Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn những bất cập, sự chồng chéo về hệ thống khung pháp lý, thiếu sự tham gia từ người dân... nên công tác cải tạo, quản lý vẫn chưa đạt kết quả như kỳ vọng.
Hiện trạng chung
Từ khi đổi mới vào năm 1986, nhà ở tại các đô thị mọc lên như nấm, trong khi công tác quản lý đô thị bị buông lỏng, đất công bị lấn chiếm làm nhà ở và mục đích cá nhân khác; dẫn đến sự thu hẹp, biến mất của nhiều công viên cây xanh, vườn hoa, sân chơi khu dân cư...
Năm 2008, TP Hà Nội được mở rộng gấp khoảng 3 lần, đòi hỏi phải sử dụng đất hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, bao gồm cả những người sống trong quận nội đô lịch sử, nơi có mật độ dân số và xây dựng cao.
Tuy nhiên, hiện nay vườn hoa, công viên cây xanh và các sân chơi trong khu vực nội đô Hà Nội đang rất thiếu, chỉ chiếm 1,92% tổng diện tích đất. Theo nguồn số liệu của Chương trình phát triển đô thị tổng thể Thủ đô Hà Nội (HAIDEP) cho thấy, diện tích công viên cây xanh, vườn hoa bình quân của Thủ đô chỉ là 0,9m2/người.
Vườn hoa, công viên cây xanh và sân chơi trong khu dân cư không được quy hoạch, thiết kế, đầu tư, quản lý tốt. Diện tích đất công còn lại của Hà Nội đang phải đối mặt với sự cạnh tranh giữa việc sử dụng đất cho tiện ích công, chính sách bán đấu giá cho tư nhân và cạnh tranh trong sử dụng đất giữa các tiện ích công với nhau. TP cũng đang thiếu thông tin hiện trạng đáng tin cậy về hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi khu dân cư và về đất công cho mục đích quy hoạch.
Cơ chế quản lý công viên cây xanh, vườn hoa đô thị đang bỏ qua vai trò của chính quyền phường là cơ quan đang thực sự quản lý hệ thống tài sản này trong khu dân cư. Bên cạnh đó là sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa một số ban, ngành TP chịu trách nhiệm về quy hoạch sử dụng đất, sự phối hợp giữa các ban, ngành còn thiếu và yếu. Ngoài ra, còn thiếu sự thống nhất về lãnh thổ giữa: quy hoạch đô thị và quản lý thực hiện quy hoạch đô thị.
Trong nhận thức về phát triển hiện nay, chính quyền Hà Nội phải xác định sự cần thiết phải phát triển vườn hoa, công viên cây xanh, quy hoạch những vườn hoa, công viên cây xanh có diện tích, quy mô lớn chứ không phải chỉ ở cấp độ khu dân cư. Chính quyền cấp phường cũng phải có những ưu tiên cao hơn so với việc chỉ bảo đảm có vườn hoa, sân chơi cho người dân, trong khi nhiều diện tích đất công lại đang được chính quyền cấp phương cho thuê phục vụ mục đích thương mại.
Hiện tại, TP Hà Nội đã thực thi một số chính sách liên quan tới việc phát triển công viên, sân chơi, sân thể thao. Nhưng lại có kẽ hở, cạnh tranh và mâu thuẫn giữa các chính sách đó.
Ví dụ, không có chính sách nào xác định rõ yêu cầu về diện tích đất và tiện ích tối thiểu dành cho sân chơi. Bên cạnh đó, nhu cầu về quỹ đất công dành cho tiện ích công cộng mâu thuẫn với chính sách cho phép bán đấu giá các lô đất công còn lại cho nhà đầu tư...
Một trong những vấn đề đáng được quan tâm trông công tác cải tạo, quản lý hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh đó là sự tham gia của cộng đồng dân cư. Người dân hiểu rõ giá trị của nó, mong muốn được tham gia quản lý không gian này, do họ biết cách nào để được sử dụng tốt nhất, nhưng lại không có đủ cơ hội để tham gia, đặc biệt là nhóm cư dân di cư thu nhập thấp.
Cơ sở pháp lý thiếu và chồng chéo
Khung pháp lý về quy hoạch, quản lý đô thị đã hướng dẫn việc lập quy hoạch hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh đô thị, nhưng hiện nay chưa đủ và thiếu thực tế. Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở và Luật Thủ đô đều không đề cập đầy đủ đến quy hoạch cơ sở hạ tầng xã hội, trong đó có vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi. Quy chuẩn quy hoạch đặt ra yêu cầu về diện tích bình quân cao một cách thiếu thực tế trong các khu ở cũ.
Cụ thể là quy chuẩn quốc gia về quy hoạch xây dựng (QCXDVN 01: 2008/BXD) quy định 2m2/người ở cấp đơn vị ở, trong khi quy hoạch cây xanh Hà Nội chưa được 1m2/người; quy định cụ thể về diện tích và tiện ích tối thiểu cho sân chơi cũng chưa có.
Sự thiếu nhất quán trong việc định nghĩa cây xanh sử dụng công cộng, vườn hoa, vườn dạo, sân chơi, sân thể thao... trong các văn bản quy phạm pháp luật (TCXDVN 362: 2005 và QCXDVN 01: 2008/BXD...), tạo ra cách hiểu khác nhau, dẫn đến thông tin không chính xác, đồng bộ cho mục đích quy hoạch, quản lý; Thông tin không được công khai đầy đủ, giới hạn các bên liên quan được mời đóng góp ý kiến, cơ chế phản hồi là những trở ngại để người dân tham gia.
