Cẩn trọng khi đưa thông tin lên không gian mạng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Việc đấu tranh với những thông tin sai sự thật, tiêu cực trên không gian mạng thể hiện sự công bằng, thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Do vậy, người sử dụng mạng xã hội phải cẩn trọng khi đưa thông tin lên không gian mạng”.

Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.

Xin ông cho biết, công dân có thể bày tỏ quan điểm thái độ của mình thế nào trên mạng xã hội?

- Pháp luật Việt Nam ghi nhận vào đảm bảo đảm các quyền tự do dân chủ của công dân trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do tôn giáo và các quyền tự do khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, mọi công dân đều có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình về các vấn đề xã hội, có quyền đánh giá bình luận về một sự kiện. Việc bày tỏ quan điểm, thái độ có thể được thực hiện trực tiếp trong đời sống xã hội hoặc bày tỏ trên mạng xã hội.

Người sử dụng mạng xã hội phải cẩn trọng khi đưa thông tin lên không gian mạng
Người sử dụng mạng xã hội phải cẩn trọng khi đưa thông tin lên không gian mạng

Tuy nhiên, việc bày tỏ quan điểm thái độ của mình về các vấn đề xã hội không được quy chụp, suy diễn, đưa ra những thông tin sai sự thật, thiếu căn cứ, kết tội người khác. Hay hành vi loan tin bịa chuyện những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác, xâm phạm đến lợi ích của tổ chức, cá nhân là hành vi vi phạm pháp luật.

Vậy, hành vi nào bị cấm trên không gian mạng, thưa ông?

- Theo Điều 8 Luật An ninh mạng đã quy định các hành vi bị cấm trên không gian mạng, trong đó có cấm hành vi "Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác...". Tùy vào tính chất mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người đưa tin sai sự thật trên không gian mạng có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, đưa tin sai sự thật gây ra những tác động tiêu cực trong đời sống xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, của nhà nước hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của tổ chức, cá nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự về tội “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân”.

Vừa qua, có trường hợp người sử dụng mạng xã hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân". Ông đánh giá thế nào về việc xử lý bằng chế tài hình sự trong trường hợp này?

- Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về việc triển khai đấu tranh, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hoạt động ổn định, lành mạnh, minh bạch, an toàn và phát triển bền vững, nhất là các hành vi đưa tin thất thiệt, không chính xác gây mất an ninh, an toàn thị trường. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt khẩn cấp ông Đặng Như Q. (sinh năm 1980, trú tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) để điều tra về tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân".

Luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Đặng Văn Cường

Qua điều tra, xác minh, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an phát hiện Đặng Như Q. có hành vi sử dụng mạng xã hội đăng tải các bài viết, thông tin chưa được kiểm chứng về một số cá nhân, doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, trực tiếp xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức nêu trên, có dấu hiệu tác động ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tài chính, chứng khoán của Nhà nước.

Đây không phải là lần đầu tiên người sử dụng mạng xã hội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh này. Điều đáng chú ý là người vi phạm về tội danh này không chỉ có những phần tử bất mãn, chống đối chính quyền mà cả những người có trình độ học thức, có địa vị xã hội, có hiểu biết xã hội nhưng vì muốn nổi tiếng, muốn thể hiện cái tôi cá nhân, muốn khoe tài, khoe chữ nhưng coi thường pháp luật, coi thường danh dự nhân phẩm của người khác, coi thường lợi ích của người khác nên đã bị xử lý bằng chế tài hình sự.

Phải chăng việc đấu tranh với những thông tin sai sự thật, tiêu cực trên không gian mạng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, thưa ông?

- Những vụ án xử lý các giang hồ mạng, các facebooker, những người có lượng người theo dõi lớn trên mạng xã hội trong thời gian qua bằng chế tài hình sự cho thấy sự quyết tâm của Đảng và nhà nước ta trong việc đấu tranh phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm công nghệ cao. Việc đấu tranh với tội phạm công nghệ cao trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo môi trường mạng được trong sạch, lành mạnh, là môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế văn hóa xã hội có điều kiện phát triển.

Đấu tranh với những thông tin sai sự thật, tiêu cực trên không gian mạng còn thể hiện sự công bằng, thượng tôn pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Bất cứ tổ chức, cá nhân nào thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đời sống xã hội hoặc trong không gian mạng gây tổn hại đến các quan hệ xã hội thì đều bị xử lý trước pháp luật. Việc xử lý đối với những hành vi này tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích của nhà nước, của tổ chức, cá nhân theo quy định pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần