Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần đặc biệt nghiêm trị những kẻ phá rừng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp các vụ phá rừng tự nhiên quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương thời gian qua tiếp tục cho thấy tính chất manh động và liều lĩnh của những kẻ cố tình coi thường kỷ cương, phép nước.

Liên tiếp xảy ra các vụ hủy hoại rừng

Ngày 25/5, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có quyết định khởi tố vụ án “Hủy hoại rừng” xảy ra tại tiểu khu 1061 (xã Hbông, huyện Chư Sê). Diện tích rừng thiệt hại là 4.400m2, thuộc quy hoạch rừng phòng hộ do UBND xã Hbông quản lý. Thời điểm khởi tố, cơ quan chức năng đã xác định được đối tượng vi phạm. Hạt Kiểm lâm chuyển hồ sơ đề nghị công an huyện tiếp tục điều tra vụ việc theo thẩm quyền.

Lực lượng chức năng kiểm tra gỗ khai thác trái phép tại một vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên
Lực lượng chức năng kiểm tra gỗ khai thác trái phép tại một vụ phá rừng quy mô lớn trên địa bàn huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk Ảnh: Cao Nguyên

Trước đó, quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện tại vị trí nói trên có 5,1ha đất và rừng bị cày xới, tàn phá để chuẩn bị trồng mía. Sau thời gian rà soát, đối chiếu bản đồ, Hạt Kiểm lâm huyện Chư Sê đã bóc tách, xác định diện tích thiệt hại trong vụ việc này là 4.400m2 rừng phòng hộ nên khởi tố vụ án.

Trước đó, ngày 28/9/2021, Hạt kiểm lâm huyện Chư Sê cũng ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Hủy hoại rừng” đối với diện tích 11,5ha rừng tại tiểu khu 1065 (nằm trong vụ án 34ha rừng bị phá) cũng do UBND xã H'Bông quản lý. Trên diện tích này, cơ quan chức năng phát hiện có 200 cây rừng bị cưa chặt, vứt bỏ ở bìa suối; diện tích thiệt hại được xác định là 115.800m2.

Liên quan đến vụ phá rừng ở xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, ngày 25/5, ông Đặng Công Tạo - Chủ tịch UBND xã Ya Tờ Mốt cho biết, tập thể UBND xã đã tổ chức họp kiểm điểm trách nhiệm liên quan trong vụ việc rừng được giao quản lý bị phá hơn 380ha.

“Trong vụ việc này, tôi tự nhận hình thức kỷ luật cách chức, nhưng sau đó tập thể đã thống nhất hình thức kỷ luật tôi và Phó Chủ tịch UBND xã bằng hình thức cảnh cáo”- ông Đặng Công Tạo thông tin.

Trước đó, lực lượng chức năng phát hiện vụ phá hơn 380ha rừng ở huyện Ea Súp. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã vào cuộc điều tra, xác minh. Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án Hủy hoại rừng để điều tra. Mới đây, cơ quan chức năng đã bắt giữ 28 người để phục vụ điều tra.

Một vụ việc khác, ngày 23/5, theo thông tin từ Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn (tỉnh Thanh Hóa), ngay sau khi nhận được thông tin về vụ phá rừng tại xã Sơn Thủy, Hạt kiểm lâm đã báo cáo nội dung vụ việc đến các cơ quan chức năng.

Tổng diện tích rừng tại khu vực bản Cóc, xã Sơn Thủy bị phá là 12.99m2, tổng số lượng lâm sản thiệt hại gồm: 28 cây gỗ thông thường, khối lượng 18,185m2 và 8 bụi nứa 118 cây. Công an huyện Quan Sơn chủ trì vụ việc, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Quan Sơn, UBND xã Sơn Thủy tiếp tục điều tra làm rõ đối tượng vi phạm, thu thập chứng cứ có liên quan để khởi tố vụ án, khởi tố vị can theo đúng quy định của pháp luật.

Phá rừng là tội ác

Liên quan vụ việc, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, đấu tranh với những kẻ phá rừng hay thường gọi là “lâm tặc” chưa bao giờ là việc dễ dàng. Những kẻ này vì lợi nhuận, vì tiền mà bất chấp tất cả; chúng hoạt động có tổ chức, có hung khí, vũ khí nguy hiểm và rất manh động.

Tại các địa bàn vùng núi, địa hình hiểm trở, lực lượng chức năng càng khó khăn trong việc nắm bắt tình hình để đấu tranh hiệu quả. Mặt khác, nhiều đối tượng phá rừng còn sử dụng chính người dân địa phương để thực hiện hành vi vi phạm. Các đối tượng lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân để thuê họ trực tiếp phá rừng và trả cho họ số tiền công ít ỏi.

Người dân vì nghèo đói, thiếu hiểu biết mà đã biến mình thành đồng phạm trong hành vi hủy hoại môi trường. Do đó, để bảo vệ rừng lâu dài cần chăm lo cho cuộc sống người dân, tạo sinh kế cho họ từ rừng và giúp họ làm giàu nhờ rừng. Có như vậy thì mới động viên người dân trong công tác bảo vệ rừng.

“Đối với những kẻ phá rừng trái phép, chúng ta cần đặc biệt nghiêm trị. Chúng là một trong các nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, xói mòn sạt lở đất hàng năm, cướp đi tài sản, hoa màu và mạng sống của nhiều người. Có thể nói phá rừng trái phép là một tội ác.

Về quy định pháp luật, những đối tượng phá rừng trái phép có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hủy hoại rừng” theo Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Từ các vụ phá rừng, thiết nghĩ đối với những kẻ cố tình vi phạm và tiếp tay cho nạn chặt phá rừng trái phép, cần có chế tài đủ mạnh để chúng không thể và không dám vi phạm dù ở cấp nào.