Cần khoảng 1 triệu tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đạt được mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới (NTM) với 50% số xã đạt chuẩn vào năm 2020, chúng ta cần phải rà soát cơ chế chính sách, tăng cường sự hỗ trợ của doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Trần Thanh Nam đã cho biết như vậy tại Diễn đàn đối thoại chính sách “Hợp tác thúc đẩy xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020", do Bộ NN&PTNT tổ chức tại Hà Nội mới đây.
Cần khoảng 1 triệu tỷ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1
Ảnh minh họa.
Vẫn còn nhiều thách thức

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đã có 1.700 xã đạt chuẩn NTM (20%), đời sống nhân dân được nâng cao, tạo tiền đề phát triển kinh tế giai đoạn 2015- 2020.

Tuy nhiên, chương trình vẫn còn nhiều tồn tại khó khăn cần tháo gỡ. Theo đó, nhiều địa phương miền núi sản xuất còn manh mún, khó áp dụng khoa học kĩ thuật, thu nhập người dân vẫn chưa ổn định... Đặc biệt, việc huy động các nguồn lực vẫn còn thấp.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Phó Chánh Văn phòng điều phối Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM cho biết, một trong những khó khăn thách thức về vốn xây dựng NTM là nguồn lực bố trí thấp so với mục tiêu của chương trình.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, vấn đề làng nghề cũng đang gây nhiều bức xúc, nhận thức của một số cán bộ cơ sở và người dân vẫn đang trông chờ vào vốn ngân sách. Mặc dù nguồn vốn huy động từ doanh nghiệp đã cao hơn, nhưng doanh nghiệp chỉ đóng góp 3,41%. Việc doanh nghiệp tham gia đóng góp xây dựng NTM vẫn còn rất hạn chế.

Không những vậy, trong đầu năm 2015 tiêu thụ nông sản khó khăn nên ảnh hưởng đến tiêu chí thu nhập, việc đạt chuẩn của 40% số xã vẫn chưa bền vững về tiêu chí này.

Tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư

Mục tiêu của Chương trình xây dựng NTM từ năm 2016 - 2020 có khoảng 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn NTM, mỗi tỉnh thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn NTM. Thu nhập người dân tăng 1,8 lần so với năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016- 2020; 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Dự kiến nguồn lực thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020 với tổng mức vốn khoảng 1 triệu tỷ đồng. Trong đó, dự kiến ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình khoảng 120.000 tỷ đồng, gồm: Vốn đầu tư phát triển 96.000 tỷ đồng (80%); vốn sự nghiệp kinh tế 24.000 tỷ đồng (20%).

Để đạt được những mục tiêu trên, vấn đề quan trọng nhất là phải tăng cường thu hút đầu tư từ doanh nghiệp vào xây dựng NTM theo hình thức đối tác công tư.

Theo ông Võ Trường Sơn, đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: “Dường như chương trình gánh trên vai nhiều trọng trách và kỳ vọng, lẫn lộn giữa khái niệm phong trào và mục tiêu tham vọng. Nguồn vốn DN tham gia xây dựng NTM chỉ đạt 10-15% thì ngang “bắt cua trong lỗ”. Vì thế, cần có cơ chế kéo DN tham gia nhiều hơn nữa chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn".

Ông Trần Thanh Nam khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây NTM là chương trình hỗ trợ thêm, kêu gọi tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển NTM ở địa phương, chứ không phải chương trình đầu tư xây dựng cơ bản. Nguyên tắc phân bổ vốn của chương trình là sẽ ưu tiên đến xã nghèo đặc biệt khó khăn, định mức phân bổ theo quy định của Nhà nước.

“Trong quá trình triển khai sẽ có những chồng chéo, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mục tiêu cuối cùng là rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị”, ông Nam nhấn mạnh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam cũng đề nghị các tổ chức quốc tế hợp tác, cụ thể là Ngân hàng Thế giới tiếp tục hỗ trợ chương trình vẫn đề xây dựng nước sạch nông thôn, giao thông nông thôn.../.