Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căn cứ nào trả tự do cho các tiếp viên hàng không "xách tay" ma túy?

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo luật sư, với nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng sự thật khách quan, không có gì bất ngờ khi cơ quan cảnh sát điều tra trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines mang hộ hàng có chứa ma tuý…

Chiều 22/3, thông tin từ Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định trả tự do cho 4 tiếp viên hàng không Vietnam Airlines vì chưa đủ căn cứ khởi tố.

Nghi phạm được trả tự do nếu không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, với nguyên tắc suy đoán vô tội, tôn trọng sự thật khách quan, không có gì bất ngờ khi cơ quan cảnh sát điều tra trả tự do cho 4 nữ tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, bởi theo quy định của pháp luật thì đây là trong giai đoạn xác minh tin báo, quá trình tạm giữ để làm rõ hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nếu kết quả xác minh cho thấy hành vi của 4 nữ tiếp viên hàng không này không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm, cơ quan điều tra sẽ trả tự do cho nghi phạm.

Ma túy được giấu trong các tuýp kem đánh răng
Ma túy được giấu trong các tuýp kem đánh răng

Theo thông tin ban đầu từ phía cơ quan chức năng, việc cơ quan hải quan phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện trong hành lý của các nữ tiếp viên này có chứa chất ma túy với số lượng rất lớn, hành vi có dấu hiệu tội phạm nên cơ quan điều tra tiến hành tạm giữ hình sự, thực hiện thủ tục giữ người trong trường hợp khẩn cấp để tiến hành xác minh làm rõ là có căn cứ, đúng pháp luật.

Pháp luật quy định cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ chứng minh tội phạm, bị can bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh mình vô tội, không có nghĩa vụ nhận tội, thậm chí không có nghĩa vụ phải đưa ra bằng chứng để chống lại mình. Trong quá trình xác minh, điều tra vụ án hình sự thì cơ quan tiến hành tố tụng phải áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình thực hiện các thủ tục tố tụng, lời khai nhận tội (nếu có) cũng không phải là căn cứ duy nhất để kết tội.

Nếu người vi phạm không nhận tội, cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh bằng chứng cứ, nếu không chứng minh được có hành vi phạm tội hoặc hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì mặc nhiên nghi phạm không có tội, phải tuyên bố nghi phạm không có tội, trả tự do cho nghi phạm. Nghi ngờ không phải là xấu, trong tố tụng nghi ngờ là căn cứ để chứng minh tội phạm. Kết quả chứng minh sẽ “giải nghi”, minh oan cho người bị nghi ngờ nếu thực sự họ không thực hiện hành vi phạm tội.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, tội vận chuyển trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự, theo đó, người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy phải biết rõ chất mà mình vận chuyển là chất ma túy (các chất trong danh mục chất ma túy được nhà nước quy định), phải nhận thức được hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác thì hành vi mới thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Còn trường hợp người nào tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không biết đó là chất ma túy thì hành vi không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Về mặt lý luận, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm pháp lý thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm đến khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Vì vậy, theo quy định của pháp luật, một người chỉ bị xử lý hình sự nếu có hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm (Mặt mặt chủ quan, mặt khách quan, chủ thể và khách thể của tội phạm). Hành vi được coi là thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nếu hành vi được thực hiện do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự, có lỗi, xâm phạm đến khách thể mà luật hình sự bảo vệ.

Trong vụ việc này hành vi vận chuyển chất ma túy là có, cơ quan chức năng bắt quả tang vận chuyển chất ma túy là có. Tuy nhiên, hành vi này chỉ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm khi những người vận chuyển có lỗi, nhận thức được đây là chất ma túy nhưng vẫn cố tình vận chuyển (hành vi thỏa mãn dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm) thì mới xử lý hình sự về tội vận chuyển trái phép chất ma túy.

Còn trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy có hành vi tàng trữ, vận chuyển chất ma túy nhưng không chứng minh được người tàng trữ, vận chuyển biết đây là chất ma túy, hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm về mặt chủ quan của tội phạm. Nói cách khác, người vận chuyển không có lỗi do không nhận thức được đây là chất ma túy thì sẽ không xử lý hình sự đối với họ.

