Cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về đường sắt đô thị cho người dân

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại buổi Tọa đàm, giao lưu trực tuyến về “Tuyên truyền hướng dẫn sử dụng đường sắt đô thị ở Hà Nội” diễn ra trên báo Kinh tế & Đô thị online (Kinhtedothi.vn), sáng nay (26/9), ông Phạm Thanh Học – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng: Chúng ta cần tuyên truyền những cái người dân đang cần chứ không tuyên truyền những cái đang có.

 Ông Phạm Thanh Học - Phó Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phát biểu tại Tọa đàm.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Phạm Thanh Học – Phó Trưởng Ban Thường trực Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ: Hôm nay chúng ta tổ chức buổi tọa đàm tuyên truyền này có 2 vấn đề quan trọng, một là tuyên truyền cho mọi người biết; hai là hướng dẫn mọi người sau này tham gia như thế nào cho thuận lợi nhất. Có câu hỏi đặt ra là hôm nay chúng ta tổ chức chương trình tọa đàm về tuyên truyền này có sớm quá không? Xin khẳng định là không sớm, vì công tác truyên truyền, công tác dân vận bao giờ cũng phải đi trước, đi trong và đi sau mỗi sự kiện diễn ra.
Có rất nhiều vấn đề người dân đang cần, trong đó có vấn đề tuyên truyền về đường sắt đô thị. Trong thời gian đầu, thông tin về tuyến đường sắt đô thị đến với người dân còn ít, cho nên, ngay cả cá nhân tôi cũng chưa quan tâm đến tuyến đường sắt đô thị này. Trong thời gian tuyến đường thi công ảnh hưởng đến giao thông đi lại, báo chí và dư luận có nêu vấn đề thi công thời gian dài, dự toán vượt so với kế hoạch ban đầu.
Vừa qua trong lần đầu tiên đi thử tuyến Cát Linh – Hà Đông cùng Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP và các cơ quan, ban ngành, từ hôm đó với tư cách là một công dân của Hà Nội tôi về đã tuyên truyền cho rất nhiều người và thay đổi hoàn toàn suy nghĩ của mình về hệ thống đường sắt này.
Trước đây, tôi cũng nghĩ rằng sao làm lâu thế, nhưng đến khi trực tiếp đi trên tuyến vận hành thì thấy rất nhiều các hạng mục công việc, thực hiện không dễ dàng chút nào; Thứ hai, đó là vấn đề tại sao đội vốn vì chúng ta chưa làm công trình như thế này bao giờ, từ việc chưa có kinh nghiệm nên chưa thể tính toán kỹ hết tất cả mọi hạng mục công việc có thể phát sinh trong quá trình triển khai.
 Toàn cảnh Tọa đàm.
Qua việc được đi thử trên tuyến đường này tôi thấy rất văn minh, liên quan đến công tác tuyên truyền tôi thấy đây là việc làm rất tốt, rất đúng. Hoan nghênh vai trò của Cty đường sắt, Ban quản lý đường sắt đô thị và đặc biệt là Báo Kinh tế & Đô thị. Tôi cho rằng hôm nay chúng ta tổ chức được buổi Tọa đàm để tuyên truyền cho người dân này rất là tốt, rất đúng.
Vấn đề thứ hai, chúng ta cần cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt cho người dân trong đó có việc bây giờ tuyến đường sắt đã hoàn thành rồi thì sẽ đi như thế nào, đi có tiện lợi gì, nó hay ở đâu... chúng ta tuyên truyền những cái người dân đang cần chứ không tuyên truyền những cái đang có.
Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông mới chỉ là 1 trong 10 tuyến và vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để kết nối hạ tầng với 9 tuyến còn lại chưa đi vào hoạt động. Rồi vấn đề tuyến đường sắt này dự kiến sẽ vận chuyển được khoảng 1 triệu lượt khách mỗi ngày, thì việc sử dụng xe buýt trên các tuyến này sẽ được vận hành ra sao để có thể đảm bảo hài hòa giữa 2 loại hình. Lúc đó sẽ phải có một phép tính để tính toán lại mật độ xe buýt trên tuyến này cho hợp lý...
Sau bao nhiêu năm nỗ lực, cố gắng chúng ta đã đưa vào vận hành được tuyến đường sắt này, chắc chắn là hiện đại, chắc chắn là văn minh, chắc chắn là tiện lợi thì chúng ta phải tập trung vào tuyên truyền những cố gắng, nỗ lực để có thể đưa ra được cái sản phẩm này. Hướng dẫn cho người dân cách tham gia như thế nào?
 Tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thiện và chạy thử nghiệm.
Tôi có 4 mong muốn để có thể giải quyết vấn đề giao thông, môi trường và tạo ra hình ảnh đẹp cho Hà Nội hiện nay: Thứ nhất, tất cả các dòng sông của Hà Nội (đặc biệt là sông trong khu vực nội thành) đều chảy, xây dựng hệ thống cây xanh công trình dọc hai bên bờ sông; Thứ hai, tiến tới xây dựng một đô thị Hà Nội thì sẽ không còn đi xe máy, các đô thị trên thế giới đều thế và tuyến đường sắt đô thị chính là nhân tố góp phần để thực hiện mục tiêu này, khi việc đi lại văn minh hiện đại thì người dân sẽ tự thay đổi phương tiện đi lại; Thứ ba, Hà Nội sẽ kè được bờ sông Hồng, nếu kè được thì Hà Nội thì sẽ mang lại cảnh quan rất đẹp; Thứ tư, là Hà Nội không còn dây dợ lằng nhằng nữa.