Những mô hình hiệu quả
Đánh giá một cách khách quan, thời gian qua chính quyền Hà Nội đã xây dựng được nhiều mô hình vườn hoa, công viên cây xanh và sân chơi có sự tham gia hiệu quả từ các bên. Có thể kể đến câu chuyện lập bản đồ cộng đồng không gian công cộng tại phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) là một ví dụ thành công về việc dân cư tham gia xác định, lập bản đồ khảo sát không gian, đề án công cộng, đàm phán với chính quyền để biến thành vườn hoa, sân chơi khu dân cư.
Hay như mô hình hợp tác giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp tạo sân chơi tại phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân), là mối quan hệ đối tác thành công giữa những tác nhân này trong việc phát triển sân chơi. Trong mô hình này, chính quyền đã đóng góp, hỗ trợ về chủ trương, kỹ thuật và tài chính; nhà thầu cộng đồng thi công không vì lợi nhuận, lại cung cấp việc làm cho những thành viên của cộng đồng; trong khi người dân tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng, đóng góp tài chính, vật liệu và duy trì sân chơi một cách hiệu quả.
Ngoài ra, không thể không nhắc tới mô hình sáng tạo trong xây dựng sân chơi dành cho người nghèo, người nhập cư tại bãi Giữa - sông Hồng, với mức chi phí rẻ, sử dụng vật liệu tái chế, lao động tình nguyện, có sự hợp tác chặt chẽ trong cộng đồng, sử dụng mạng xã hội để phối hợp chia sẻ và phục vụ miễn phí cho trẻ em trong cộng đồng đó...
Từ những vấn đề nêu trên, có thể khẳng định rằng công tác cải tạo, xây dựng và quản lý hệ thống vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, từ cấp Trung ương đến cơ sở. Trong đó, đối với cấp Trung ương cần phải xem xét, đánh giá lại, đồng thời rút ra kinh nghiệm về Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia, đã được phê duyệt từ năm 2009, trong đó chú ý bảo đảm có đủ hạ tầng cơ sở xã hội thiết yếu cho các khu dân cư, bao gồm vườn hoa, công viên cây xanh sân chơi.
Bộ Xây dựng cần chỉ đạo chính quyền địa phương rà soát đánh giá hiện trạng khu dân cư hiện hữu và lập Chương trình nâng cấp đô thị cho từng đô thị có nhu cầu nâng cấp.
Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Thủ đô cần đề cập thích đáng hơn về hạ tầng xã hội, trong đó bao gồm nội dung về vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi khu dân cư; xây dựng cơ chế tham gia của công dân hiệu quả hơn trong quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị, việc xác định mục đích sử dụng đất được tách ra để người dân tham gia đóng góp trước khi các bước tiếp theo được thực hiện.
Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nghiên cứu quy chuẩn, tiêu chuẩn cho vườn hoa, công viên, cây xanh, sân chơi trong khu dân cư, để có bộ quy chuẩn thống nhất áp dụng cho khu vực nội thành Hà Nội, do tính chất đặc thù về vị trí chiến lược, cư dân, kiến trúc, lịch sử và văn hóa của nó.
Phía chính quyền Hà Nội, cần quan tâm hơn nữa đến công tác quy hoạch cây xanh, bổ sung nội dung liên quan đến vườn hoa, sân chơi ở cấp đơn vị ở; tránh chồng chéo trong chức năng lập quy hoạch sử dụng đất và chức năng lập quy hoạch cây xanh, nên xem xét việc quy về một mối do Sở Quy hoạch - Kiến trúc điều phối.
TP Hà Nội phải nhanh chóng thực hiện kiểm kê, đánh giá hiện trạng và tình hình sử dụng các vườn hoa sân chơi hiện hữu trong khu dân cư, tập hợp thông tin hiện trạng, quy hoạch vườn hoa, sân chơi, công viên cây xanh trên nền bản đồ - thể hiện chi tiết từng phường; khẩn trương phục hồi, tôn tạo, nâng cấp các vườn hoa sân chơi hiện hữu trong khu dân cư, đồng thời tăng cường công tác quản lý, dẹp bỏ những lấn chiếm, sai phạm, sử dụng sai mục đích những không gian này.
Đồng thời, phải huy động những nguồn lực khác nhau để xây dựng, cải thiện vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi khu dân cư với chi phí thấp, bằng cách tận dụng những vật liệu đã qua sử dụng và công lao động tình nguyện...
Đặc biệt, cần làm việc nhiều hơn với cộng đồng để hiểu về nhu cầu của họ và dẫn dắt việc đối thoại với chính quyền nhằm giữ gìn đất công, huy động nguồn lực để xây dựng, cải thiện, duy trì vườn hoa, công viên cây xanh, sân chơi khu dân cư.
Một lượng lớn quỹ đất công được quy hoạch để xây dựng vườn hoa, công viên cây xanh đang bị bỏ không lãng phí, hoặc sử dụng sai mục đích, cùng là vấn đề gây nhức nhối với cơ quan quản lý Nhà nước tại địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt, xuống cấp đã được cảnh báo từ lâu, nhưng công tác cải tạo, xây dựng vườn hoa, công viên trên địa bàn Thủ đô vẫn chưa đạt được nhiều kết quả tích cực như kỳ vọng.
Chuyên gia về quy hoạch đô thị, thạc sĩ, KTS Trần Tuấn Anh