương để giải quyết tình trạng ô nhiễm trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.
Qua quá trình theo dõi, giám sát, ông nhìn nhận như thế nào về sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương đối với việc giải quyết vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải?
- Khi có ý kiến, kiến nghị của cử tri, tôi cho rằng các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển động tích cực, thông qua các hoạt động như tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp lệnh về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi; kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư xây dựng mới có nguồn thải, cũng như bố trí kinh phí để thực hiện các dự án cải thiện hệ thống thủy lợi.
Điển hình như dự án cải tạo sông Cầu Bây - dòng chính dẫn nước vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, mà UBND TP Hà Nội đang thực hiện… Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, tình trạng ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được giảm thiểu đáng kể so với trước đây.
Thời gian qua, nhiều giải pháp nhằm cải thiện hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã được đề cập, trong đó có cả tiếng nói của các cơ quan thông tấn, báo chí. Ông đánh giá như thế nào về tính thực tiễn của các giải pháp?
- Phải khẳng định báo chí là một nhân tố tích cực đóng góp vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển chung. Vừa qua, tôi cũng có theo dõi loạt bài “Cấp bách cứu hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải”mà báo Kinh tế & Đô thị đăng tải. Cá nhân tôi đánh giá cao cách tiếp cận vấn đề mang tính liên vùng, cũng như những khuyến nghị, giải pháp tương đối tốt mà báo đã đề cập.
Những tiếng nói mang tính xây dựng, thông tin đa chiều từ các cơ quan thông tấn, báo chí sẽ góp phần tạo chuyển động tích cực hơn cho các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời là nguồn dữ liệu tốt để các đơn vị có liên quan nhìn nhận, có sự điều chỉnh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, theo ông, vấn đề cốt lõi là gì?
- Thực tế hiện nay hệ thống pháp luật đã khá đầy đủ, đặc biệt là sau khi Luật Bảo vệ môi trường được ra đời, có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. Vấn đề ở đây là các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc tổ chức triển khai; làm sao để việc giải quyết vấn đề ô nhiễm hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, được thực hiện đồng bộ ở tất cả các cấp từ T.Ư đến địa phương.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh, thời gian qua, cử tri các địa phương đã tham gia tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thời gian tới, mong muốn cử tri tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chung tay bảo vệ nguồn nước, môi sinh trên lưu vực. Đồng thời tiếp tục tham gia tích cực vào việc theo dõi, giám sát và kịp thời thông báo cho chính quyền các cấp để xử lý triệt để các hành vi vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Xin cảm ơn ông!
Tình trạng ô nhiễm sông Câu Bây mà báo Kinh tế & Đô thị đăng tải mới đây cũng là vấn đề được cử tri huyện Gia Lâm rất quan tâm, kiến nghị nhiều lần trong các cuộc tiếp xúc. Mới đây, Hà Nội đã phê duyệt dự án cải tạo con sông này.
Huyện Gia Lâm cũng đang tích cực phối hợp để đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống ven sông. Dù vậy, để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm sông Cầu Bây, cần có những giải pháp căn cơ hơn nhằm kiểm soát nguồn thải từ các nhà máy, xí nghiệp và cụm dân cư…
Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Lê Anh Quân, đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI
Loạt bài mà báo Kinh tế & Đô thị đăng tải đã đi sâu, đi sát, phản ánh tương đối đầy đủ, toàn diện về tình trạng ô nhiễm hiện nay của hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Không chỉ là nguồn dữ liệu tốt, truyền thông còn đóng vai trò quan trọng để đưa các quy định pháp luật đến với người dân, đặc biệt là quy định về bảo vệ môi trường, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Chúng tôi mong muốn báo chí tiếp tục thực hiện chức năng giám sát nhằm thúc đẩy việc thực hiện các giải pháp cải thiện nguồn nước hệ thống thủy lợi nói chung…
Phó Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT) Nguyễn Việt Anh