Liên tiếp các vụ tố cáo bạo hành, cưỡng bức phụ nữ:

Cần kiên quyết đấu tranh với bạo lực giới

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày gần đây, mạng xã hội xôn xao và lan truyền thông tin tố cáo các trường hợp bạo hành, cưỡng bức phụ nữ.

Dù các sự việc này có đúng sự thật hay không, chúng ta phải thừa nhận rằng, tình trạng bạo hành, xâm hại phụ nữ đang là vấn đề vô cùng nhức nhối, cần phải được xử lý triệt để.

Nhiều phụ nữ lên tiếng tố cáo bị cưỡng bức, bạo hành

Mới đây, ngày 4/4, đại diện Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho biết, đơn vị đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ một cựu hoa khôi trường đại học tố bị đánh đập, cưỡng bức lên Công an TP Hà Nội, để Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TP Hà Nội thụ lý, tiếp tục làm rõ vụ việc. Trước đó, chị V.N.H (sinh năm 1998, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình) - cựu hoa khôi một trường đại học tại Hà Nội đã có đơn tố cáo ông L.M.T (sinh năm 1972, ở quận Hoàng Mai) - Chủ tịch một bệnh viện, Trưởng khoa tại trường Đại học Luật Hà Nội có hành vi đánh đập, cưỡng bức chị H.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trả lời báo chí liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Tuấn Ninh - Vụ trưởng Vụ công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết đã nắm được thông tin vụ việc; đồng thời cho biết thêm, ông T. đã có đơn xin nghỉ việc tại Đại học Luật Hà Nội.

Liên quan vụ việc, Hội LHPN TP Hà Nội đã có công văn gửi Công an TP đề nghị điều tra, xử lý đơn tố giác tội phạm. Nội dung đơn chị H. tố giác ông L.M.T. ép chị quan hệ tình dục, quay clip, bạo lực và đe dọa chị H. Ban Thường vụ Hội LHPN TP Hà Nội nhận thấy nội dung tố giác trong vụ việc có tính chất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần, tính mạng của cá nhân chị H., ảnh hưởng tới đạo đức, văn hóa xã hội và gây bức xúc dư luận.

Thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN Hà Nội chuyển đơn tố giác và có công văn đề nghị Công an TP Hà Nội khẩn trương chỉ đạo điều tra, xử lý vụ việc kịp thời, nghiêm minh, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của chị H. theo quy định của pháp luật.

Trong những ngày qua, mạng xã hội tiếp tục “nóng” trước thông tin nhà thơ Dạ Thảo Phương tố cáo bị đồng nghiệp là ông L.N.A. cưỡng hiếp cách đây 22 năm. Ngày 13/4, một nữ nhà văn tiếp tục lên tiếng từng bị ông L.N.A. quấy rối...

Bạo hành phụ nữ là vấn đề nhức nhối

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho rằng, tình trạng bạo hành đối với phụ nữ đang là vấn đề nhức nhối. Tình trạng bạo lực đối với phụ nữ có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân đầu tiên xuất phát từ đặc điểm sinh học của người phụ nữ. Cấu tạo tự nhiên của cơ thể nữ giới là yếu ớt hơn so với đàn ông, không có sức mạnh cơ bắp để tự bảo vệ bản thân mình. Nguyên nhân thứ hai cũng là nguyên nhân quan trọng nhất, đó là xã hội ngày nay vẫn chưa có bình đẳng giới thực sự.

Tâm lý coi thường phụ nữ, định kiến giới in sâu trong mỗi người Việt Nam và qua nhiều thế hệ vẫn còn tồn tại ít nhiều. Nhiều người vẫn nghĩ rằng phụ nữ phải phục tùng đàn ông. Trong gia đình, người chồng làm chủ, là trụ cột còn phụ nữ phải chăm sóc chồng con cho tốt. Từ đó, xã hội đã xác lập vị thế “bề trên” của đàn ông so với phụ nữ. Cũng chính vì tư tưởng đó đã khiến cho vị trí, vai trò của người phụ nữ trong xã hội bị hạ thấp và khiến cho người phụ nữ dễ chịu thiệt thòi.

Mặc dù là nạn nhân nhưng phụ nữ luôn cảm thấy xấu hổ, phải đối mặt với định kiến xã hội, lời ra tiếng vào của những người xung quanh. Cũng vì tâm lý xấu hổ đó nên nhiều người phụ nữ là nạn nhân của bạo lực tình dục không dám lên tiếng, không dám đấu tranh vì quyền lợi của mình. Đối với họ, nỗi đau về thể xác có thể mau chóng qua đi nhưng nỗi đau về tinh thần sẽ theo họ đến hết cuộc đời. Đây cũng là một lý do khiến cho nạn bạo hành đối với phụ nữ vẫn chưa thể đẩy lùi được.

“Để đấu tranh với bạo lực giới, bảo vệ quyền lợi phụ nữ cần phải có sự chung tay của toàn thể xã hội. Điều quan trọng nhất là xã hội phải thay đổi ý thức về bình đẳng giới, tôn trọng phụ nữ hơn, vai trò vị thế của người phụ nữ đối với xã hội phải được nâng cao. Đây là vấn đề lớn và có lẽ không thể giải quyết trong một sớm một chiều” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nêu quan điểm.

Trong khi đó, theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh, để bảo vệ phụ nữ bị bạo lực, xâm hại, hệ thống pháp luật phải là điều kiện tiên quyết, bên cạnh đó là sự chung tay của các cơ quan hành pháp, tư pháp, của hệ thống hỗ trợ - bảo vệ phụ nữ cũng như những người làm việc trong đó. Đồng thời, cần rà soát lại những quy định của pháp luật, có sửa đổi, bổ sung các quy định sao cho hiệu quả, phù hợp...

 

"Khi nói đến phụ nữ bị bạo hành, xâm hại tình dục là nỗi đau không chỉ riêng của gia đình nạn nhân mà còn là nỗi đau của toàn xã hội. Tâm lý của người Á Đông thì những chuyện này không muốn cho người ngoài biết, chỉ đến khi quá bức xúc, đưa ra dư luận thì lúc này việc chứng minh tội phạm là rất khó. Do đó, chúng ta cần chung tay góp sức để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề đưa các đối tượng phạm tội ra ánh sáng." - Nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP Hồ Chí Minh - luật sư Vũ Phi Long

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần