Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần hiểu để thực hiện hoạt động giáo dục STEM trong nhà trường hiện nay 

Hà Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giáo dục STEM vừa mang nghĩa thúc đẩy giáo dục các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, vừa thể hiện phương pháp tiếp cận liên môn, phát triển năng lực và phẩm chất người học.

Để hiểu hơn về tư tưởng giáo dục STEM trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trò chuyện với TS. Huỳnh Ngọc Thanh - nguyên giảng viên trường Cán bộ Quản lý Giáo dục TP Hồ Chí Minh (Bộ GD&ĐT), đồng chủ biên và đồng tác giả của nhiều bộ sách về Giáo dục STEM cấp Tiểu học và Trung học Cơ sở do Nhà xuất bản Giáo dục Việt nam phát hành. TS Huỳnh Ngọc Thanh đã tham gia tập huấn về giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên nhiều tỉnh, thành.

TS. Huỳnh Ngọc Thanh trong buổi tham gia tập huấn về giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên
TS. Huỳnh Ngọc Thanh trong buổi tham gia tập huấn về giáo dục STEM cho cán bộ quản lý, giáo viên

PV: Xin thầy cho biết, giáo dục STEM là gì và mục đích của hoạt động này khi triển khai trong nhà trường hiện nay ?

- TS. Huỳnh Ngọc Thanh: Trước tiên, thuật ngữ STEM là chữ viết tắt bằng tiếng Anh của bốn chữ: Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán). Hiệp hội các giáo viên dạy khoa học quốc gia Mỹ (National Science Teachers Association - NSTA) đề xuất khái niệm giáo dục STEM (STEM education) với cách định nghĩa ban đầu như sau: "Giáo dục STEM là cách tiếp cận liên ngành trong quá trình học, trong đó các khái niệm học thuật mang tính nguyên tắc được lồng ghép với các bài học trong thế giới thực, ở đó học sinh áp dụng các kiến thức trong khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào trong các bối cảnh cụ thể giúp kết nối giữa trường học, cộng đồng, nơi làm việc và các tổ chức toàn cầu, để từ đó phát triển các năng lực trong lĩnh vực STEM và cùng với đó có thể cạnh tranh trong nền kinh kế mới".

Mục đích của giáo dục STEM là tạo ra những con người có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thích nghi với cuộc sống ở thế kỷ 21, như các năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Giáo dục STEM cũng giúp các em phát triển các năng lực chuyên môn ở dạng tích hợp; khơi gợi niềm say mê học tập cho học sinh và giúp các em khám phá tiềm năng của bản thân. Đây là những lợi ích đối với học sinh khi triển khai giáo dục STEM trong nhà trường, phù hợp xu thế phát triển giáo dục các nước và chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay ở Việt Nam

Với những lợi ích của giáo dục STEM như trên thì làm cách nào để chúng ta có thể triển khai trong nhà trường khi thời khóa biểu của các lớp không có môn học “STEM”?

- Các công văn 3089/BGDĐT-GDTrH, 909/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn rất rõ ba hình thức triển khai giáo dục STEM trong nhà trường: Bài học STEM; Trải nghiệm STEM; Nghiên cứu khoa học (Trung học), Làm quen với nghiên cứu khoa học (Tiểu học).

Hình thức thứ nhất, “Bài học STEM”, là hình thức giáo viên của nhà trường chuyển bài dạy của các môn học trong giờ chính khóa thành “Bài học STEM” (gồm môn học chủ đạo và môn học tích hợp) để dạy cho học sinh, hình thức dạy học này không thu học phí.

