Saturday, 11:40 31/10/2015
Cần nhìn thẳng vào sự thật để “cứu” lấy môn Sử
Kinhtedothi - Lịch sử cần phải được xếp đúng vào vị trí vốn có của nó. Từ quan điểm này, khi trả...
Kinhtedothi - Lịch sử cần phải được xếp đúng vào vị trí vốn có của nó. Từ quan điểm này, khi trả lời phỏng vấn báo Kinh tế & Đô thị, GS.TS.NGND Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam kiến nghị Lịch sử phải là môn học bắt buộc trong chương trình THPT mới.
Giúp nhận đúng chân giá trị
Thưa GS, vừa rồi Bộ GD&ĐT đã có phản hồi các ý kiến góp ý cho chương trình (CT) Giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể, nói rõ Lịch sử và 2 phân môn khác (Đạo đức - Công dân, Quốc phòng - An ninh) tạo thành môn bắt buộc Công dân với Tổ quốc. GS có ý kiến gì về việc này?
- Theo tôi, đây là lối giải thích thiếu tường minh, không thể hiện trách nhiệm của những người làm chiến lược đối với tương lai giáo dục của đất nước. Một nền giáo dục phát triển bền vững phải có sự kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, theo kịp và cập nhật được các thành tựu của các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nền giáo dục của chúng ta gần đây đành rằng cũng có nhiều bất cập, nhưng không phải vì thế mà phủ định sạch trơn những thành tựu lớn lao của nó đối với đất nước, trong đó có đóng góp của môn giáo dục truyền thống. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, trước những thử thách mất còn, chúng ta đã giáo dục các thế hệ người Việt Nam nhận rõ và phát huy chân giá trị của đất nước, con người Việt Nam, làm nên những kỳ tích có một không hai trong lịch sử. Sang thời kỳ xây dựng đất nước, trước những khó khăn tưởng chừng như không thể vượt qua nổi, chúng ta đã bình tĩnh, tỉnh táo trở lại những bài học lịch sử để tìm chọn con đường đổi mới khoa học và chuẩn xác, góp phần “vượt cạn” thành công. Bây giờ đây trước một thực tế xót xa là nhiều trường không còn quan tâm đến Sử, chất lượng dạy và học môn này xuống dốc dẫn đến bị đẩy vào ngõ cụt và CT GDPT tổng thể mà chúng ta đang bàn tới có thể xem như môn Sử đã bị loại ra khỏi chương trình giáo dục phổ thông!
Dân tộc Việt Nam với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” là một dân tộc trọng sử. Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh phát huy truyền thống dân tộc, bao giờ cũng đề cao giáo dục lịch sử. Chúng tôi mong những người đang thiết kế CT GDPT tổng thể cần phải nhìn thẳng vào sự thật để cứu lấy môn Sử đang cận kề cái chết tức tưởi và oan ức vô cùng.
Có ý kiến cho rằng Lịch sử chỉ có thể là môn học chính nếu CT, sách giáo khoa được biên soạn đầy đủ. Còn nếu vẫn như hiện nay, Lịch sử là môn tự chọn sẽ hợp lý hơn. GS có phản biện gì?
- Tôi không biết đã bao nhiêu năm rồi môn Lịch sử chỉ là môn học phụ, không thi tốt nghiệp. Đã là môn học phụ thì việc dạy chỉ cho là có và học chỉ cho xong mà thôi. Đến lớp 12 không thi tốt nghiệp môn Sử thì có nghĩa là không còn khái niệm về môn học này ở trong nhà trường nữa. Thảng hoặc có học sinh không có khả năng thi khối A, khối B, khối D thì đành phải thi khối C (Văn, Sử Địa), trong đó phần nhiều chỉ lo ăn điểm ở môn Văn và môn Địa, chứ có mấy em đầu tư cho môn Sử đâu. Và nếu có đầu tư học Sử thì các em cũng chỉ học mấy đáp án câu hỏi thi (theo mẫu của các lò luyện) chứ đâu phải là học Sử nghiêm chỉnh. Tôi vẫn biết sách giáo khoa Lịch sử, chất lượng đội ngũ giáo viên và cả phương pháp giảng dạy nữa, cũng có không ít vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, nhưng cái đáng phải rút kinh nghiệm đầu tiên và lớn nhất chính là sự xếp sai vị trí của môn học quan trọng này.
Vì môn Sử bị xếp thành môn phụ, số giờ lên lớp chỉ bằng 20 - 25% các môn học chính, lại không phải thi tốt nghiệp, việc đầu tư cho dạy và học, việc kiểm tra đánh giá và cái quan trọng là người học không nhìn thấy tương lai thì nó trở nên héo hắt là điều không tránh khỏi. Vậy thì sự yếu kém toàn diện hiện nay của môn Sử chủ yếu là do nó bị xếp sai vị trí và cách khắc phục đầu tiên phải là trả lại vị trí vốn có cho nó, chứ đừng đẩy nó xuống đáy sâu thêm nữa!
