70 năm giải phóng Thủ đô

Cần nghiêm trị những kẻ buôn bán thực phẩm bẩn

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực phẩm bẩn lâu nay là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội. Vì lợi nhuận, những người kinh doanh thực phẩm bẩn bất chấp thủ đoạn, gián tiếp hủy diệt đồng loại. Phải nhìn nhận hành vi này là tội ác, cần bị trừng trị nghiêm khắc.

Thực phẩm bẩn vẫn có nhiều “đất sống”

Ngày 5/3 vừa qua, Công an TP Hà Nội cho biết, Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường vừa phối hợp Cục Quản lý thị trường Hà Nội kiểm tra kho thực phẩm tại bãi Thanh Giang Ngoài, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, do bà H.T.B. (sinh năm 1965, ở thị trấn Kim Bài, huyện Thanh Oai) làm chủ.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng thực phẩm tại Bãi Thanh Giang Ngoài, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Đào Trang
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng thực phẩm tại Bãi Thanh Giang Ngoài, xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai. Ảnh: Đào Trang

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho đông lạnh của cơ sở kinh doanh thực phẩm này chứa khoảng gần 10 tấn sụn gà, chân gà, dạ dày động vật… được ép bánh, đóng trong các bao tải dứa. Khi mở các bao tải ra, nhiều sản phẩm đã bị mốc, bốc mùi hôi.

Làm việc với lực lượng chức năng, bà H.T.B. không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng trên.

Sáng 10/2, Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) thu giữ khoảng 5 tấn thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, khi bất ngờ kiểm tra đột xuất một ô tô tải khi xe đang dừng đỗ trước số nhà 7, đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy.

Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm như nầm lợn, trứng non, lườn vịt, nội tạng động vật do nước ngoài sản xuất được bảo quản trong hàng trăm thùng carton đang có dấu hiệu bị hư hỏng, ẩm mốc. Bao bì các sản phẩm đều in chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt cùng hạn sử dụng rõ ràng.

Lái xe tải là Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1987, trú tại tỉnh Lào Cai) khai được chủ hàng là Nguyễn Văn Mạnh (trú tại tỉnh Hà Nam) thuê vận chuyển lô hàng này từ Lào Cai về Hà Nội. Làm việc với cơ quan chức năng, Mạnh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ số thực phẩm trên. Mạnh khai nhận với lực lượng chức năng, số hàng này được Mạnh thu mua trôi nổi tại biên giới và chở từ Lào Cai về Hà Nội và đang chờ người đến lấy đi tiêu thụ thì bị phát hiện, thu giữ.

Buôn bán thực phẩm bẩn phải được coi là tội ác

Theo Trung tá Nguyễn Thành Trung - Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, lợi dụng thời điểm sau Tết, nhu cầu ăn uống của người dân tăng cao, các đối tượng đã tìm cách đưa thực phẩm kém chất lượng vào thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, để tránh bị phát hiện, các đối tượng sẽ nhập hàng và di chuyển vào ban đêm, thường xuyên thay đổi cung đường. Nếu không kịp thời xử lý, số thực phẩm này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn phải được coi là tội ác khi nó trực tiếp hủy hoại sức khỏe cộng đồng. Chúng ta cần kiên quyết đấu tranh với thực phẩm bẩn để có được môi trường sống an toàn hơn.

Để đấu tranh với thực phẩm bẩn, chúng ta vẫn đánh vào nguyên nhân dẫn đến thực trạng này. Nguyên nhân đầu tiên, đó là lực lượng thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý hoạt động sản xuất buôn bán thực phẩm còn thiếu so với nhu cầu thực tế. Nhất là ở các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh càng khó để kiểm soát hết hoạt động kinh doanh thực phẩm diễn ra hằng ngày, từ nhà hàng, quán ăn đến chợ cóc chợ tạm. Việc xử lý, đấu tranh với thực phẩm bẩn ở một số nơi vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc.

Một nguyên nhân khác, người tiêu dùng hiện nay còn khá “dễ tính” khi lựa chọn sử dụng thực phẩm. Nhiều người không quá quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm, các yếu tố ảnh hưởng đến sự an toàn của thực phẩm mà mình sử dụng. Do đó, để đấu tranh với thực phẩm bẩn cần có sự chung tay của cả cộng đồng, cả cơ quan quản lý và từ phía người dân.

Về quy định pháp luật, pháp luật hiện hành đã có đầy đủ chế tài đối với người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn. Về xử phạt vi phạm hành chính, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm đã đặt ra mức xử phạt đối với cá nhân tổ chức có hành vi kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn có thể lên đến 100 triệu đồng.

Về quy định của Bộ luật Hình sự, người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn trong trường hợp được xác định là thực phẩm giả sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo Điều 193 Bộ luật Hình sự.

Người phạm tội này có thể chịu hình phạt cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người có hành vi sản xuất kinh doanh thực phẩm bẩn có thể phạm vào tội “Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm” theo Điều 317 Bộ luật Hình sự. Người phạm tội này có thể bị phạt tù đến 20 năm.