Để các trường thực hiện hình thức này, Bộ GD&ĐT và các đơn vị đã có sự chuẩn bị rất kỹ như sau: Tập huấn cho Cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các tỉnh, thành với bộ tài liệu dạy học STEM gồm rất nhiều các chủ đề từ lớp 1 đến lớp 12; Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (chi nhánh ở các miền) phát hành 3 bộ sách viết về bài học STEM bậc tiểu học (mỗi bộ có khoảng 100 chủ đề, với dụng cụ, nguyên vật liệu dễ tìm, rẻ tiền, có thể tái sử dụng); Đính kèm theo mỗi bộ sách STEM là kế hoạch dạy học (Word), giáo án (Powerpoint), Phiếu học tập ….; Công tác tư vấn, hỗ trợ chuyên môn của các chuyên gia, nhóm tác giả của 3 bộ sách giáo dục STEM cho Cán bộ quản lý, giáo viên trên các group zalo ở khắp các địa phương…; Các cơ quan quản lý giáo dục như Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT cũng thực hiện rất tốt các phần việc tiếp theo nhằm triển khai đại trà đến giáo viên bằng nhiều cách khác nhau như mời giảng viên các trường đại học, viện nghiên cứu, tác giả các bộ sách giáo dục STEM, sử dụng đội ngũ giáo viên cốt cán, … tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên ở địa phương mình.

Nói chung, sự chuẩn bị của các cấp quản lý đã tạo điều kiện thuận tiện cho giáo viên khi tiến hành dạy “Bài học STEM” lồng ghép trong các tiết chính khóa cho học sinh ở trường mình. Do đó, về cơ bản, hiện nay, có thể nói, khá nhiều trường tiểu học và trung học trên toàn quốc có thể triển khai hình thức “Bài học STEM” vào trong nhà trường.

Ngoài ra, các bộ sách giáo khoa hiện nay đều được viết theo cấu trúc mới nhằm phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Ví dụ: Các bộ sách giáo khoa môn Công nghệ, Toán, Tự nhiên và xã hội, Khoa học Tự nhiên, …gần như cuối mỗi chương đều có một hoạt động Thực hành – Trải nghiệm hướng dẫn học sinh chế tạo một sản phẩm gắn liền với kiến thức của chương đó, đó cũng là một dạng “Bài học STEM”.

Hình thức thứ hai, “trải nghiệm STEM”, được hiểu là học sinh có thể hoạt động toàn lớp hoặc dưới dạng câu lạc bộ, hoạt động có thể diễn ra trong lớp hoặc ngoài lớp, do giáo viên nhà trường hướng dẫn, không thu học phí. Hoặc nhà trường có thể phối hợp với một đơn vị bên ngoài để cử giáo viên của công ty hoặc hợp đồng với giáo viên của trường dạy cho học sinh của trường, có thu học phí, chúng ta thường gọi là hình thức dạy học liên kết.

Hình thức thứ ba, “Làm quen với nghiên cứu khoa học”, là hình thức học sinh sinh hoạt dưới dạng toàn lớp hoặc câu lạc bộ (chủ yếu là câu lạc bộ) và hoạt động ngoài giờ chính khóa là chủ yếu dưới sự hướng dẫn của giáo viên, không thu học phí.

Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Ảnh minh hoạ
Giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Ảnh minh hoạ

Như vậy, với sự chuẩn bị bài bản của ngành thì những điều kiện để giáo viên của nhà trường có thể dạy STEM dưới hình thức “Bài học STEM” khá đầy đủ và thuận tiện. Tuy nhiên, theo thầy, ngoài những thuận lợi khi triển khai hình thức “Bài học STEM” trên, nhà trường còn gặp khó khăn nào khác hay không?

- Giáo dục STEM là một phần trong chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông. Như chúng ta đã biết, bất cứ một hoạt động đổi mới nào cũng gặp một số trở ngại ban đầu, đặc biệt là tâm lý ngại thay đổi, giáo dục STEM cũng không là ngoại lệ. Kế đến, dù các công văn 5512/BGDĐT-GDTrH và 2345/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT đã tạo điều kiện cho giáo viên chủ động xây dựng kế hoạch bài dạy, nói đơn giản là tự quyết định phân số tiết dạy cho 1 bài dạy (tăng số tiết của bài này, giảm số tiết của bài khác để cuối cùng tổng số tiết vẫn không thay đổi), nhưng một ít giáo viên vẫn còn e ngại vì khi chuyển 1 bài dạy truyền thống thành 1 “Bài học STEM” thường số tiết sẽ tăng thêm, giáo viên phải cân nhắc giảm số tiết của những bài khác của môn học chủ đạo, hoặc lấy thêm 1 tiết của môn tích hợp nào….

Ví dụ, bài dạy truyền thống cần dạy 2 tiết, khi chuyển sang “Bài học STEM” phải thêm 1 tiết, chẳng hạn. Kế đến, khi dạy “Bài học STEM” thì kinh phí để mua dụng cụ, nguyên vật liệu (dù hầu hết các chủ đề đều sử dụng dụng cụ, nguyên vật liệu dễ tìm, rẻ tiền, có thể tái sử dụng), nhưng kinh phí nhà trường được địa phương cấp hiện nay cũng vừa đủ để sử dụng, nay phát sinh thêm việc dạy dưới hình thức “Bài học STEM” thì cũng là một vấn đề của nhà trường. Bên cạnh đó, một số áp lực công việc hiện nay cũng làm giáo viên ngần ngại khi áp dụng, và một số khó khăn khác phụ thuộc vào đặc thù hoạt động của mỗi trường…

Theo thầy, vì sao hình thức dạy học liên kết STEM lại được phổ biến ở một số trường mà báo chí liên tục đề cập trong thời gian gần đây.

- Theo chúng tôi, vấn đề này cần được tìm hiểu nhằm hỗ trợ các trường chưa triển khai hình thức “Bài học STEM” vào các tiết dạy chính khóa bởi các cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương thì sẽ chính xác và hiệu quả hơn. Nhưng, như phân tích ở trên, hình thức liên kết với các đơn vị ngoài nhà trường sẽ giải quyết được một số khó khăn mà nhà trường gặp phải khi muốn triển khai hình thức “Bài học STEM”, hình thức dạy học liên kết này cũng phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục của chúng ta hiện nay.

Tuy nhiên, theo các phương tiện truyền thông những ngày qua, khi áp dụng hình thức dạy học liên kết này cũng gặp phải một số hạn chế như: Học sinh phải đóng học phí, dạy trong giờ chính khóa (trong khi đây được xem là hoạt động ngoại khóa), khó kiểm soát về chất lượng chuyên môn, …Những bất cập trên cần được các cơ quan quản lý giáo dục địa phương và nhà trường tháo gỡ trên tinh thần “Tất cả vì quyền lợi của học sinh”.

Quan điểm của thầy về vấn đề này như thế nào?

- Trong các công văn 3089/BGDĐT-GDTrH và 909/BGDĐT-GDTH của Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thì hình thức “Bài học STEM” được đưa lên ở vị trí thứ nhất trong ba hình thức, điều đó có thể hiểu đây là hình thức cần được ưu tiên triển khai trong nhà trường. Do đó, theo quan điểm của chúng tôi thì, tốt nhất, các trường nên chủ động tháo gỡ các khó khăn trên, nếu có, để thầy cô áp dụng hình thức thứ nhất “Bài học STEM”, bởi đây là hoạt động dạy học trong giờ chính khóa của giáo viên, không phát sinh thêm tiết có thể gây hiện tượng quá tải cho học sinh, nhà trường thuận tiện trong việc kiểm tra đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên, giáo viên đánh giá được sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh theo yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay.

Và nhất  là việc không thu học phí sẽ giúp các trường và học sinh ở những địa bàn còn khó khăn tiếp cận được giáo dục STEM, góp phần thực hiện chính sách công bằng trong giáo dục của Đảng và nhà nước ta hiện nay.

Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện này!