Căn cứ nào trả tự do cho các tiếp viên hàng không "xách tay" ma túy? - Ảnh 1

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Lời khai ban đầu của các nữ tiếp viên này là họ nhận hàng hóa là kem đánh răng, họ có kiểm tra nhưng không phát hiện bên trong có ma túy và tiền công chỉ có 10 triệu đồng. Nếu lời khai này là đúng thì hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm bởi những người này không biết đây là chất ma túy.

Nếu lời khai này là không đúng, số tiền công nhiều hơn thế rất nhiều lần thì có thể nghi ngờ, hoặc cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ cho thấy những người này đã kiểm tra, phát hiện đây là chất ma túy nhưng vẫn cố ý vận chuyển vì vụ lợi thì mới đủ căn cứ để xử lý hình sự. Cho đến nay kết quả xác minh cho thấy lời khai của các nữ tiếp viên này là đúng, họ không biết đây là chất ma túy nên cơ quan điều tra buộc phải trả tự do cho họ để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, của công dân theo quy định của pháp luật.

Hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm

Theo luật sư Đặng Văn Cường, nhiều người đang nhầm lẫn khái niệm "bắt người phạm tội quả tang" và "bắt quả tang vận chuyển chất ma tuý". Chỉ được coi là bắt người phạm tội quả tang nếu như có căn cứ cho thấy người đó đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi thỏa mãn đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Còn nếu trường hợp bắt quả tang người thực nghi hiện hành vi nguy hiểm nhưng chưa có căn cứ cho thấy hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì chỉ có thể "tạm giữ" (chứ không phải là bắt khẩn cấp, bắt để tạm giam) để xác minh, hết thời hạn xác minh mà không chứng minh được hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ...

Pháp luật quy định thời hạn tạm giữ là 3 ngày và cơ quan tiến hành tố tụng có thể gia hạn 2 lần, mỗi lần không quá 3 ngày. Như vậy, pháp luật quy định tổng thời gian tạm giữ không quá 9 ngày, hết thời hạn này mà không chứng minh được người bị tạm giữ thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm thì phải trả tự do cho người bị tạm giữ.

Tuy nhiên, chưa đến 9 ngày, chưa đến thời hạn tối đa mà cơ quan điều tra đã trả tự do cho 4 nữ tiếp viên này thì điều đó chứng tỏ trong những ngày qua kết quả xác minh cho thấy các nữ tiếp viên này không biết đây là chất ma túy nên hành vi không thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm quy định tại Điều 250 Bộ luật Hình sự.

Khi phát hiện ra ma túy trong hành lý của bất kỳ ai, cơ quan điều tra đều có quyền nghi ngờ người đó có liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, để xác định người đó có biết đây là chất ma túy hay không, có phải ma túy của họ hay không thì cần phải thu thập đánh giá chứng cứ một cách khách quan.

Việc tạm giữ hình sự đối với 4 nữ tiếp viên này hoàn toàn có căn cứ, đúng quy định của pháp luật, bởi vậy trong trường hợp không đủ căn cứ kết tội đối với bốn nữ tiếp viên này thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng không phải xin lỗi, bồi thường cho họ. Theo quy định của pháp luật, một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, nếu khởi tố, tạm giam nhưng không chứng minh được tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng phải trả tự do và xin lỗi phải bồi thường đối với người đã bị khởi tố. Còn đối với người bị tạm giữ, việc tạm giữ là có căn cứ, cơ quan điều tra chưa khởi tố, chưa tạm giam thì thời gian tạm giữ không được xác định là thiệt hại, người bị tạm giữ không có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Khoản 1 Điều 3 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015 quy định: Người bị tạm giữ là người đang bị quản lý tại cơ sở giam giữ trong thời hạn tạm giữ, gia hạn tạm giữ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

“Tạm giữ hình sự là biện pháp ngăn chặn được quy định trong Bộ luật Tố tụng Hình sự, do người có thẩm quyền áp dụng đối với người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp, phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, đầu thú hoặc đối với người bị bắt theo quyết định truy nã” - luật sư Đặng Văn Cường chia sẻ.