Liên tiếp những vụ việc gây bức xúc
Cuối tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Công an huyện Núi Thành khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm hành vi phá rừng, hủy hoại rừng thông tại khu vực Tiểu khu 592, xã Tam Xuân 2. Theo phản ánh, tại Tiểu khu 592 có nhiều cây thông đường kính từ 15 - 30cm, cao gần 15m, được trồng năm 1987, lá chuyển sang màu vàng, có khả năng chết.
Trên thân nhiều cây thông xuất hiện các vết khoan, đinh đóng vào gốc. Bên cạnh có nhiều cây bị đốn hạ. Được biết, rừng thông do Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Nam quản lý với mục đích nuôi dưỡng để bảo tồn hệ sinh thái, bảo vệ môi trường. Thời điểm kiểm tra, bên cạnh những cây thông bị đầu độc, có khả năng chết, là hàng loạt cây keo non mới được trồng.
Nhận định hành vi khoan lỗ, bơm thuốc hóa học hủy hoại số lượng lớn cây thông là hành vi hủy hoại tài sản rừng trồng có tổ chức, Xí nghiệp đề nghị các cơ quan liên quan, phối hợp điều tra làm rõ kẻ phá rừng thông.
Vụ việc tương tự, trước đó, cánh rừng gần đường cao tốc Liên Khương - Prenn thuộc địa bàn xã Hiệp An (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) bị đầu độc chết khô để lấn chiếm đất. Hàng loạt cây thông bị các vật nhọn cạo lớp vỏ, đục lỗ đổ hóa chất vào thân cây, để cây chết dần. Vị trí thông bị hủy hoại đều ở cạnh các khu vườn của người dân đang canh tác. Nhiều khả năng, các đối tượng hủy hoại rừng thông để chiếm đất sản xuất.
Mới đây, tại Kỳ họp thứ 17, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Gia Lai đã báo cáo không trung thực với các cơ quan cấp trên khi đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Sân golf Đak Đoa.
Trước đó, dự án sân golf Đak Đoa được phê duyệt chủ trương đầu tư do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư với quy mô 174,01ha, trong đó chuyển mục đích sử dụng trên 155,9ha rừng sản xuất sang mục đích khác để thực hiện dự án. Dự án dự kiến hoàn thành vào quý IV/2024. Bên trong khu vực dự án, một số hạng mục như đường golf, hệ thống đường bộ, cống thoát nước đã được triển khai bước đầu, san ủi mặt bằng.
Hàng nghìn cây thông đã được di chuyển đi trồng ở vị trí khác. Tuy nhiên, những cây thông này đang bị chết khô hàng loạt, chất thành đống. Như vậy, điều này trái với những cam kết của chủ đầu tư dự án đối với tỉnh Gia Lai rằng quá trình di thực sẽ bảo tồn rừng thông cổ thụ, đồi cỏ hồng…
Nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân
Liên quan vụ việc, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Luân Thị Nương (Văn phòng Luật sư Kết Nối) cho biết, thực tế cho thấy, những năm gần đây, tình trạng lũ lụt xảy ra thường xuyên, thiệt hại về người và tài sản là vô cùng nghiêm trọng phần lớn do tác động của việc khai thác, chặt, đốt phá và đặc biệt là hành vi đầu độc, hủy hoại rừng đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Đối với hành vi đầu độc, hủy hoại cây rừng trái phép còn tùy thuộc vào mức độ quý hiếm của loại gỗ khai thác thuộc nhóm nào, số lượng ít hay nhiều, có giá trị lớn hay không để xác định được chính xác mức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, căn cứ vào Điều 20 Nghị định số 35/2019/NĐ-CP ban hành ngày 25/4/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.
Hành vi chặt, đốt, phá cây rừng, đào, bới, san ủi, nổ mìn; đắp đập, ngăn dòng chảy tự nhiên, xả chất độc hoặc các hành vi khác gây thiệt hại đến rừng với bất kỳ mục đích gì (trừ hành vi quy định tại Điều 13 của Nghị định này) mà không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bị xử phạt từ 3 triệu đồng đến 15 triệu đồng.
Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi chặt phá trừng trái phép để lấy gỗ nếu có đủ các dấu hiệu về hành vi và căn cứ vào Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về Tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản.
Như vậy, có thể thấy khung hình phạt đã có, tuy nhiên, nạn hủy diệt cây rừng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Nguyên nhân không chỉ là do các chủ rừng đã buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng; chính quyền các cấp chưa thực hiện hết trách nhiệm trong công tác chỉ đạo quản lý và ý thức người dân còn kém. Trong khi đó, công tác ngăn chặn, xử lý của các ngành chức năng và chính quyền địa phương chưa kịp thời và phát huy hiệu quả, để hàng trăm héc ta rừng bị chặt phá trái phép.
“Do đó, theo tôi, rất cần những giải pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn nạn phá rừng nói chung, các thủ đoạn hủy hoại cây rừng nói riêng. Trước hết, cần tập trung rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật bảo vệ rừng. Luật Bảo vệ và phát triển rừng ra đời đã đáp ứng được phần nào đòi hỏi bức thiết trong công tác đấu tranh phòng chống hành vi hủy hoại rừng, chặt phá rừng vi phạm quy định pháp luật, thế nhưng, luật vẫn còn những tồn tại, thiếu sót nhất định. Ngoài ra, phải tuyên truyền, phổ biến quy định, nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng của toàn dân” - luật sư Luân Thị Nương nêu quan điểm.