Lượng nhập khẩu này bằng 173% so với sản xuất trong nước. Trước thực trạng trên, rất cần thiết mở cuộc điều tra để làm rõ có hay không hành vi bán phá giá, qua đó có biện pháp kịp thời để bảo vệ ngành sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh ngành thép trong nước chưa sản xuất đủ nhu cầu trong nước, thì việc phải nhập khẩu là đương nhiên. Tuy nhiên, để mặt hàng này tràn vào trong nước với số lượng lớn, có những thời điểm thép HRC nhập khẩu gấp gần 200% sản lượng sản xuất trong nước, đặc biệt lại bán dưới giá thành thì cần phải xem xét lại, bởi sẽ tác động tới ngành sản xuất trong nước và nguy cơ xa hơn là nguy cơ mất thị trường nội địa.
Đơn cử như thị phần bán hàng HRC của Hòa Phát và Formosa đã giảm từ mức 42% năm 2021 xuống 30% vào năm 2023 và hiện đang tiếp tục suy giảm. Trong năm 2023, công suất sản xuất của DN sản xuất thép HRC Việt Nam chỉ đạt 6,7 triệu tấn, tương đương 79% công suất thiết kế.
Đáng lo ngại, là giá sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc bình quân 560 USD/tấn, thấp hơn các quốc gia khác 45 - 108 USD/tấn. Điều này khiến cho các DN thép trong nước vừa không khai thác được hết công suất thiết kế, vừa phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại nhập khẩu với giá rẻ.
Nhằm sớm có biện pháp can thiệp và phòng vệ kịp thời bảo vệ ngành sản xuất trong nước, ngày 26/7/2024, Bộ Công thương đã ban hành quyết định số 1985/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm theo HCR có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc đối với 28 mã phân loại hàng hóa nhập khẩu.
Đây là giải pháp cần thiết và cấp bách. Qua đó có thể làm rõ có hay không hành vi bán phá giá vào Việt Nam, biên độ phá giá bao nhiêu, qua đó có biện pháp kịp thời để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Một mặt là bảo vệ DN sản xuất trong nước, mặt khác nhằm tránh việc các thị trường nhập khẩu như Mỹ, châu Âu coi Việt Nam là thị trường trung chuyển hàng Trung Quốc vào Mỹ để lẩn thuế.
Các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt chống bán phá giá là công cụ hợp pháp để bảo vệ ngành sản xuất nội địa trước các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bán phá giá hay bán những sản phẩm được trợ cấp bởi Chính phủ nước xuất khẩu. Thực tế, việc khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá là thông lệ phổ biến mà các quốc gia áp dụng để bảo vệ sản xuất trong nước khi có dấu hiệu bất tường về lượng và giá bán hàng nhập khẩu.
Trên thế giới, từ năm 2010 đến nay có 27 vụ việc yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng được khởi xướng, tỷ lệ áp dụng thành công biện pháp là 100%, qua đó chứng minh tầm quan trọng của biện pháp phòng vệ thương mại này đối với ngành sản xuất thép HCR của nhiều quốc gia trên thế giới.
Quan điểm của Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích đầu tư sản xuất thép từ thượng nguồn, ưu tiên sản xuất trong nước vì thép được coi là nền tảng để sản xuất các sản phẩm công nghiệp, giúp các ngành sản xuất trong nước tự chủ được phần nguyên liệu. Việc sử dụng tỷ trọng lớn thép HCR có nguồn gốc từ nội địa sẽ là yếu tố tích cực với các hoạt động xuất khẩu, làm tăng tính cạnh tranh và minh bạch của xuất xứ hàng hóa.
Vì vậy, về lâu dài, Chính phủ cần có giải pháp để hỗ trợ DN trong nước phát triển, mặt khác cần chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan… nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam.