Khi thông tin UBND quận Tây Hồ, Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân đối với đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An; trong đó, điểm nhấn là Nhà hát Opera, được xây nổi trên hồ Đầm Trị khiến dư luận sôi nổi hẳn lên.
Người ủng hộ có. Những người phản đối cũng không ít. Vấn đề đặt ra là công trình văn hóa này đang thực sự cần thiết cho Hà Nội tạo nên một diện mạo mới cho Thủ đô trong thời kỳ hiện đại.
Có gì ở Nhà hát Opera trên hồ Đầm Trị?
Phạm vi ranh giới lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An bao gồm: Phía Đông Bắc giáp đường Xuân Diệu; phía Tây Bắc giáp các khu đất ven đường Đặng Thai Mai và giáp hồ Thủy Sứ; Phía Tây Nam giáp mặt nước Hồ Tây; Phía Đông Nam giáp các khu đất ven trục không gian Đặng Thai Mai, khu biệt thự Tây Hồ.
Quy mô nghiên cứu khoảng 77,46ha; quy mô diện tích lập quy hoạch khoảng 45,296ha, có ảnh hưởng đến khoảng 3.500 người dân tại khu vực, chủ yếu thuộc địa bàn phường Quảng An và phường Tứ Liên.
Mục tiêu quy hoạch nhằm xây dựng khu thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành; kết nối không gian ngầm đô thị, bãi đỗ xe ngầm với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung theo quy hoạch của TP; cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, giao thông, bổ sung bãi đỗ xe, bảo vệ môi trường sinh thái mặt nước Hồ Tây và môi trường khu vực; kiểm soát các công trình xây dựng theo quy hoạch chi tiết được duyệt; bảo tồn, tôn tạo và khai thác các giá trị đặc trưng về văn hóa, cảnh quan, mặt nước hồ Tây, hồ Đầm Trị…
Trong đó, trên mặt hồ Đầm Trị sẽ xây dựng một Nhà hát Opera quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế, tiêu biểu cho Thủ đô. Công trình này sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa, dưới sự kiểm soát chặt chẽ của TP trong suốt quá trình thiết kế cũng như thi công và vận hành công trình.
Việc thi công nhà hát được tiến hành trên cơ sở: Đảm bảo không lấp hồ, ảnh hưởng đến bề mặt nước hồ. Thi công trên cơ sở nạo vét lòng hồ, làm sạch hồ để đảm bảo hiệu ứng cho thiết kế mái vòm của nhà hát; thiết kế của nhà hát được cân nhắc trên cơ sở đảm bảo gia tăng mỹ quan và không gian cảnh quan cho khu vực.
Công trình nhà hát mang kiến trúc hiện đại với mái vòm lấy cảm hứng từ những con sóng hồ Tây. Việc xây dựng Nhà hát Opera được ví như kiến tạo một “hòn đảo âm nhạc” giữa khung cảnh hồ Tây thơ mộng, hiện thực hóa khát vọng của người dân Thủ đô về một công trình nhà hát xứng tầm, một biểu tượng mới của Thủ đô trong giai đoạn hiện đại.
Theo tiết lộ của đơn vị thiết kế, công trình nhà hát bên hồ Tây có quy mô 13.578m2 với khán phòng opera với sức chứa 1.822 chỗ, đồng thời có nhiều khán phòng đa năng (1.000 - 2.000 chỗ ngồi) phục vụ mục đích tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn.
Hà Nội rất cần một công trình văn hóa xứng tầm
Việc lấy ý kiến xây dựng Nhà hát Opera Hà Nội tại hồ Tây đã nhận được không ít luồng ý kiến. Người ủng hộ có. Người phản đối cũng không ít. Thực tế phải nhìn nhận, Hà Nội đang thiếu trầm trọng các thiết chế văn hóa, đặc biệt các công trình văn hóa tiêu biểu trong thời kỳ mới. Hà Nội đã có Nhà hát Lớn được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước, nơi tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia.
Tuy nhiên, với sức chứa chỉ gần 900 người, Nhà hát Lớn không đáp ứng đủ nhu cầu, không đủ khả năng đón những lễ hội âm nhạc quốc tế với quy mô lớn, cần không gian nhà hát đủ sức chứa và trang bị âm thanh, cách âm hiện đại. Rất nhiều những sự kiện hội nghị tầm vóc quốc tế Hà Nội đều không thể tổ chức, do thiếu không gian, vì thế cũng đã bỏ qua nhiều cơ hội để vươn tầm thế giới, khẳng định vị thế, tầm vóc Thủ đô của một đất nước, với bạn bè quốc tế.
Hà Nội cần một không gian nghệ thuật quy mô lớn hơn, nơi nghệ sĩ trong và ngoài nước giao lưu văn hóa, qua đó nâng tầm vị thế Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Từ những thiếu hụt nói trên trong đời sống và không gian văn hóa nghệ thuật của Hà Nội, từ những khát khao nâng tầm vị thế của Thủ đô ngàn năm văn hiến trên bản đồ điểm đến văn hóa nghệ thuật thế giới, việc kiến tạo một Nhà hát Opera mới hiện đại cho Hà Nội là vô cùng cần thiết.
Bên cạnh đó, việc xây dựng nhà hát sẽ triển khai đồng thời với quy hoạch mạng lưới giao thông, đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho bán đảo Quảng An, không chỉ mang đến diện mạo mới với điểm nhấn về không gian kiến trúc - đô thị, đưa Hà Nội trở thành điểm hẹn văn hóa mang tầm quốc tế, mà còn tạo động lực phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân địa phương.
Nói về việc xây dựng công trình này, nhiều chuyên gia phân tích: Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến, mà còn của một quốc gia, không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch của điểm đến.
Cụ thể, nhà hát lớn quốc gia Bắc Kinh ra mắt năm 2007 trong kiểu dáng của viên ngọc trai khổng lồ. Cũng từng vấp phải nhiều tranh cãi, song giờ đây, mỗi năm, nhà hát tổ chức thành công đến 1.000 buổi biểu diễn thương mại, 1.000 buổi giáo dục nghệ thuật và thu hút khoảng 3 triệu lượt khách.
Nhà hát Con Sò - Opera Sydney là “kiệt tác của kiến trúc thế kỷ XX” hay “biểu tượng kiến trúc nổi tiếng thế giới” cũng đón gần 11 triệu du khách tới thăm mỗi năm, đưa nó trở thành một biểu tượng mà hễ nhắc tới Sydney, tới nước Australia, người ra sẽ nghĩ ngay đến Opera Sydney trong hình dáng con sò. Hay như tại Italia, nhà hát Parco della Musica Auditorium - một kiệt tác của kiến trúc sư huyền thoại Renzo Piano, chỉ tính riêng năm 2017, có hơn 730 sự kiện được tổ chức tại đây và có tới 529.000 khách ghé tham quan.
Không chỉ là những công trình thu hút du khách, mang về doanh thu khổng lồ, các nhà hát opera nổi tiếng thế giới còn là những thánh đường nghệ thuật, để các quốc gia đó trở thành niềm khát khao khẳng định dấu ấn và tên tuổi của những nghệ sỹ lớn trên thế giới.
Chính vì vậy, Hà Nội cần lắm một công trình văn hóa mang dấu ấn của thời kỳ mới để góp phần đẩy mạnh nền công nghiệp văn hóa của riêng Thủ đô và của Việt Nam.
"Hà Nội đang có rất nhiều kế hoạch trong công tác phát triển văn hóa, để thực sự trở thành một trung tâm văn hóa của cả nước, tiêu biểu cho văn hóa người Việt Nam. Chính vì vậy, Hà Nội đã có rất nhiều kế hoạch, từ việc ban hành các Nghị quyết của Thành ủy, ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô, được UNESCO ghi danh cho thương hiệu là Thành phố Sáng tạo năm 2019.
Để đạt được các mục tiêu, mong muốn, khát vọng đó thì Hà Nội cần phải làm rất nhiều việc, từ việc xây dựng nguồn nhân lực tương xứng với quy mô văn hóa của Thủ đô đến việc tổ chức các sự kiện, hoạt động tầm cỡ khu vực và quốc tế. Trong đó, rất cần có các thiết chế văn hóa để thực hiện các mục đích kể trên. Chính vì thế, dự án Nhà hát ở khu vực quận Tây Hồ là một trong những giải pháp thực hiện các mục tiêu, mong muốn của Hà Nội. Đây là công trình cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày hôm nay." - PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội
"Một công trình mới theo quan điểm của tôi, mọi người đừng vội phê phán về nghệ thuật hay kiến trúc, bởi tất cả chỉ là quan điểm cá nhân. Mỗi công trình đều có tiếng nói riêng, đều có linh hồn, và đó là nơi gửi gắm tâm huyết, tài năng, sức sáng tạo của người kiến trúc sư, nhằm tạo nên dấu ấn không chỉ cho vùng đất, cho đất nước, mà có khi là cho cả thế giới sau này.
Một công trình khác mà cả thế giới đều biết đến là tháp Eiffel, trước đây được xây để dùng cho triển lãm quốc tế ở Paris, dự định xây xong sẽ phá bỏ vì những ví von đây là "một kết cấu thép như con khủng long" giữa một TP toàn công trình đá. Nhưng ngày nay nó thu hút biết bao nhiêu du khách, hiệu quả kinh tế là vô cùng, trở thành hiện tượng của cả TP, của cả nước Pháp.
Một công trình thường sẽ gặp nhiều ý kiến khác nhau thuở ban đầu, kể cả khi đưa công trình ra hội đồng xét duyệt, thì quan điểm của mỗi thành viên cũng đã khác nhau. Cho nên, phản ứng trái chiều là điều không thể tránh khỏi. Nhưng những giá trị của sự sáng tạo, độc đáo và cô đọng sẽ là những giá trị vĩnh cửu." - KTS Hồ Thiệu Trị
"Rất háo hức khi nghe thông tin về đề án xây dựng Nhà hát ở khu Đầm Trị, Hồ Tây. Người dân không chỉ có một địa điểm sinh hoạt tinh thần mà đây cũng là địa điểm thu hút khách du lịch. Nếu Nhà hát đi vào hoạt động, tôi và gia đình có thêm một địa chỉ giải trí, sinh hoạt cộng đồng cao cấp.
Các con tôi có cơ hội được tiếp xúc với âm nhạc, nghệ thuật nhiều hơn, hướng tới những giá trị tinh thần tốt đẹp hơn là suốt ngày đắm chìm với máy tính, điện thoại. Lượng khách nước ngoài ở khu vực Hồ Tây là rất lớn và ổn định, bởi nơi đây có không khí trong lành, không gian thoáng, cảnh quan đẹp.
Tôi vui mừng vì có thêm một địa chỉ tham quan giá trị ở Hồ Tây nói riêng và Hà Nội nói chung, song điều tôi quan tâm nhất là công tác môi trường và vấn đề bảo vệ mặt nước, hài hòa cảnh quan trong quá trình quy hoạch và xây dựng công trình. " - Anh Ngô Khiêm - cư dân sinh sống tại đường Lạc Long Quân, Hồ Tây