Cần tăng tiền lương tối thiểu vùng ngay trong năm 2022

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Từ năm 2021, chúng ta vẫn giữ tiền lương tối thiểu vùng (LTTV) năm 2020, Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - TS. Vũ Minh Tiến cho rằng: Cần tăng ngay tiền LTTV để góp phần cải thiện đời sống công nhân và giúp ổn định quan hệ lao động.

Chúng ta đang nợ người lao động khoảng 10% lương

Thưa TS., Bộ LĐTB&XH đã có kế hoạch từ ngày 1/4/2022 sẽ điều tra về lao động, tiền lương, mức sống của NLĐ để làm cơ sở điều chỉnh tiền LTTV năm 2023, ông có ý kiến gì về việc này?

- Hội đồng tiền lương Quốc gia cần tổ chức họp, thảo luận tiền LTTV ngay để đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm điều chỉnh tiền LTTV ngay chứ không nên đợi đến năm 2023. Chúng ta phải sớm tăng LTTV cho NLĐ bắt đầu từ năm 2022, bởi vì nếu đợi đến năm 2023 mới điều chỉnh thì chúng ta đang “nợ” NLĐ 2 năm (2021 – 2022).

"Chúng ta phải sớm tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động bắt đầu từ năm 2022, bởi vì nếu đợi đến năm 2023 mới điều chỉnh thì chúng ta đang “nợ” người lao động 2 năm (2020 – 2021)" - TS Vũ Minh Tiến nói.
"Chúng ta phải sớm tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động bắt đầu từ năm 2022, bởi vì nếu đợi đến năm 2023 mới điều chỉnh thì chúng ta đang “nợ” người lao động 2 năm (2020 – 2021)" - TS Vũ Minh Tiến nói.

Tôi muốn nói thêm, từ năm 2021 chúng ta không điều chỉnh tăng LTTV là đã làm cho tiền lương tối thiểu thực tế bị giảm, đơn cử hàng loạt chỉ số liên quan đã tăng như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP), năng suất lao động, chi phí sức khỏe của NLĐ... Vì thế theo tôi, ngay khi có thể thì phải tăng LTTV sớm nhất, ngay từ trong năm 2022.

Năm 2020 và 2021, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động của các DN bị giãn đoạn, ngừng sản xuất. Thưa ông, làm sao để chúng ta hài hòa lợi ích giữa NLĐ và người sử dụng lao động để việc tăng LTTV được thực hiện?

- Đây là điều chỉnh tiền LTTV của những người đang đi làm. Còn những đối tượng bị mất việc đã có chính sách an sinh xã hội như bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ quay trở lại thị trường lao động, hỗ trợ của Chính phủ, của các ngành...

Theo TS Vũ Minh Tiến: Lũy kế trong 2 năm 2020 - 2021 chỉ số GDP và tăng trên 5,49% và CPI tăng trên 5,07% so với năm 2019; năng suất lao động bình quân 5,8%/năm; nhiều chỉ số liên quan cũng đã tăng...Do vậy, tiền lương tối thiểu vùng cũng phải được nâng lên. Ảnh: Phạm Hùng.
Theo TS Vũ Minh Tiến: Lũy kế trong 2 năm 2020 - 2021 chỉ số GDP và tăng trên 5,49% và CPI tăng trên 5,07% so với năm 2019; năng suất lao động bình quân 5,8%/năm; nhiều chỉ số liên quan cũng đã tăng...Do vậy, tiền lương tối thiểu vùng cũng phải được nâng lên. Ảnh: Phạm Hùng.

Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định, tiền LTTV được điều chỉnh căn cứ vào một loạt các yếu tố như GDP, mức sống tối thiểu của NLĐ, CPI, năng suất lao động, cung cầu lao động, khả năng chi trả của DN... Số liệu của Tổng cục Thống kê công bố: lũy kế trong 2 năm 2020 - 2021 chỉ số GDP và tăng trên 5,49% và CPI tăng trên 5,07% so với năm 2019; năng suất lao động bình quân 5,8%/năm; đồng thời nhiều chỉ số liên quan cũng đã tăng... Do vậy, tiền LTTV cũng phải được nâng lên.

Tôi muốn nhấn mạnh, tốc độ tăng trưởng GDP – yếu tố để đầu vào rất quan trọng để quyết định điều chỉnh tiền LTTV tăng 5,49% trong 2 năm vừa rồi thì ngành Công nghiệp xây dựng tăng 9,11%. Đặc biệt là ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo  chiếm tới 50% lực lượng lao động của các DN tăng rất cao là 12,19%. Sự tăng trưởng tích cực này có đóng góp trực tiếp rất lớn của NLĐ.

Bằng những phân tích các chỉ số đó, tôi cho rằng, chúng ta đang nợ NLĐ một khoảng tăng lương kha khá, cộng dồn là khoảng 10%.

Tăng lương tối thiểu vùng để nâng năng suất lao động

Thưa ông, mức sống tối thiểu hiện nay của NLĐ được xác định là: 49% lương thực, thực phẩm (LTTP) và 51% phi LTTP; vấn đề này đã được đặt ra và bàn luận, cần phải điều chỉnh. Vậy, tới đây, trước khi điều chỉnh LTTV có thay đổi mức sống tối thiểu của NLĐ?

- Đã có rất nhiều chuyên gia và tổ đại diện của Công đoàn kiến nghị nhiều lần về việc này. Rõ ràng, nhu cầu phi LTTP của NLĐ ngày càng tăng, đặc biệt là hiện nay. Bên cạnh việc ăn uống đủ chất để tăng sức đề kháng thì NLĐ phải chi phí nhiều vào khám chữa bệnh, test Covid, trông giữ con, tâm lý tinh thần căng thẳng do lo lắng... Vì thế càng phải tăng LTTV để bù đắp một phần cho NLĐ.

Tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động cũng làm góp phần ổn định quan hệ lao động, giúp doanh nghiệp phát triển, bảo đảm đời sống việc làm cho công nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Hùng.
Tăng tiền lương tối thiểu vùng cho người lao động cũng làm góp phần ổn định quan hệ lao động, giúp doanh nghiệp phát triển, bảo đảm đời sống việc làm cho công nhân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Hùng.

Tôi cho rằng, cần cần sớm điều tra, nghiên cứu tăng tỷ lệ phi LTTP.  Lao động ở các DN đang được xếp nhóm 2 – 3 trong phân nhóm 10 mức sống dân cư. Tôi đề nghị NLĐ của chúng ta cần ở nhóm trung bình trên (nhóm 5-6) hoặc tối thiểu là trung bình (nhóm 5). Nếu được xếp xứng đáng (mức 5 – 6) thì tỉ lệ LTTP và LTTP không phải 50,4% - 49,6% (năm 2018) mà phải là tỉ lệ có lợi hơn nhiều cho NLĐ. Riêng điều chỉnh chỉ số này thì tiền LTTV sẽ có thể tăng lên đáng kể ngay tức khắc.

Nếu vừa điều chỉnh tỉ lệ mức sống tối thiểu, vừa tăng LTTV, liệu DN có chịu được?

- Điều chỉnh hệ số LTTP và phi LTTP cũng là chỉ số đầu vào để tính toán điều chỉnh tiền LTTV chung. Tức là, chúng ta đưa lên bàn cân tất cả các chỉ số đầu vào, những yếu tố gia tăng và giảm, ví dụ như khả năng chi trả của DN; đại diện các bên (Chính phủ, NLĐ, người sử dụng lao động...) tiến hành đối thoại, thương lượng để tìm điểm cân bằng ở mức hợp lý nhất có thể.

Tôi chia sẻ khả năng chi trả của DN. Tuy nhiên, DN khó khăn 10 thì NLĐ khó khăn 20. Trong thị trường, nếu DN nào không đảm bảo mức sống tối thiểu, không có khả năng chi trả xứng đáng cho công sức của NLĐ thì không thể phát triển. Cần có sự điều tiết của thị trường trong môi trường cạnh tranh lành mạnh để điều chỉnh nguồn lực phát triển xã hội, cho DN phát triển, NLĐ bảo đảm cuộc sống tốt hơn. Cũng như NLĐ, cần làm việc với năng suất, chất lượng, hiệu quả, hoàn thành tốt nghĩa vụ thì mới bảo đảm việc làm tốt, tăng thu nhập.

Việc tăng tiền LTTV góp phần cải thiện đời sống NLĐ, chắc chắn năng suất lao động sẽ nâng lên và họ gắn bó hơn với DN. Nhiều DN không đợi tăng tiền LTTV đã chủ động nâng lương, nâng phúc lợi để thu hút, giữ chân NLĐ. Bây giờ, chúng ta không thể cổ súy cho trả lương thấp. Trong bối cảnh hiện nay, cung – cầu lao động là một trong những yếu tố rất quan trọng, cùng với CPI, GDP, năng suất lao động, khả năng chi trả của DN để điều chỉnh LTTV. Năm 2022, để có thể sản xuất, kinh doanh trong điều kiện bình thường mới thì chúng ta phải sớm tăng LTTV cho NLĐ, cũng làm góp phần ổn định quan hệ lao động, giúp DN phát triển, bảo đảm đời sống việc làm cho NLĐ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Xin cảm ơn ông!