Trong bối cảnh hoạt động mua bán, giao dịch tiền ảo tại Việt Nam khá sôi động hiện nay, việc hoàn thiện khung pháp lý cho loại hình này là cần thiết để đưa tiền ảo vào khung khổ.
Tại Việt Nam, từ nhiều năm nay, việc nhà đầu tư tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo đã không còn là hiện tượng lạ, các loại tiền số được nhắc đến nhiều gồm Bitcoin, Ethereum... Dù chưa phổ biến nhưng nhu cầu tiền ảo là có thật. Và thời gian qua, rất nhiều tranh chấp, nhiều sự cố liên quan đến việc người dân mua bán, giao dịch tiền ảo đã diễn ra và chưa có câu trả lời cuối cùng.
Vì vậy, việc hoàn thiện khung pháp lý về tiền ảo không chỉ quản lý về thuế, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố mà còn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp, phòng chống lừa đảo.
Theo thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay, giá đồng tiền số Bitcoin tăng gần 37%, cán mốc 64.000 USD/BTC (tương đương 1,57 tỷ đồng). Trong khi đó, thống kê gần nhất của Crypto Crunch App - một ứng dụng tại Mỹ chuyên thu thập thông tin về các loại tiền số cho thấy, Việt Nam có gần 26 triệu người sở hữu tiền ảo, đứng thứ 3 thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Mỹ.
Về hành lang pháp lý, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan như Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn khoảng trống pháp lý đối với lĩnh vực đang phát triển mạnh mẽ này
Các chuyên gia cho rằng, thời đại kinh tế số, nếu chậm trễ trong nghiên cứu chính sách về các phương thức giao dịch mới thì không chỉ thất thu thuế, không khai thác hết nguồn lực mà còn có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng do không có công cụ quản lý.
“Việc chậm chân trong xây dựng khung pháp lý cho lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo có thể dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý. Các loại tài sản số được đánh giá rất tiềm năng, là xu thế, nếu chúng ta không kịp thời quản lý, cơ hội có thể trôi qua" - một chuyên gia nhấn mạnh.
Phía Bộ Tài chính hiện đã giao cho các đơn vị thuộc bộ, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng khung pháp lý đối với tiền ảo, tài sản ảo, đáp ứng tiến độ đề ra. Bộ này cũng nhìn nhận tiền ảo, tài sản ảo là lĩnh vực khó và "tương đối nhạy cảm" ở Việt Nam.
Còn theo Bộ Tư pháp, trên thế giới, có quốc gia cấm tiền ảo, tài sản ảo nhưng lại có quốc gia thả nổi cho lĩnh vực này hoạt động. Trong khi đó, một số quốc gia cũng đưa ra các điều kiện để siết chặt quản lý. Cơ quan này cũng nhìn nhận lĩnh vực tiền ảo, tài sản ảo dù có những rủi ro nhất định nhưng cũng có nhiều tiềm năng, cơ hội. Do đó, việc xây dựng khung pháp lý cần bảo đảm hài hòa giữa các mặt.
Việc xây dựng khung pháp lý “đưa tiền ảo vào khuôn khổ” là cần thiết. Tuy nhiên, xây dựng thế nào để khơi thông nguồn lực mà vẫn hạn chế những hệ quả xấu với xã hội, với người dân, với nền kinh tế là bài toán không hề dễ.
Do vậy, cần nghiên cứu một cách tổng thể để nhận diện bản chất pháp lý của tiền ảo, tài sản ảo, từ đó có khái niệm về loại tài sản này. Việc đánh giá tổng thể những rủi ro, được, mất, xây dựng khung pháp lý thử nghiệm cho tài sản ảo, áp dụng vào những nhóm đối tượng cụ thể hay áp dụng cho diện rộng cũng cần tính toán cân nhắc.
Như vậy, khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo. vẫn là vấn đề khó, có nhiều rủi ro. Việc nghiên cứu kỹ lưỡng, khoa học để quản lý tốt loại hình mua bán, đầu tư này cần được tổ chức khoa học, kỹ lưỡng để đạt được các mục tiêu đề ra.