Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần những việc làm thiết thực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hành động và phục vụ, trên tinh thần “nói đi đôi với làm”, Thủ tướng Chính phủ vừa ký văn bản 413/TTg-TH yêu cầu các bộ, cơ quan triển khai ngay nhiệm vụ Chính phủ giao.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trên tinh thần: Cắt giảm, sửa đổi hoặc bãi bỏ điều kiện thủ tục phải thực chất, không theo kiểu cơ học thuần túy, gộp nhiều điều kiện vào một điều kiện; tuyệt đối không cắt giảm, bãi bỏ cái này lại bổ sung cái khác hoặc sửa đổi, cắt giảm theo kiểu thay đổi tên gọi.
 Ảnh minh họa
Sở dĩ Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh như vậy vì thời gian qua, dù chủ trương của Chính phủ là cải cách toàn diện, đơn giản hóa thủ tục cho người dân, DN nhưng chuyển biến còn chưa thực chất. Hay nói đúng hơn là chủ trương của Chính phủ rất quyết liệt nhưng khâu thực hiện bên dưới lại quá chậm.

Kiểm tra thực tế, từ Tổ công tác của Thủ tướng cho tới các rà soát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư… đều cho thấy, mới chỉ một vài bộ hoàn thành mục tiêu bãi bỏ 1/3 đến 1/2 điều kiện kinh doanh. Trong khi nhiều bộ, ngành mặc dù đã làm nhưng chưa đạt số lượng, thậm chí nhiều bộ đến nay mới rà soát, chưa có phương án thay đổi.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới giảm được 10 điểm % so với mục tiêu đề ra là phải giảm được ít nhất 20 điểm % số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan… Thậm chí sau khi Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ cho phép thanh tra DN không quá 1 lần/năm, vẫn còn rất nhiều DN than, trung bình một DN có thể tiếp đến 5, 6 đoàn thanh tra từ các cơ quan chức năng.

Thực tế, có đi xuống tiếp xúc tận nơi các DN, người dân mới thấy họ phải vất vả, khổ sở thế nào về thủ tục rườm rà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết ở nhiều lĩnh vực như quản lý đất đai, môi trường, xây dựng, cấp sổ đỏ… Năng lực thực hiện công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức chưa làm hài lòng người dân, hội chứng vô cảm, “kính chuyển” lòng vòng trong giải quyết các vấn đề vẫn là thực tế nhức nhối.

Thủ tướng, Phó Thủ tướng “nóng”, nhưng một số Bộ trưởng vẫn còn “lạnh”. Nhiều Chủ tịch tỉnh, TP còn chưa “nóng”. Bộ trưởng “nóng” nhưng nhiều Cục trưởng, Vụ trưởng chưa “nóng”, các chuyên viên còn “lạnh”, thậm chí rất “lạnh”…. thực trạng này làm giảm hiệu quả công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Việc cải cách thủ tục hành chính, đi đôi với cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh phải “Cụ thể, cụ thể hơn nữa chứ không phải chung chung...”, không được "cài cắm" câu chữ để bẫy DN, bỏ cái này lại "mọc" cái khác như tinh thần của Thủ tướng và Tổ công tác nhấn mạnh nhiều lần. Cải cách mạnh mẽ, đồng đều hơn, tác động thực chất và toàn diện hơn: Từ khâu chỉ đạo xây dựng văn bản, đến khâu kiểm tra, theo dõi quá trình tổ chức thực hiện, giám sát. Đặc biệt phải có trách nhiệm người đứng đầu, phải có chế tài phạt.
Cuối cùng xin được mượn lời của vị chuyên gia lâu năm Phạm Chi Lan “Không chờ các bộ nữa”, “Không thể chờ đợi công chức nóng lên mà phải tăng kỷ cương, có biện pháp kỷ luật ngay người không làm”, như thế mới mong có sự chuyển động thực sự.