70 năm giải phóng Thủ đô

Cần có phương án thực hiện dự án đường nối tiếp khu đô thị Đồng Tàu

Duy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nhiều hộ dân trên địa bàn phường Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trong phạm vi thu hồi đất phục vụ xây dựng tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng bất ngờ khi nhận được thông báo đất ở lâu năm của mình bỗng biến thành đất nông nghiệp.

Khu vực đất của gia đình ông Khoái cùng các hộ dân khác trong diện thu hồi giải toả phục vụ việc xây dựng tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng.
Khu vực đất của gia đình ông Khoái cùng các hộ dân khác trong diện thu hồi giải toả phục vụ việc xây dựng tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng.

Đất ở đã được cấp sổ đỏ bỗng thành đất nông nghiệp?

Báo Kinh tế và Đô thị nhận được phản ánh của ông Nguyễn Xuân Khoái (SN 1958; là chủ sở hữu nhà ở tại tổ 7, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AI 371863 do UBND quận Hoàng Mai cấp ngày 18/6/2007) cùng đại diện 9 hộ gia đình, cùng nơi ở, có cùng quyền lợi, về việc giải quyết chế độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng trên địa bàn quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội.

Trao đổi với phóng viên, ông Khoái cho biết, nhà ở nêu trên của ông và 9 hộ gia đình là đất ở đang sử dụng ổn định, lâu dài từ năm 1999 đến nay (24 năm) và đã được UBND quận Hoàng Mai cấp sổ đỏ là đất ở đô thị từ năm 2007.

Đất ở của ông và các hộ gia đình được hình thành qua mua bán theo giá thị trường, là hợp đồng dân sự được UBND xã Thịnh Liệt công chứng xác nhận ngày 10/2/2000, được UBND quận Hoàng Mai thẩm định ra quyết định giao cho từng hộ gia đình ngày 18/6/2007 tại Quyết định số 1173/QĐ-UBND. 

Nhà ở của các hộ gia đình tại địa chỉ trên cũng được xây dựng trên đất ở từ 1/3/2003 đến nay và không có tranh chấp, khiếu kiện. 

Trong quá trình thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, cuối tháng 7/2023 vừa qua, nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, UBND quận Hoàng Mai đã có thông báo thu hồi đất đến hơn 130 hộ trong phạm vi thu hồi đất phục vụ xây dựng tuyến đường.

Khi nhận được thông báo, ông Khoái và các hộ dân mới biết Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình đã bị thu hồi tại Quyết định số 10/QĐ-UBND của UBND quận Hoàng Mai ngày 7/1/2011.

“Các hộ gia đình chúng tôi chỉ mới nắm được thông tin (về Quyết định thu hồi đất cách đây 13 năm-PV) vì được ghi chú trong Quyết định thu hồi đất mới được ban hành gần đây. Trước đó, chúng tôi chưa từng được biết hay được mời nhận quyết định và giải quyết phát sinh khi vô hiệu hóa hợp đồng mua bán và cũng không hiểu vì lý do gì mà phải thu hồi” - ông Khoái cho biết thêm.

Ông Khoái cũng khẳng định, gia đình ông và các hộ dân khác không gây khó dễ cho địa phương trong việc thực hiện dự án. Tuy nhiên, ông cùng các hộ dân khác mong muốn việc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết chế độ thu hồi đất cho người dân là đất ở đô thị theo quy định hiện hành.

Dự án đang bị chậm triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân có ý kiến về giá đất bồi thường, hỗ trợ là quá thấp.
Dự án đang bị chậm triển khai do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Nhiều hộ dân có ý kiến về giá đất bồi thường, hỗ trợ là quá thấp.

Địa phương đang tìm cách tháo gỡ

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã làm việc với Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai.

Tại buổi làm việc, các cán bộ của Trung tâm cho biết, Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối tiếp từ Khu đô thị Đồng Tàu đến đường Giải Phóng nhằm góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông trên địa bàn quận Hoàng Mai, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của quận Hoàng Mai và thành phố Hà Nội. UBND quận đang tập trung chỉ đạo các đơn vị khẩn trương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. 

Cụ thể, tại phường Thịnh Liệt có nhiều hộ dân có diện tích sử dụng đất lớn, nguồn gốc là đất nông nghiệp được giao; đất ao, vườn ông cha để lại và đất ao, vườn liền kề đất ở (chính chủ hoặc chia tách, nhận tặng cho, mua bán, chuyển nhượng), trong đó có rất nhiều trường hợp đã tự chuyển đổi mục đích xây dựng công trình phục vụ mục đích để ở hoặc thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp. 

Trong tổng số 131 trường hợp, UBND quận đã phê duyệt phương án 59/131 trường hợp; đang công khai dự thảo phương án 66/131 trường hợp, trong đó áp dụng chính sách bồi thường đối với diện tích đất vườn ao liền kề theo giá đất nông nghiệp là 252.000 đồng/m2

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các hộ dân bị thu hồi đất có rất nhiều ý kiến về giá đất bồi thường, hỗ trợ là quá thấp.

Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai cũng cho biết, trước đó, các ý kiến đề xuất của người dân đều đã được ghi nhận, tổng hợp. UBND quận Hoàng Mai đã căn cứ vào đó để gửi báo cáo và đề nghị UBND thành phố xem xét tháo gỡ, giúp UBND quận sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện dự án theo quy định.