Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần giải pháp đồng bộ trong chính sách

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “TP Hà Nội muốn phát triển hệ thống chợ văn minh, hiện đại, cần có các giải pháp đồng bộ, từ xây dựng cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư cũng như kêu gọi sự hợp tác, đồng thuận của tiểu thương”, đó là khẳng định của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong.

Ông có thể đánh giá về thực trạng hệ thống chợ trên địa bàn TP Hà Nội hiện nay?

Chuyên gia kinh tế  Nguyễn Minh Phong
Chuyên gia kinh tế  Nguyễn Minh Phong

- Chợ Hà Nội không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, mà còn mang ý nghĩa văn hóa, xã hội. Nói cách khác, chợ không chỉ là nơi trung chuyển hàng hóa bán lẻ, mà còn là nơi gặp gỡ thể hiện bản sắc văn hóa đô thị Thăng Long.

Chợ luôn là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các DN, tuy nhiên trong thời gian qua, sau một thời kỳ tương đối rộ lên việc đầu tư xã hội hóa chợ, thì thời gian gần đây đang có sự trầm lắng nhất định.

Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân khiến việc xã hội hội hóa nguồn vốn đầu tư hệ thống chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội chưa thu hút được nhiều DN tham gia?

- Việc thu hút vốn đầu tư xây dựng chợ của TP Hà Nội gặp nhiều khó khăn có nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất mặc dù số lượng chợ trong nội thành không nhiều, nhưng do diện tích đất hạn hẹp nên trong quá trình quy hoạch cũng khó bổ sung.

Thứ hai, thực tiễn cho thấy một số dự án chợ mặc dù đã được cải tạo nhưng kiến trúc chợ có vấn đề nên gây ra tranh chấp giữa chủ đầu tư và tiểu thương.

Ngoài ra, mục tiêu xây dựng, sửa chữa chợ chưa được rõ ràng, đặc biệt là sự xung đột lợi ích giữa chợ truyền thống với chợ phục vụ người dân; và quản lý Nhà nước.

Trong khi nhà đầu tư với mục tiêu biến chợ thành một nơi vừa là trung tâm thương mại, vừa là nhà ở, khu dân cư, từ đó gây ra xung đột tranh chấp cả về mặt kiến trúc, cũng như tiền thuê diện tích kinh doanh, cơ chế quản lý của chợ.

Mặt khác, những cơ sở pháp lý, nhất là cơ chế thu hút vốn đầu tư chưa rõ ràng hoặc mang tính đột phá chưa có, dẫn đến tình trạng vốn thì không thiếu, nhu cầu thì có nhưng chưa gặp nhau giữa cung và cầu.

Để khắc phục khó khăn, TP Hà Nội cần có giải pháp gì để thu hút được DN bỏ vốn đầu tư xây dựng, cải tạo chợ thưa ông?

- Để thu hút đầu tư hệ thống chợ đòi hỏi TP Hà Nội có những cơ chế, chính sách hỗ trợ DN như cơ chế đấu thầu để phát triển chợ, quan hệ giữa chủ đầu tư chợ với quản lý Nhà nước...

Ngoài ra, về tổng thể nên điều chỉnh lại quy hoạch chợ theo hướng đưa ra các danh mục ổn định, danh mục cần cải tạo, danh mục cần cải tạo gấp và các công năng, mục tiêu của chợ phải được xác định rõ ràng.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai, minh bạch các dự án phát triển chợ, cụ thể vị trí, diện tích, công năng, quy hoạch xây dựng, các mục đích sử dụng, quy chế, cơ chế đầu tư, các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên có liên quan, đặc biệt là tổ chức đấu thầu.

Ngoài ra, Nhà nước, địa phương cần đứng ra giải phóng mặt bằng (nếu dự án thuần túy là chợ truyền thống) vì đây là những dự án đầu tư công để bảo đảm giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Còn nếu chợ gắn với nhà ở thì cần rõ ràng trong việc người nào được vào ở, những quyền lợi, nghĩa vụ liên quan gắn với hoạt động, chi phí, cơ chế vận hành chợ.

Một điểm nữa rất quan trọng là phân phối những ki ốt, nói cách khác là đưa người vào hoạt động trong chợ như thế nào qua đó giảm thiểu xung đột lợi ích giữa DN đầu tư với tiểu thương thuê mặt bằng kinh doanh.

Cuối cùng, cần có sự phối hợp liên ngành để tránh sự xung đột về cả mục tiêu, lợi ích và cơ chế quản lý. Cần phải có một sự vào cuộc thực sự nghiêm túc và có sự chỉ đạo thống nhất, tránh những sự chỉ đạo nhỏ lẻ, ngắt quãng, đơn độc của một vài cá nhân, dự án hay của một vài chủ đầu tư nào đó.

Tất cả những điều đó sẽ góp phần tạo sự đồng thuận xã hội ở mức cao nhất, cũng như bảo đảm hài hòa lợi ích giữa DN bỏ vốn, cơ quan quản lý Nhà nước và tiểu thương thuê mặt bằng.

Xin cảm ơn ông!