Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần Nghị quyết mới về chuyển đổi số

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi… sẽ là hướng đi cho quá trình chuyển đổi số toàn diện của Việt Nam trong thời gian tới.

Chuyển đổi số là động lực quan trọng

Ngày 18/9, tại Phiên khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh một trong những phương hướng, giải pháp chiến lược cho nhiệm kỳ tới là đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển, có cơ chế tập trung định hướng vào công nghệ, nhất là công nghệ nguồn, công nghệ lõi…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Tầm quan trọng của chuyển đổi số đối với Việt Nam cũng từng được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu ra tại bài viết của mình dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua với tiêu đề “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”.

Theo đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhận định, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Việt Nam đang đứng trước yêu cầu phải có một cuộc cách mạng với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện để điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất.

Chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số.

Quá trình chuyển đổi số cần được thực hiện toàn diện, đồng bộ, có tính đến mối quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, nhằm xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy sức mạnh của lực lượng sản xuất hiện đại, vừa đảm bảo bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời đại mới. Muốn vậy, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp và người dân phải nhận thức đầy đủ, thống nhất, có trách nhiệm và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi số.

Đồng thời, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng nêu ra một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam diễn ra nhanh và hiệu quả hơn: Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn là tất yếu khách quan để Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất.

"Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Phát triển công dân số, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để người dân tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau" - bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu.

Phải cuộc sống hóa Nghị quyết chuyển đổi số

Được biết, ở thời điểm hiện tại, Bộ TT&TT cũng đang trong quá trình chủ trì xây dựng 2 Đề án trình Bộ Chính trị, gồm: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khóa XI "Về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế"; Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số - xã hội số. Đây được xem là tiền đề để Bộ Chính trị đưa ra những Nghị quyết quan trọng, có tác động rộng lớn tới quá trình chuyển đổi số của Việt Nam.

Nói về Nghị quyết mới cho chuyển đổi số, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng khẳng định đây là điều rất cần thiết trong bối cảnh Việt Nam cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số một cách toàn diện.

Theo ông Tào Đức Thắng, một trong những nội dung cần có trong Nghị quyết mới là đẩy mạnh chương trình về chip bán dẫn. Thực tế, nhu cầu về chip bán dẫn ở Việt Nam là khá lớn nhưng doanh nghiệp trong nước mới chỉ đáp ứng được khâu thiết kế chứ chưa phải phần quan trọng là đóng gói và sản xuất. Do đó, doanh nghiệp trong nước cần Nghị quyết mới để chỉ rõ mục tiêu và nguồn lực để phát triển nền công nghiệp chip bán dẫn.

"Nghị quyết mới cũng cần định hướng hoặc chọn ra các công nghệ trong chuỗi công nghệ 4.0, đưa vào mô hình kinh doanh mới khi nhu cầu xã hội và doanh nghiệp vẫn đi trước quản lý. Đồng thời vấn đề quan trọng khác là về nguồn nhân lực công nghệ cao và đào tạo nhân lực số..." - ông Tào Đức Thắng chia sẻ.

Về phía nhà mạng, Chủ tịch Tổng công ty Viễn thông MobiFone Nguyễn Hồng Hiển cho rằng chuyển đổi số đang rất cần một Nghị quyết mới, từ đó làm rõ hơn chủ trương phát triển cho hạ tầng số gồm hạ tầng viễn thông - internet. Doanh nghiệp Nhà nước được xác định vai trò trong phát triển hạ tầng số với quy mô lớn hơn, tốc độ nhanh hơn.

"Trong suốt quá trình chuyển đổi số quốc gia vừa qua, các doanh nghiệp viễn thông đã được hưởng lợi lớn từ việc phát triển kinh tế số - xã hội số. Do đó, doanh nghiệp viễn thông cần có một tiền đề vững chắc hơn để tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ số" - Nguyễn Hồng Hiển nói.

Nói về việc xây dựng một Nghị quyết mới cho chuyển đổi số, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang cho rằng, phải cuộc sống hóa, khả thi hóa, thực chất hóa trong việc xây dựng Nghị quyết mới của Bộ Chính trị để Nghị quyết trở lại phục vụ cuộc sống. Bởi câu chuyện chuyển đổi số, khoa học và công nghệ đang biến đổi từng ngày, từng giờ.

Cũng theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Nghị quyết mới sẽ tập trung vào các nội dung: chuyển đổi số, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Theo đó, phải để mọi người dân đánh giá đúng mực về các nội dugn này. Việc xây dựng Nghị quyết mới và phải có tính khái quát cao nhưng cũng cần nghiên cứu để đưa nội dung này vào Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 14.