Cần Thơ ban hành lộ trình nạo vét luồng Định An

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định ban hành Kế hoạch khung thời gian phối hợp thực hiện dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ.

Dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ là 1 trong 6 nội dung chính sách tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ được Quốc hội thông qua ngày 11/1/2022, có hiệu lực từ ngày 1/3/2022.

Theo kế hoạch, nội dung lập và công bố danh mục khu vực nạo vét đã được thực hiện. Hiện đang thực hiện nội dung lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, ngày 15/4/2022 sẽ phê duyệt dự án. Trong tháng 4/2022 sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại TP Cần Thơ.

Việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư sẽ thực hiện trong tháng 4 và tháng 5/2022, bằng hình thức đấu thầu rộng rãi. Thông báo kết quả trúng thầu và ký kết hợp đồng với nhà đầu tư vào tháng 6/2022.

Các nội dung trên đều do Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện, cùng sự phối hợp của Tổ công tác của TP Cần Thơ.

Việc lập, phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự án, lựa chọn nhà thầu thi công, các thủ tục liên quan về môi trường… sẽ được thực hiện từ tháng 6/2022 đến năm 2023. Thực hiện dự án vào năm 2023.

Việc nạo vét luồng sông Hậu để cho tàu công suất 20.000 tấn lưu thông là vấn đề cấp bách nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics ở miền Tây. (Ảnh: Giang Lam).
Việc nạo vét luồng sông Hậu để cho tàu công suất 20.000 tấn lưu thông là vấn đề cấp bách nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics ở miền Tây. (Ảnh: Giang Lam).

Tuyến luồng Định An - Cần Thơ trên sông Hậu bắt đầu từ phao số “0” cách cửa Định An (Trà Vinh) khoảng 23km và kết thúc tại Cảng Cần Thơ. Bờ trái tuyến luồng đi qua địa phận của 2 tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long, bờ phải đi qua tỉnh Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Chiều dài toàn tuyến hơn 121km, trong đó có khoảng hơn 30km là điểm tắc nghẽn, mớn nước không đủ sâu để tàu 10.000 - 20.000 tấn đi vào. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Cục Hàng hải Việt Nam chi hàng chục tỷ đồng mỗi năm để nạo vét.

Trong khi đó, luồng Quan Chánh Bố đưa vào khai thác từ năm 2017 nhưng không lâu sau cũng bị bồi lắng nghiêm trọng. Hiện Bộ GTVT cũng đã đầu tư giai đoạn 2. Tuy nhiên, luồng Quan Chánh Bố hẹp, lượng lớn container phải chờ lâu để qua, khi luồng Định An được nạo vét thì sẽ có hai luồng song song, giải phóng được ách tắc này.

Theo ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT Cần Thơ, thời gian qua, các đơn vị cảng không đầu tư thiết bị là do không có tàu vào được. Lúc luồng Quan Chánh Bố khai thác thì Tân Cảng ở Cần Thơ cũng tổ chức tàu đi nước ngoài nhưng không bao lâu luồng lại bị tắc…

Hồi tháng 5/2021, Bộ GTVT có quyết định công bố danh mục dự án nạo vét vùng nước cảng biển kết hợp tận thu sản phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ GTVT năm 2021, trong đó có dự án nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - sông Hậu, chiều dài khoảng 30km, chuẩn tắc luồng dự kiến nạo vét, bề rộng luồng 200m, độ sâu -4m, giai đoạn thực hiện 2021 - 2023.

Theo Nghị quyết 45/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, dự án Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Ðịnh An - Cần Thơ bảo đảm chuẩn tắc luồng hàng hải cho tàu có tải trọng từ 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP, có quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên, được áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư.

Do vậy, Sở GTVT Cần Thơ tham mưu UBND TP đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận điều chỉnh lại chuẩn tắc luồng dự kiến nạo vét có độ sâu từ dưới -6,5m, đủ để cho phép tàu biển tải trọng 10.000 tấn trở lên ra vào các cảng của TP và các cảng khác trên sông Hậu nhằm phát huy hiệu quả khai thác, tăng công suất các cảng trong khu vực.

Theo ông Lê Quang Mạnh - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, vấn đề nạo vét luồng sông Hậu để duy trì luồng cho tàu vào cảng Cần Thơ đáp ứng công suất 20.000 tấn là vấn đề hết sức cấp bách nhằm giải quyết điểm nghẽn về logistics của cả vùng hiện nay, đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong tương lai theo quy hoạch vùng.