Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cần siết chặt việc quản lý, sử dụng nhà ở xã hội

Bài & ảnh: Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Sau hàng loạt vi phạm về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội (NƠXH), Bộ Xây dựng đã phải vào cuộc đề nghị các địa phương nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này.

Sai phạm trong sử dụng

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ Xây dựng vừa ban hành Văn bản số 423/BXD-QLN gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng NƠXH. Trong những năm qua, hệ thống pháp luật về NƠXH ngày càng được hoàn thiện; nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển NƠXH cho đối tượng chính sách, khó khăn về nhà ở.

Chính sách về NƠXH đang bị trục lợi.
Chính sách về NƠXH đang bị trục lợi.

Tuy nhiên, công tác quản lý, sử dụng NƠXH tại một số địa phương như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên, Đắk Lắk... tồn tại nhiều bất cập, vi phạm, như: Đối tượng được mua NƠXH, chủ đầu tư lập dự toán theo phương án tính giá bán chưa đúng; chủ đầu tư, khách hàng tự thay đổi thiết kế công trình, căn hộ; sử dụng căn hộ không đúng mục đích...

“Để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục bất cập; đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, tránh tình trạng lợi dụng chính sách ưu đãi của Nhà nước, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc xét duyệt đối tượng được mua, thuê, thuê mua NƠXH hội theo quy định trên địa bàn; xác định giá bán và giá bán thực tế của chủ đầu tư; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan, đề xuất biện pháp khắc phục, xử lý vi phạm pháp luật về NƠXH” – Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho hay.

Thời gian qua, tình trạng vi phạm trong quản lý, sử dụng NƠXH diễn ra phức tạp, chỉ tính riêng trên địa bàn Thủ đô qua kiểm tra Sở Xây dựng Hà Nội đã lập biên bản xử lý vi phạm ở nhiều dự án, đơn cử như: Dự án 30 Phạm Văn Đồng (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích; Cho ở nhờ, thuê lại hoặc không sử dụng căn hộ có 57 trường hợp tại khu nhà ở ngõ 622 phố Minh Khai, có 65 trường hợp tại khu nhà ở ô đất CC-1 Khu đô thị Quốc Oai...

Xử lý bình đẳng theo pháp luật

Theo đánh giá, NƠXH là sản phẩm đặc thù dành cho những đối tượng “yếu thế” được Nhà nước ưu tiên nhiều cơ chế, nên trong quá trình kinh doanh, sử dụng phải thực hiện đúng theo quy chuẩn, tiểu chuẩn quy định, khi phát sinh sai phạm cần quyết liệt xử lý, khắc phục.

Trong quá trình khai thác kinh doanh, quản lý, sử dụng cần sự tự giác, minh bạch từ chủ đầu tư cho đến người sử dụng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương với chức năng là cơ quan quản lý cũng phải thường xuyên giám sát, thanh kiểm tra để chấm dứt vi phạm gây bức xúc dư luận.

 

Nhằm ngăn chặn sai phạm trong quản lý, sử dụng NƠXH,  cơ quan quản lý Nhà nước từ cấp quận huyện, thanh tra xây dựng phải tiến hành kiểm tra thực tế ngay từ thời điểm thi công xây dựng, những dự án đủ điều kiện thì cho phép vận hành. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải xây dựng phương án tháo gỡ cho dự án đang gặp khó khăn, tránh lãng phí tài sản xã hội – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp

“NƠXH được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, vì vậy không thể để tình trạng lợi dụng “lòng tốt” của xã hội mưu lợi cá nhân. Tất cả vi phạm đều phải xử lý một cách bình đẳng theo luật.

Pháp luật đã quy định rõ ràng thì không nương nhẹ, phải thực hiện chế tài nặng để xử lý chính những người thực thi pháp luật có biểu hiện không công bằng, bao che sai phạm” – KTS Trần Huy Ánh - Hội KTS Hà Nội nhìn nhận.

Xây dựng NƠXH là chính sách tốt đẹp dành cho người thu nhập thấp, Chính phủ đã phải dành một phần ngân sách không nhỏ để thực hiện. Những vi phạm xảy ra vô hình chung đang “bóp méo” chính sách nhân văn.

Theo đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do sự buông lỏng quản lý. Hiện nay, trong luật chỉ mới quy định về phạt hành chính hoặc tháo dỡ, vì vậy các chuyên gia đề xuất giải pháp để ngăn sai phạm cần phải mạnh tay hơn, có thể là truy tố hình sự, tránh tình trạng xây dựng cải tạo, kinh doanh NƠXH không đúng quy định.