Tổ chức thế này, không ai còn muốn học Lịch sử
Khi Lịch sử không là môn bắt buộc, theo GS, học sinh sẽ học môn này như thế nào?
- Tôi thấy năm trước có trường THPT chỉ có một em đăng ký học thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Thế còn may! Nếu cứ tổ chức như thế này thì chắc sẽ không còn học sinh học Sử nữa. Nếu có em nào còn học, thì có lẽ chủ yếu cũng vì các em không theo được các môn khác. Và một khi đã không tập hợp được những người có khả năng thì dù ngành học có được mở ra cũng không có mấy hiệu quả. Tôi muốn nói thêm, khi Lịch sử cùng với nhiều phân môn khác tạo thành một môn, thì sự hiểu biết của các em về Sử chỉ bằng một phần tư, một phần năm các môn học khác, tính theo logic thông thường.
Vậy sẽ dẫn đến hậu quả gì, thưa GS?
- Đó sẽ là CT giáo dục không dựa trên nền tảng lịch sử và văn hóa của dân tộc và có gì chưa thật chuẩn so với Luật Giáo dục hiện hành. Tôi vẫn nhớ Điều 28 của bộ Luật Giáo dục xác định những nội dung hay môn học cơ bản của giáo dục phổ thông là Tiếng Việt, Toán, Lịch sử dân tộc, kiến thức khác về khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, pháp luật, tin học, ngoại ngữ… Bây giờ các vị muốn tích hợp thì phải đem các môn khác tích hợp vào môn Tiếng Việt, Toán, Lịch sử…, chứ không nên làm ngược lại là xé các môn cơ bản, cốt lõi này ra thành các mẩu nhỏ rồi tích hợp vào các môn mới không phải là cơ bản, cốt lõi. Những năm đầu thành lập nền giáo dục hiện đại, ngành Khoa học xã hội và nhân văn chỉ có 2 môn học là Văn và Sử, trong đó Sử bao gồm cả Địa, Văn hóa, Khảo cổ, Dân tộc, Lưu trữ, Bảo tàng, Thư viện… Khoa học càng phát triển, sự phân chia chuyên ngành ngày một sâu hơn, nhưng chúng vẫn luôn luôn có nhu cầu tích hợp trở lại. Các học phần về Đạo đức - Công dân, Quốc phòng - An ninh có thể nên tích hợp vào môn Sử, chứ không nên làm điều ngược lại là tích hợp môn Sử vào các học phần này.
Nhưng có những ý kiến cho rằng, khi học sinh học Lịch sử hết cấp THCS đã được trang bị những kiến thức cơ bản để ra đời?
- Ngay cả khi Lịch sử được coi là môn học bắt buộc, có vị trí hàng đầu trong giáo dục phổ thông, chúng ta cũng chưa dám nói học sinh được cung cấp đủ vốn kiến thức, sự hiểu biết cho giai đoạn sau. Huống hồ theo chương trình giáo dục mới này Sử chỉ được dạy làm ví dụ. Tôi chưa rõ rồi Sử sẽ được dạy như thế nào, nhưng chắc chắn người học xong CT GDPT sẽ không có vốn kiến thức tối thiểu về lịch sử dân tộc như yêu cầu của Luật Giáo dục. Nếu như chỉ có một vài hiểu biết đại khái, hổ lốn, chẳng đâu vào đâu, thì có thể xem đấy là chưa có trí tuệ Việt Nam. Lịch sử là trí nhớ của dân tộc. Đánh mất lịch sử là đánh mất trí nhớ, mà con người và dân tộc phát triển không thể không có trí nhớ.
Bộ GD&ĐT vẫn tiếp tục nhận các ý kiến đóng góp cho CT GDPT mới. Vậy, tới đây, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam sẽ lại có những đề nghị cho môn Lịch sử?
- Với tư cách là người nghiên cứu và giảng dạy Lịch sử lâu năm, lại có gần một chục năm phụ trách Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, tôi càng thấy rõ hơn vị trí của môn Lịch sử trong việc đào tạo con người Việt Nam cũng như chiến lược phát triển chung của đất nước Việt Nam. Thông qua tổ chức của mình, chúng tôi sẽ có những kiến nghị và theo đuổi đến cùng kiến nghị này. Và tôi thấy, CT GDPT của nhiều nước tiên tiến, trong đó có Mỹ bao giờ người ta cũng xếp Lịch sử là môn học bắt buộc, quan trọng hàng đầu trong hệ thống giáo dục phổ thông. Vậy thì không có lý gì, khi chúng ta học hỏi và tiếp nhận những kinh nghiệm của họ mà lại đối xử với môn Lịch sử lạ lùng đến như vậy? Do đó, trước sau tôi vẫn chỉ có một đề nghị là môn Lịch sử phải được đặt đúng vị trí vốn có của nó, phải được đầu tư đúng mức và dứt khoát phải là môn bắt buộc ở nhà trường phổ thông.
Xin cảm ơn GS!
