Cân nhắc kỹ, tránh lãng phí

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khẳng định xây dựng trường chất lượng cao (CLC) là đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thực tế,...

Kinhtedothi - Khẳng định xây dựng trường chất lượng cao (CLC) là đúng đắn, đáp ứng nhu cầu thực tế, tuy nhiên, tại hội thảo "Xây dựng phát triển trường CLC trên địa bàn Thủ đô" diễn ra sáng 24/6, lãnh đạo một số trường thí điểm mô hình này kiến nghị cần có chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên theo bằng cấp đào tạo; hỗ trợ quỹ lương cho cán bộ, giáo viên trong biên chế; kéo dài thời gian thí điểm thêm 1 - 2 năm.

Hỗ trợ từ ngân sách

Đại diện lãnh đạo trường Mầm non 20/10 (quận Hoàn Kiếm) cho biết, thực hiện mô hình trường CLC từ tháng 9/2014, trường luôn nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, của cộng đồng và phụ huynh học sinh (HS). Tuy nhiên, là một trong những đơn vị đầu tiên thực hiện mô hình trường Mầm non CLC, chưa có hình mẫu để học tập, do đó còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng. "Cơ sở vật chất đã được cải thiện, song chưa đáp ứng được yêu cầu hoạt động của trường mầm non CLC, cần được xây thêm các phòng chức năng, sửa chữa tổng thể nhà trường. Trong khi số lượng HS thấp so với đề án, ảnh hưởng đến nguồn thu, chi cho các hoạt động của trẻ. Với những khó khăn về mặt tài chính, rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho đội ngũ giáo viên như trường công lập" - vị này kiến nghị.
Giờ học tại trường Mầm non Sơn Ca, quận Hà Đông. Ảnh: Duy Anh
Giờ học tại trường Mầm non Sơn Ca, quận Hà Đông. Ảnh: Duy Anh
Cũng sau một năm thực hiện mô hình trường này, lãnh đạo trường Tiểu học đô thị Sài Đồng khẳng định tính ưu việt của mô hình trường CLC đáp ứng được một phân khúc trong nhu cầu của cha mẹ HS, HS. Trường có chuyển biến tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng dịch vụ, chất lượng dạy học được quản lý chặt chẽ, tính dân chủ, minh bạch trong công tác quản lý cao. Bình quân 30HS/lớp thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, giáo dục tới từng cá nhân trẻ…

Đa phần các trường đều khẳng định, trường CLC đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội, tuy nhiên đều kiến nghị có những cơ chế, chính sách cho cán bộ, giáo viên được hưởng lương như các trường công lập khác; Có cơ chế cho nhà trường hàng năm được cử cán bộ, giáo viên đi bồi dưỡng kiến thức quản lý, phương pháp giáo dục hiện đại tại các nước tiên tiến trong khu vực và quốc tế.

Có thời gian, lộ trình thực hiện

Theo kế hoạch, trường được công nhận CLC thì ngân sách chỉ hỗ trợ năm đầu, từ năm thứ 2 đơn vị phải tự chủ về thu chi tài chính, tự đảm bảo các hoạt động của nhà trường. Những trường thí điểm mô hình, nhưng chưa đủ điều kiện để công nhận trong năm 2015, sẽ phải trở về mô hình trường công lập bình thường. Trước vấn đề này, đa số lãnh đạo các trường kiến nghị nên kéo dài thêm thời gian, tránh gây lãng phí cho xã hội.

Lãnh đạo ĐH Thủ đô cho biết, mô hình trường CLC của Hà Nội giải quyết theo hướng đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, là khâu đột phá. Hà Nội khẳng định giáo dục khác các tỉnh, đặc biệt đây là mô hình mở, mô hình xuất phát từ mục tiêu cơ bản của các cấp học. Các trường có mục tiêu riêng, riêng là cần làm rõ, xây dựng chuẩn đầu ra khác với giáo dục cơ bản, từ đó chọn mô hình tiệm cận thế giới. "Tuy nhiên, vẫn có bất cập, kêu gọi lãnh đạo nhà trường chỉ có "bát cơm, quả cà" mà xây dựng CLC thì khó, đây là bất cập. Muốn làm CLC phải có tiền. Để xây dựng trường CLC, trước hết các cấp lãnh đạo phải nhận thức đúng. Trường CLC phải đáp ứng CLC, không thể qua mấy năm mà cắt giảm. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, không thể trang bị mà làm ngay được, phải có thời gian, lộ trình mới nắm bắt, làm được. Phải có giai đoạn!" - vị này nhấn mạnh.

Là 1 trong 7 trường được công nhận trường CLC, cô Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú khẳng định, trường không có chất lượng, phụ huynh không cho con vào học. Nhưng khi chứng minh được chất lượng thì phụ huynh cũng "thắt lưng buộc bụng" để cho con vào học. "Đã qua được dư luận không tốt về trường CLC từ dư luận xã hội, do đó cần kiên định, kiên quyết mô hình này, mô hình đúng đắn, chuyên nghiệp, văn minh" - cô Nhiếp khẳng định. Cô Nhiếp cũng cho rằng, với một số trường được thí điểm mô hình CLC, nhưng chưa đủ điều kiện để được công nhận CLC cần lãnh đạo Sở GD&ĐT và nhà trường cùng tìm cách tháo gỡ. "Không nên cắt ngay sẽ vô cùng lãng phí. Sở GD&ĐT có ban tư vấn, tư vấn các nhà trường, cả 2 cùng bàn bạc sẽ đến đích sớm" - cô Nhiếp kiến nghị.

Có lẽ TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nói đúng khi cho rằng, vai trò tự chủ của nhà trường phải làm rõ hơn, có cơ chế rõ ràng.
Trường CLC phải có khung để trường phát triển ổn định. Tự chủ không chỉ có về mặt tài chính, mà cả mặt tổ chức. Cần tạo tự chủ cho nhà trường, để trường CLC tự chủ, quyền tự chủ cao. Bên cạnh đó, TP nên có điều tra, khảo sát thực tế để chấp nhận nhiều loại mô hình trường, từ đó phát huy tính sáng tạo của nhà trường.
TS Nguyễn Tùng Lâm Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội