Đáng báo động
Theo số liệu thống kê, tính chung 10 tháng năm 2024, cả nước xảy ra 19.513 vụ tai nạn giao thông, làm chết 8.990 người, bị thương 14.505 người. Số vụ tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, thời gian gần đây xảy ra tình trạng người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông bỏ trốn khỏi hiện trường; bỏ mặc người bị nạn không đưa đi cấp cứu, gây hậu quả nghiêm trọng.
Gần đây nhất, khoảng 0h15’ ngày 3/11, chị N.H.Q. (SN 1997, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang dừng chờ đèn đỏ ở ngã tư Bà Triệu - Trần Hưng Đạo thì có một nhóm "quái xế" lao đến. Một xe trong số đó đã đâm trực diện khiến chị N.H.Q. ngã văng từ xe máy xuống đường, tử vong tại chỗ. Nhóm "quái xế" sau đó tiếp tục lên xe phóng đi bỏ mặc nạn nhân.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã triệu tập nhóm thanh thiếu niên liên quan đến vụ việc, ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra hành vi phóng xe tốc độ cao gây tai nạn làm chết người. Lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra vụ việc để xử lý theo quy định.
Trước đó, vào khoảng 16h ngày 7/10, tài xế Võ Tấn Ph. (42 tuổi, ngụ TP Mỹ Tho) điều khiển ô tô BKS 63A - 010.38 lưu thông trên Quốc lộ 50, hướng từ huyện Gò Công Tây về TP Mỹ Tho. Khi đến địa bàn xã An Thạnh Thuỷ, huyện Chợ Gạo đã tông vào 1 xe máy đang chạy chiều ngược lại. Sau đó, chiếc xe này tiếp tục tông vào một xe máy đậu trên lề đường khiến em H.N.P.Y. (9 tuổi) tử vong và 2 người khác bị thương.
Đáng nói, sau vụ tai nạn, đối tượng Võ Tấn Ph. lái ô tô chạy về TP Mỹ Tho. Tối cùng ngày, Võ Tấn Ph. đến cơ quan công an trình diện. Kết quả xét nghiệm nồng độ cồn trong máu của người này là 0,416mg/lít.
Liên quan đến vụ việc, Công an huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã tạm giữ hình sự tài xế Võ Tấn Ph. để tiếp tục điều tra, làm rõ.
Trên đây chỉ là hai trong số những vụ việc người gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường. Theo một nghiên cứu của Bệnh viện Quân y 103, chỉ có 63,8% nạn nhân tai nạn giao thông được chuyển đến bệnh viện trong 6 giờ đầu, số còn lại đến sau 6 giờ, trong đó có 8,2% nạn nhân đến bệnh viện sau 72 giờ nên mất đi “thời gian vàng” cứu chữa.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu. Tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được, nhưng đáng buồn không phải nạn nhân nào cũng được cứu chữa kịp thời.
Cần nghiêm trị
Theo luật sư Phạm Thanh Hải - Văn phòng luật sư Hải Thanh, có những trường hợp người gây tai nạn lợi dụng tình hình lộn xộn, người gặp nạn mất khả năng kiểm soát hoặc tuyến đường vắng người qua lại rồi bỏ mặc nạn nhân.
Hành vi này xuất phát từ việc người điều khiển phương tiện tham gia giao thông không am hiểu các quy định của pháp luật và sợ trách nhiệm. Đây là hành vi không những vi phạm đạo đức, ứng xử trong tham gia giao thông, mà còn vi phạm pháp luật và bị xã hội lên án, cần nghiêm trị.
Điều 38 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người điều khiển xe và người liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn có trách nhiệm: Dừng ngay phương tiện; giữ nguyên hiện trường; cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu;
Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu, phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an gần nhất; Cung cấp thông tin xác thực về vụ tai nạn cho cơ quan có thẩm quyền.
Chủ xe gây tai nạn có hành vi cố tình xóa dấu vết hiện trường để trốn tránh trách nhiệm và gây cản trở cho quá trình điều tra sẽ bị xử phạt theo mức phạt của người điều khiển xe gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường.
Theo Nghị định 123/2021/NĐ-CP, chủ xe gây tai nạn giao thông rồi bỏ trốn khỏi hiện trường có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 72 Điều 1 Bộ luật Hình sự 2017 với khung hình phạt tù từ 3 - 10 năm. Ngoài ra, Điều 585, Điều 590 và Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người điều khiển xe gây tai nạn không dừng lại phải bồi thường thiệt hại về tài sản, sức khỏe và tính mạng cho người bị tai nạn.
Các chuyên gia cho rằng, dù đã có những mức phạt với hành vi này nhưng để nghiêm trị vẫn cần xem xét đến những chế tài nặng hơn, mạnh mẽ hơn vì đây là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Nếu không được cứu chữa kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn với sức khỏe, tính mạng của người bị nạn, thậm chí xa hơn là còn ảnh hưởng đến thân nhân của người bị nạn, tạo ra gánh nặng về kinh tế, xã hội và làm méo mó quy tắc ứng xử, văn hóa khi tham gia giao thông.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng, để tránh những rủi ro, thiệt hại trong quá trình tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần tuân thủ đúng Luật Giao thông đường bộ, làm chủ tốc độ và tập trung quan sát, xử lý các tình huống bất ngờ.
Trong trường hợp không may xảy ra tai nạn phải thật bình tĩnh, xem lại bản thân và người bị nạn có bị thương hay không để cứu giúp người bị nạn, trình báo đến cơ quan công an để kịp thời xử lý, hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro.