Để Hà Nội phát triển xứng tầm là một thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới, Thành phố vì hòa bình, Thành phố sáng tạo thì chính quyền thành phố cần đặt quyết tâm để xây dựng, phát triển hệ thống công viên xứng tầm với một thủ đô như vậy. Có một hệ thống công viên hiện đại không chỉ nâng cao nhu cầu hưởng thụ của người dân mà còn hướng đến xây dựng một Thủ đô văn hiến, văn minh, phát triển bền vững. Đây là trao đổi của KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam, với Báo Kinh tế & Đô thị.
Công viên là một thành phần không thể thiếu trong cấu trúc phát triển của mỗi đô thị, ông có thể khái quát đôi nét về sự hình thành và tầm quan trọng của hệ thống công viên trong quá trình phát triển đô thị Hà Nội?
- Những năm cuối thế kỷ XIX, khi người Pháp bắt đầu thực hiện đô thị hóa lần thứ nhất Hà Nội và lập quy hoạch Hà Nội theo mô hình thành “thành phố vườn”, họ đã quan tâm nhiều đến xây dựng các công viên, vườn hoa và trồng cây xanh trên các hè phố. Công viên đầu tiên của Hà Nội được xây dựng vào năm 1890 là công viên Bách Thảo. Đây là một không gian mở dành cho nghiên cứu khoa học, đồng thời phục vụ cho nghỉ ngơi, thư giãn (chủ yếu phục vụ chính quyền cai trị). Cùng với công viên Bách Thảo, không gian Hồ Gươm thời kỳ này cũng được quy hoạch thành một dạng công viên mở, có mặt nước, đường dạo và trồng nhiều loại cây xung quanh. Bên cạnh đó, nằm xen trong các ô phố đều có những vườn hoa như vườn hoa Hàng Đậu, vườn hoa Con cóc, vườn hoa trước cửa nhà nhà băng Đông Dương bây giờ là vườn hoa Lý Thái Tổ, vườn hoa Pasteur, vườn hoa Cửa Nam...
Như thế để thấy rằng vườn hoa, công viên có vai trò rất quan trọng trong cấu trúc đô thị Hà Nội.. Đến giai đoạn sau Giải phóng Thủ đô (năm 1954), mặc dù kinh tế kinh tế còn khó khăn do hậu quả chiến tranh, Hà Nội vẫn quan tâm xây dựng những công viên rộng lớn, mang đậm dấu ấn một thời như công viên Thống Nhất, Thủ Lệ... Từ những năm 90 của thế kỷ XX thì các công viên ít được quan tâm phát triển.
Với tầm quan trọng như vậy nhưng chất lượng và số lượng công viên của TP Hà Nội hiện nay ra sao, thưa ông?
- Hà Nội hôm nay đã phát triển là một Thủ đô “vạm vỡ” với diện tích lên đến hơn 3.300 km2 và dân số hơn 8 triệu người. Với quy mô rộng lớn như vậy là điều kiện tốt để thành phố có cơ hội xây dựng, phát triển về mọi mặt trong đó có việc xây dựng phát triển hệ thống công viên, vườn hoa. Tuy nhiên, hiện nay tính cả về số lượng và chất lượng công viên của Hà Nội đều chưa đáp ứng được yêu cầu. Nói về số lượng, chúng ta cần nhìn nhận, chủ yếu vẫn là những công viên được xây dựng trong giai đoạn từ sau khi giải phóng Thủ đô đến trước đổi mới (1986).
Còn từ sau đổi mới đến khi mở rộng địa giới (2008) chưa có nhiều công viên tầm cỡ được nhà nước đứng ra xây dựng. Trong những năm gần đây một số công viên do các nhà đầu tư bất động sản lớn xây dựng tại các dự án khu đô thị mới nhưng mục đích chủ yếu là nhằm tăng giá trị bất động sản và phục vụ nhu cầu của cư dân tại các khu đô thị đó chứ không hoàn toàn để phục vụ xã hội. Trong khi số lượng chưa nhiều thì chất lượng cũng là vấn đề đáng bàn. Các công viên lớn như Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo... đều bị xuống cấp nhưng ít được đầu tư chăm sóc, thậm chí đất công viên còn bị sử dụng sai mục đích, để người dân lấn chiếm, xây dựng nhà cửa trái phép trong nhiều năm nhưng không được xử lý, như công viên Tuổi trẻ...
Vậy theo ông, cách thức quản lý, vận hành nên theo hướng như thế nào để các công viên trong thành phố có thể phát huy tối đa hiệu quả?
- Như tôi đã nói, công viên là một bộ phận quan trọng của đô thị thì nhất định phải được chính quyền quản lý, bảo vệ. Còn việc vận hành công viên để phát huy tối đa hiệu quả thì nên giao cho các tổ chức xã hội hay nhà đầu tư chuyên nghiệp. Chúng ta có thể học hỏi mô hình quản lý công viên Central Park thuộc TP New York, Mỹ. Tổ chức tư nhân phi vụ lợi gồm những người yêu công viên đứng ra vận hành công viên theo một hợp đồng ký với chính quyền TP New York. Họ được phép thu tiền những dịch vụ trong công viên, dùng một phần số tiền đó để tu bổ thường xuyên và một phần nộp thuế cho chính quyền.
Ở Hà Nội, hiện nay việc quản lý và vận hành công viên đều là các đơn vị của nhà nước, cơ chế quản lý còn lạc hậu, chậm đổi mới dẫn đến nhiều lúng túng, nhất là sau khi thực hiện chỉ đạo của thành phố phá bỏ hàng rào, không thu phí vào công viên, tạo thành công viên mở để người dân dễ tiếp cận đã nảy sinh nhiều bất cập. Do vậy, rất cần thay đổi tư duy trong việc quản lý và vận hành các công viên tại Hà Nội.
Thế nhưng dù có bỏ hàng rào, tường rao bao quanh thì công viên cũng không phải là cái “vườn hoang”, vẫn cần có sự quản lý. Như làm hàng rào mềm thấp bằng cây xanh, trồng hoa xung quanh...; lắp đặt hệ thống dèn chiếu sáng hợp lý, camera giám sát,... Đặc biệt, để công viên hoạt động tốt thì ngoài vai trò của chính quyền thì rất cần sự tham gia của cộng đồng, các tổ chức chính trị - xã hội, mà trong đó ý thức công dân là rất quan trọng. Vì vậy cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao ý thức cộng đồng.
Từ năm 2014, TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ trên địa bàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu đến năm 2030, khu vực nội đô sẽ có 60 công viên, trong đó 18 công viên xây mới, 42 công viên, vườn hoa hiện có sẽ được cải tạo, nâng cấp và 7 khu công viên đặc thù. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai số lượng công viên được cải tạo, xây mới chưa đáng kể. Ông có thể phân tích một số nguyên nhân của việc chậm trễ này?
- Cái lợi lớn nhất của công viên là giúp cho đô thị phát triển theo hướng bền vững, có bản sắc theo hướng văn minh hiện đại, giúp cho người dân đô thị có một môi trường sống tốt hơn. Nhưng đầu tư vào loại hình này thường không sinh lời nên kêu gọi doanh nghiệp thường rất khó. Vì vậy muốn phát triển công viên thì rất cần nguồn lực và cách vận dụng cơ chế của nhà nước một cách phù hợp.
Bên cạnh đó, thời gian qua nhiều khu đất tại các quận huyện đã được giao cho các DN để xây dựng như dự án công viên Kim Quy tại Đông Anh, công viên Hello Kitty tại quận Tây Hồ... nhưng đều chậm triển khai. Thành phố cần có cuộc rà soát, kiểm tra những dự án nào chậm tiến độ, không có khả năng thực hiện theo quy hoạch thì thu hồi hoặc giao nhà đầu tư khác đủ năng lực thực hiện. Đối với các dự án quy mô lớn, để thu hút đầu tư chính quyền nên đứng ra giải phóng mặt bằng và có cơ chế giao đất, cho thuê đất.
Hà Nội hiện đang tích cực triển khai Kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021 - 2025. Vậy theo ông, Hà Nội cần phải có cơ chế, chính sách như thế nào để thúc đẩy việc hoàn thiện, phát triển không gian xanh của TP, nhất là giải pháp để đầu tư xây dựng được các công viên vui chơi giải trí ngang tầm khu vực, thế giới?
- Diện tích không gian xanh nói chung, diện tích công viên vườn hoa nói riêng trên đầu người của Hà Nội hiện đang rất thiếu so với quy chuẩn. Như hiện nay, chỉ tiêu đất cây xanh của Hà Nội mới đạt 2,06 m2/người, quá thấp so với tiêu chuẩn quốc gia là 7 m2/người. Vì thế, để chủ trương của chính quyền TP Hà Nội quyết tâm đến 2030 nâng chỉ tiêu đất cây xanh lên 10 m2/người thành hiện thực, thì theo tôi, cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn. Phải nhìn nhận rõ, công viên, vườn hoa cũng là thiết chế của văn hóa, việc chúng ta đang làm hôm nay không chỉ cho hiện tại mà cho cả tương lai của các thế hệ công dân Thủ đô mai sau, do vậy phải có sự quan tâm đặc biệt và cơ chế dành nguồn lực thích đáng của Nhà nước.
Về giải pháp cụ thể, tại khu vực nội đô khi không còn quỹ đất mới để xây dựng công viên thì cần nhanh chóng xanh hóa các không gian công cộng, thực hiện di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm, cơ sở giáo dục, bệnh viện ra khỏi nội đô đề dành đất cho không gian xanh, công viên, vườn hoa. Thậm chí, Hà Nội cần tính toán xây dựng một công viên rừng trong phạm vi khoảng 10 cây số từ khu vực bãi Phúc Xá bên bờ sông Hồng, phát huy thành công việc biến nơi chứa rác thải, phế thải thành công viên xanh nhưở Phúc Tân vừa qua. Đây là khu vực vô cùng quý giá để thành phố tận dụng xây dựng phát triển một công viên sinh thái có giá trị về nhiều mặt cho đến hàng trăm năm sau.
Trân trọng cảm ơn ông!
13:49 23/03/2024