Cần Thơ: Phát triển đô thị ứng phó biến đổi khí hậu

Giang Lam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Cần Thơ vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, yêu cầu nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo các cấp về ứng phó với biến đổi khí hậu…

Mục đích của kế hoạch để xác định toàn diện, cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm quán triệt và chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 438/QĐ-TTg ngày 25/3/2021.

Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và tổ chức, cá nhân có liên quan; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, điều hành, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trong phát triển hệ thống đô thị và nông thôn theo hướng bền vững.

Yêu cầu triển khai đầy đủ, nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả các nhiệm vụ ứng phó với BĐKH, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, kiểm soát và giảm mức độ ô nhiễm trong đầu tư xây dựng, nâng cấp và phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn TP.

Các sở, ban ngành TP, UBND quận/huyện rà soát, cập nhật xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai nhiệm vụ phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện đề án và kế hoạch này, từng bước nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ môi trường; hạn chế, giảm thiểu rủi ro trong xây dựng, phát triển đô thị theo hướng bền vững, thích ứng với BĐKH...

Ngập lụt đô thị thường xuyên xảy ra vào mùa mưa ở Cần Thơ. Ảnh: Giang Lam
Ngập lụt đô thị thường xuyên xảy ra vào mùa mưa ở Cần Thơ. Ảnh: Giang Lam

Để đạt mục đích trên, kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện như: Nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm, năng lực cán bộ lãnh đạo các cấp về chủ động ứng phó với BĐKH trong phát triển các đô thị và bảo vệ môi trường.

Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương trong điều tra, đánh giá mức độ tác động của BĐKH đến phát triển hệ thống đô thị trên địa bàn TP; triển khai tốt việc tích hợp nội dung ứng phó với BĐKH vào Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực hiện chương trình nâng cấp đô thị, rà soát bổ sung nội dung, giải pháp kiểm soát phát triển đô thị thích ứng với BĐKH.

Rà soát, đề xuất với các bộ ngành trung ương điều chỉnh, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật để phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán trong ứng phó với BĐKH, các nguy cơ thiên tai xảy ra trên địa bàn TP…

UBND TP Cần Thơ giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, UBND quận, huyện theo dõi, tổng hợp đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch này. Thực hiện báo cáo gửi Bộ Xây dựng, UBND TP Cần Thơ định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm.

Rà soát, đề xuất với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật xây dựng, phát triển đô thị ứng phó với thiên tai, sạt lở theo kịch bản BĐKH. Phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas Đô thị và Khí hậu) trên địa bàn TP...

Ngập lụt ở nội ô Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: Giang Lam
Ngập lụt ở nội ô Ninh Kiều, Cần Thơ. Ảnh: Giang Lam

Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030” nhằm cụ thể hóa các yêu cầu nhiệm vụ của Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH, Chiến lược quốc gia về BĐKH, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH, Kịch bản BĐKH quốc gia trong phát triển hệ thống đô thị quốc gia.

Đề án được thực hiện trên hệ thống đô thị trên phạm vi toàn quốc, tập trung vào hệ thống đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt và hệ thống các đô thị có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất.

Trong đó, giai đoạn I (2021 - 2025), thực hiện tại 5 đô thị gồm TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và các đô thị thuộc 7 tỉnh vùng duyên hải Bắc Bộ, duyên hải miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long và 7 tỉnh vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Giai đoạn II (2026 - 2030), thực hiện tại các đô thị ven biển, đồng bằng có nguy cơ ngập lụt; có nguy cơ cao chịu tác động của lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh thuộc vùng miền núi phía Bắc, duyên hải ven biển miền Trung, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh có đô thị xuất hiện các tác động mới của biến đổi khí hậu.

Giai đoạn sau năm 2030, mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn quốc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần