Đây là loại hàng hóa đặc biệt vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, do đó cần đấu tranh quyết liệt với nạn buôn lậu vật tư y tế để bảo vệ sức khỏe người dân.
Gia tăng các vụ nhập lậu vật tư, thiết bị y tế
Ngày 3/3 vừa qua, tại thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất, Hà Nội), Công an huyện Thạch Thất phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra xe ô tô do anh Đỗ Đức Kiên (sinh năm 1993; ở huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) làm chủ đang dừng đỗ bán hàng trên địa bàn thị trấn Liên Quan.
Qua kiểm tra số hàng hóa trên xe, phát hiện 18 thùng nước muối sinh lý, 10 thùng khẩu trang có nhãn hàng hóa đầy đủ đúng quy định do Việt Nam sản xuất, 400 kit test nhanh Covid-19 trị giá 18 triệu đồng do Trung Quốc sản xuất không có thông tin bằng tiếng Việt, không có số lưu hành, chủ lô hàng không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số lô hàng này.
Tổ công tác đã lập biên bản về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là trang thiết bị y tế, tiêu hủy toàn bộ 400 kit test và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng.
Trước đó, ngày 25/2, bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội, đã phát hiện lô hàng nhập lậu gồm 5 thùng giấy, bên trong có chứa 3.000 bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 đang tập kết trước cửa nhà số 8 đường Trần Thủ Độ (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai).
Tại thời điểm kiểm tra, chủ lô hàng là Q.Đ.Th (sinh năm 1991, ở huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình) không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc lô hàng. Công an quận Hoàng Mai đã củng cố hồ sơ xử lý Q.Đ.Th về hành vi buôn bán hàng giả trong mùa dịch.
Công an TP Hà Nội cảnh báo, thời gian vừa qua, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các mặt hàng về thiết bị y tế như kit test Covid-19, nước sát khuẩn, khẩu trang y tế và các loại thuốc là những mặt hàng có sức mua lớn.
Lợi dụng nhu cầu lớn, nhiều đối tượng, tổ chức đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi để buôn lậu các loại vật tư, thiết bị y tế không rõ nguồn gốc gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thời gian tới, cơ quan công an tiếp tục phối hợp với các lực lượng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ, đặc biệt là các trang thiết bị, vật tư y tế.
Có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, buôn lậu là hành vi buôn bán hàng hóa qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại.
Do hàng hóa vật tư y tế sản xuất trong nước và nhập khẩu hợp pháp không đáp ứng đủ nhu cầu, hoặc vì chạy theo lợi nhuận, tranh thủ tận dụng thời điểm khan hiếm hàng hóa để làm giàu nên nhiều tổ chức, cá nhân đã thực hiện hành vi buôn lậu vật tư y tế từ nước ngoài vào Việt Nam bán kiếm lời. Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ về sức khỏe đối với người tiêu dùng khi không ai có thể đảm bảo chất lượng của các sản phẩm này. Vật tư, thiết bị y tế là hàng hóa đặc biệt vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, do đó cần đấu tranh quyết liệt với nạn buôn lậu vật tư y tế để bảo vệ sức khỏe người dân.
“Dưới góc độ pháp lý, người có hành vi buôn bán kinh doanh hàng hóa nhập lậu có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ. Trường hợp người có hành vi buôn lậu với giá trị hàng hóa từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị kết án mà chưa được xóa án tích về hành vi này hoặc các hành vi như sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Buôn lậu” theo quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người có hành vi buôn bán trái phép hàng hóa qua biên giới, từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại, kinh doanh hàng hóa nhập lậu sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu theo Điều 15 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Mức phạt tiền cao nhất đối với người có hành vi này là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.