Đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc... đưa vào Đại hội thể thao toàn quốc 2022:

Cần tổ chức minh bạch, hợp lý và khách quan

Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ VHTT&DL chính thức phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Cụ thể, Đại hội sẽ được tổ chức tại Quảng Ninh và một số tỉnh, TP lân cận vào trung tuần tháng 12/2022.

Tổ chức 43 môn thi đấu

Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần và là đại hội thể thao lớn nhất cả nước. Chu kỳ tổ chức đại hội giúp đánh giá tổng thể quá trình phát triển thể thao của các tỉnh, thành, ngành trên cả nước. Qua đó, Bộ VHTT&DL, Tổng cục TDTT sẽ có đánh giá, định hướng cho sự phát triển của Thể thao Việt Nam trong tương lai và cũng là thời điểm để đánh giá toàn diện về chất lượng phong trào thể dục thể thao trong cả nước, qua đó kịp thời phát hiện và có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lực lượng VĐV sẵn sàng tham dự thi đấu tại SEA Games lần thứ 32 năm 2023 tại Campuchia, Olympic Games lần thứ 33 năm 2024 tại Paris (Pháp), ASIAN Games lần thứ 19 năm 2023 ở Hàng Châu (Trung Quốc) và ASIAN Games lần thứ 20 năm 2026 ở Nagoya (Nhật).

Đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Ảnh: Bùi Lượng.
Đẩy gậy được đưa vào thi đấu tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Ảnh: Bùi Lượng.

Theo như đề án của tổ chức mới được Bộ VHTT&DL phê duyệt,  Đại hội diễn ra vào trung tuần tháng 12/2022 tại Quảng Ninh và Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định và Thanh Hóa.

Đại hội được tổ chức đến 43 môn thi gồm: Điền kinh, thể thao dưới nước, thể dục, đua thuyền, bóng đá, vật (vật tự do, vật cổ điển, vật dân tộc), bắn súng, bắn cung, cử tạ, judo, taekwondo, karatedo, wushu, boxing, kickboxing, đấu kiếm, cầu lông, cầu mây, quần vợt, bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném, xe đạp, bóng bàn, billiards & snooker, golf, bi sắt, kurash, vovinam, cờ, pencak silat, muay, thể hình, khiêu vũ thể thao, jujitsu, bowling, ba môn phối hợp, lặn, lân sư rồng, đá cầu, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co.

Đại hội là dịp để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện, thi đấu; nâng cao năng lực quản lý, tổ chức và điều hành của đội ngũ cán bộ, trọng tài thể dục thể thao. Đại hội còn góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Huy động thêm nguồn lực xã hội

Ngay sau khi đề án được phê duyệt với 43 môn thi đấu trong đó có những môn dân tộc tạo nên sự tranh cãi khi Đại hội là nơi dược coi là đấu trường của các môn thể thao thành tích cao. Ở các kỳ Đại hội trước đã từng tranh cãi về số lượng môn thi đấu cũng diễn ra khi đưa các môn như đẩy gậy, kéo co, vật dân tộc, bắn nỏ, bắn ná...  Đến Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX, các môn thi đấu như lân sư rồng, đá cầu, võ cổ truyền, đẩy gậy, kéo co… tiếp tục được đưa vào tổ chức.

Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tổ chức vào trung tuần tháng 12/2022. Ảnh: Bùi Lượng.
Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 tổ chức vào trung tuần tháng 12/2022. Ảnh: Bùi Lượng.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Vụ trưởng vụ TDTT quần chúng Nguyễn Ngọc Anh cho biết, hiện nay các môn thi đấu như lân sư rồng, đẩy gậy, kéo co… đã giải tổ chức thường niên. Việc đưa vào tổ chức tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ IX sẽ khác với các giải phong trào. “Khi tổ chức tại Đại hội thể thao toàn quốc, tất cả các môn đều có luật thi đấu, điều lệ. Các VĐV tranh tài buộc phải tuân thủ theo quy định” – ông Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ.

Thực tế, câu chuyện mua bán, chuyển nhượng VĐV lại có huy chương ở những môn thể thao này để làm thành tích báo cáo được nói đến ở nhiều lần tổ chức Đại hội trước đó. Bởi những môn thể thao dân tộc không có trong chương trình thi đấu của các đại hội thể thao quốc tế như SEA Games, Asiad, Olympic vẫn đưa vào Đại hội. Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng không nhất thiết phải đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội thể thao toàn quốc, để tránh tình trạng “thành tích ảo” và đầu tư không đúng trọng điểm. Vụ Trưởng vụ TDTT quần chúng Nguyễn Ngọc Anh khẳng định, mọi điều do cách làm của Ban tổ chức, ở thời điểm hiện tại các hoạt động thể thao đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu của phát triển kinh tế xã hội, cần đưa vào để kích cầu, tạo nguồn lực từ xã hội đầu tư thể thao.

“Nếu như trước đưa vào bị cho là đầu tư dàn trải thì hiện nay các môn tổ chức theo huy động nguồn lực xã hội, việc tổ chức thêm 1 môn thi đấu không phải là trích kinh phí, mục đích chính là kích thích, khích lệ động viên cho các địa phương tham gia để tạo động lực phát triển thể thao địa phương để phát triển thêm các môn thành tích cao khác. Kéo co, đẩy gậy… tại các địa phương vùng sâu vùng xa phát triển rất tốt, nếu không xây dựng lại điều lệ, chính thống và chuyên nghiệp sẽ không phát triển được tại địa phương như vovinam là điển hình khi đã đưa vào tổ chức tại SEA Games để quảng bá văn hoá đất nước” - Vụ trưởng vụ TDTT quần chúng Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm.