Cần nghiêm trị kẻ chăn dắt trẻ vị thành niên phục vụ quán karaoke

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, một điều nhức nhối xảy ra, đó là tệ nạn chăn dắt trẻ vị thành niên phục vụ quán karaoke, điển hình như vụ việc vừa được phát hiện, khởi tố tại huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa).

Do đó, cần thiết phải bảo vệ quyền, lợi ích và sự phát triển toàn diện của người lao động chưa thành niên.

Chăn dắt trẻ vị thành niên phục vụ quán karaoke

Vừa qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng gồm: Vũ Văn Quỳnh (SN 1991), Vũ Ngọc Thanh (SN 2003, em trai Quỳnh), Lê Văn Quang (SN 1998), Nguyễn Văn Tuấn (SN 2003) và Lê Văn Huân (SN 1999), đều trú tại huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) về hành vi bắt giữ người trái pháp luật.

Theo điều tra của công an, ổ nhóm trên do Quỳnh cầm đầu chuyên bảo kê, chăn dắt tiếp viên quán karaoke trên địa bàn khu du lịch biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa).

Vũ Văn Quỳnh (x) và các đối tượng Thanh, Quang, Tuấn, Huân. Ảnh: Công an Thanh Hóa
Vũ Văn Quỳnh (x) và các đối tượng Thanh, Quang, Tuấn, Huân. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Quỳnh thường lên facebook tuyển nhân viên nữ ở khắp mọi nơi (có cả nhân viên chưa đủ 16 tuổi) để phục vụ rót bia, tiếp khách ở Hải Tiến. Sau khi tuyển được nhân viên, Quỳnh thuê nhà cho nhân viên ăn ở, sinh hoạt và thuê Thanh, Tuấn, Quang, Huân quản lý, giám sát, đưa đón nhân viên đi làm.

Trong quá trình quản lý nhân viên, Quỳnh đặt ra nhiều quy tắc như hạn chế sử dụng điện thoại, chi tiêu cá nhân, không được ra ngoài nếu không được sự đồng ý...; nếu vi phạm sẽ trừ lương, hành hung, đập vỡ điện thoại. Nhiều nhân viên do không chịu được nên đã bỏ trốn và đến công an báo tin để giải cứu những người còn lại đang bị nhóm của Quỳnh nhốt. Hiện vụ việc đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

Trước đó, Công an huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) đã bắt nhóm đối tượng chăn dắt 5 người, trong đó có 4 trẻ em làm tiếp viên quán karaoke. Theo Công an huyện Mộ Đức, Lữ Anh Tính (27 tuổi) và Trần Anh Vũ (30 tuổi, cùng trú huyện Mộ Đức) dụ dỗ 5 cô gái (trong đó có 4 bé gái dưới 16 tuổi) làm tiếp viên quán karaoke. Trong quá trình làm việc cho T. và V., 5 cô gái thường xuyên bị quản lý đe dọa, việc trả lương cũng không rõ ràng nên quyết định bỏ trốn.

Đẩy mạnh tuyên truyền các hình thức phòng, chống xâm hại trẻ em

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, theo quy định tại Bộ luật Dân sự hiện nay, người chưa thành niên được quy định là người chưa đủ 18 tuổi. Đây là nhóm tuổi có sự thay đổi mạnh mẽ nhất về thể chất và tâm sinh lý.

Nhìn chung, các em luôn thích hướng ngoại giao tiếp, khẳng định mình nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc nhận thức, phân biệt đúng, sai, tốt, xấu... Lợi dụng tâm lý cũng như nhận thức của các em còn chưa chín chắn, nhiều đối tượng xấu với những thủ đoạn của mình đã dụ dỗ, chăn dắt nhiều trẻ vị thành niên vào làm tại cơ sở karaoke của mình.

Tuy nhiên, phòng hát karoke lại chính là một trong những nơi bị nghiêm cấm sử dụng lao động là người vị thành niên. Tại điểm d, khoản 2 Điều 147 Bộ luật Lao động quy định cấm sử dụng người chưa thành niên làm việc ở sòng bạc, quán bar, vũ trường, phòng hát karaoke, khách sạn, nhà nghỉ, phòng tắm hơi, phòng xoa bóp.

Theo đó, pháp luật nghiêm cấm các quán karaoke không được sử dụng nhân viên dưới 18 tuổi để phục vụ trong các phòng hát karaoke, nhưng có thể sử dụng những người dưới 18 tuổi để làm các công việc khác như rửa bát, quét dọn…

Trường hợp các quán karaoke để nhân viên phục vụ phòng hát karaoke là người chưa thành niên là vi phạm pháp luật. Việc sử dụng người chưa thành niên làm việc tại quán karaoke có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 29 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP: Phạt tiền từ 50 - 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động sử dụng người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi làm các công việc bị cấm hoặc làm việc tại nơi làm việc bị cấm quy định tại Điều 147 của Bộ luật Lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt trên chỉ áp dụng đối với cá nhân. Trường hợp tổ chức vi phạm hành vi trên thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Như vậy, quy định pháp luật cũng như mức xử phạt đã có, đây là một trong những hành vi để lại rất nhiều hệ lụy trong xã hội cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến đối tượng là người chưa thành niên.

Do đó, để ngăn chặn vấn nạn trên, trước hết rất cần sự quan tâm, chia sẻ từ phía gia đình, nếu như cha mẹ không dành thời gian để hiểu về những bất thường trong tâm lý và lối sống của trẻ vị thành niên dễ đẩy trẻ đến những cạm bẫy khó lường.

Bên cạnh đó, cần nâng cao các hoạt động truyền thông sâu rộng trong xã hội và quan trọng là truyền thông đến được đối tượng đích là trẻ em và gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền về luật trẻ em, các hình thức phòng, chống xâm hại trẻ em trong nhà trường, tổ chức các khóa tập huấn kiến thức kỹ năng giao tiếp, sử dụng mạng xã hội tích cực cho học sinh, tuyên truyền về các thủ đoạn của tội phạm, cách phòng tránh và ứng phó.