Cần sự đồng thuận cao của người dân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện kế hoạch dồn điền đổi thửa (DĐĐT) trên địa bàn TP Hà Nội, đến thời điểm này, toàn TP đã dồn đổi đạt 96% kế hoạch.

Số còn lại chỉ chiếm 4% nằm rải rác ở nhiều xã thuộc nhiều huyện, song lại gặp phải không ít vướng mắc chưa được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, đến thời điểm này, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được 73.569/76.365ha, bằng 96% kế hoạch, tăng so với kết quả thực hiện đến tháng 4/2014 là 232ha. Tuy nhiên, vẫn còn 3.279ha (bằng 4%) chưa thực hiện xong nằm rải rác ở 49 xã thuộc 11 huyện.

 
Sau dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân tại Ứng Hòa đã có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, cho thu nhập cao.             Ảnh: Bắc Nam
Sau dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân tại Ứng Hòa đã có điều kiện phát triển kinh tế trang trại, cho thu nhập cao. Ảnh: Bắc Nam
Lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thanh Oai là huyện có nhiều điểm nóng nhất về DĐĐT trong thời gian qua. Trong đó, tại thôn Trường Xuân, xã Xuân Dương, có 41 hộ dân chưa đồng thuận
Việc DĐĐT trên địa bàn TP trong thời gian qua đã tạo ra hiệu quả xã hội quan trọng. Đây là điều kiện để tạo ra giá trị mới, hướng đến sản xuất lớn cho ngành nông nghiệp, giảm được ngày công lao động của người nông dân. Có được hiệu quả như vậy là do cán bộ ở các huyện có năng lực trách nhiệm, cán bộ của các xã cũng đã tích cực vào cuộc và đã nhận được sự đồng thuận của người dân.

Ông Trần Xuân ViệtPhó Chủ tịch UBND TP Hà Nội
với phương án DĐĐT, không nhất trí góp 21m2/sào làm quy hoạch giao thông thủy lợi nội đồng. Tại thôn Đống, thôn Trung, thôn Vĩ và thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, do cán bộ yếu, thiếu gương mẫu, trong khi phương án DĐĐT chưa được đồng thuận cao nên tiến độ triển khai chậm. Tại thôn Quếch, xã Bình Minh, người dân chưa nhất trí số liệu đo đạc và đối tượng ưu tiên do Ban DĐĐT đề xuất.

Tại huyện Ba Vì, thời gian qua, người dân thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô có đơn thư khiếu kiện, đề nghị thanh tra nhiều nội dung từ công tác quản lý đất đai đến việc đo đạc diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đề nghị thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ cơ sở, công khai minh bạch trong công tác DĐĐT và xây dựng NTM tại địa phương. Hiện, người dân tại 2 đội của xã này vẫn chưa thông qua được kế hoạch DĐĐT. Cũng tại huyện Ba Vì, thôn Vu Chu, xã Cổ Đô hiện còn 2,1ha đất đấu thầu của một gia đình bị thu hồi để chia cho 63 hộ dân nhưng chưa thực hiện được do chưa thống nhất được phương án giải quyết.

Tại huyện Phúc Thọ, mặc dù TP giao theo kế hoạch chỉ còn 82,36ha là huyện hoàn thành DĐĐT nhưng Ban chỉ đạo huyện vẫn chỉ đạo xã Liên Hiệp thực hiện dồn đổi 184,9ha trong năm 2014. Song, do cán bộ làm công tác DĐĐT chưa đoàn kết, lại yếu kém về chuyên môn nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Tại Sóc Sơn, hiện còn 111 hộ dân thôn Kim Trung, xã Kim Lũ chưa đồng thuận với phương án nhận ruộng của thôn, đề nghị giao đất kinh tế phụ (5%) làm thửa thứ ba. Ngoài ra do mâu thuẫn cá nhân với cán bộ tiểu ban DĐĐT của thôn nên một số đối tượng kích động, cản trở việc DĐĐT...

Một số huyện tuy đã thực hiện vượt, hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành kế hoạch DĐĐT nhưng ở một số thôn vẫn vướng mắc, khiếu kiện vượt cấp, người dân không nhận ruộng, thậm chí một số địa phương, Nhân dân bỏ ruộng hoang không sản xuất. Số diện tích chưa DĐĐT hiện tập trung ở một số huyện, nhiều nhất là Quốc Oai (hơn 800ha), Đông Anh (600ha), Ứng Hòa (533ha)...

Chưa tập trung, quyết liệt

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, để xảy ra những trường hợp mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua liên quan đến công tác DĐĐT là do sự vào cuộc của một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa tập trung, quyết liệt. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân vẫn còn hạn chế; người dân chưa thấy được lợi ích trước mắt và lâu dài của công tác DĐĐT. Trên thực tế, cán bộ làm công tác DĐĐT đều là cán bộ kiêm nhiệm, năng lực chuyên môn chưa phù hợp với công việc được giao. Ở một số địa phương, do trình độ chuyên môn hạn chế, cán bộ không muốn làm, đã đăng ký rồi nhưng lại xin để lại với nhiều lý do như xã Cộng Hòa, Yên Sơn và Đồng Quang (huyện Quốc Oai); các xã Phụng Châu, Phượng Nghĩa (huyện Chương Mỹ); các xã Thụy Lâm, Vân Hà, Dục Tú (huyện Đông Anh)...

Đa số các xã không DĐĐT được là do địa phương không thực hiện nghiêm quy chế dân chủ cơ sở trong việc xây dựng và thông qua phương án DĐĐT, không triển khai đúng quy trình. Ở một số ít địa phương, cán bộ đảng viên thiếu gương mẫu, "lồng ghép" quyền lợi cá nhân nên thiếu công khai, minh bạch trong thực hiện như xã Viên An, Ứng Hòa; thậm chí có nơi nội bộ cán bộ đảng viên trong thôn mâu thuẫn đã lợi dụng DĐĐT để gây mất đoàn kết nội bộ như xã Cao Viên (Thanh Oai). Mặt khác, một số ít người dân chưa nắm đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước và TP cũng như lợi ích của việc DĐĐT nên đã lợi dụng việc DĐĐT để gây rối...

Để công tác DĐĐT được hoàn thành, trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt đã yêu cầu các huyện, xã cần rà soát lại các điểm, các đơn vị chưa làm được. Qua đó xây dựng phương án, chỉ đạo thực hiện tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình thực hiện cần chú trọng lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng của người dân, tăng cường đối thoại giải thích cho  dân hiểu những quyết định, điều khoản theo đúng nội dung của pháp luật. Đối với các phần tử có tư tưởng chống đối mang tính chất phá hoại, cần xử lý nghiêm. Các huyện cũng cần hướng dẫn các xã sử dụng kinh phí một cách phù hợp, chủ yếu đầu tư cho giao thông nội đồng, những công tác phục vụ cho DĐĐT, tạo điều kiện tốt nhất để hoàn thành việc dồn đổi, tạo thuận lợi cho người dân canh tác. Ngoài ra, Sở NN&PTNT cũng cần cử cán bộ phối hợp với các xã thực hiện thành công công tác này.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần