Trả tiền thật, nhận dịch vụ ảo
Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ “giật mình” như: Du lịch giá rẻ; Hot deals voucher & combo tour toàn quốc; Săn tour du lịch 5 sao giá rẻ; Combo du lịch giá rẻ... Để thu hút người mua, nhiều fanpage tung ra các gói khuyến mại như miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay.
Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch được các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp uy tín đưa ra, thì không ít người đã “vỡ mộng” khi gặp phải những fanpage giả lừa đảo người tiêu dùng.
Anh Trần Quốc Khánh ở ngõ 85 Nguyễn Lương Bằng (Đống Đa) đã rất thất vọng khi trải nghiệm chất lượng dịch vụ kém xa so với những gì ngưới bán quảng cáo. Những ngày đầu năm gia đình có nhu cầu đi thăm quan Sapa, lễ bái đền ông Hoàng Bảy (Lao Cai) nên khi thấy trên hội nhóm bán tour trên hội facebook mời chào tour du lịch Sapa giá rẻ hơn bình thường đến 700.000 đồng/người nên đã đăng ký mua tour.
Nhưng khi đi mới biết, chất lượng tour không như quảng cáo. Khách sạn tiêu chuẩn ba sao trong hợp đồng chỉ là phòng trọ bình dân, nằm cách xa khu trung tâm. Nhà hàng đặc sản bị biến thành quán cơm bình dân, khi du khách bức xúc vì chất lượng bữa ăn quá tệ, gọi thêm món thì bị tính với mức giá "trên trời". Phản ánh chất lượng dịch vụ tới người bán và mạng xã hội thì người cung cấp tour đã chặn số, khoá facebook.
Thực tế cho thấy, thời gian qua trên các hội nhóm du lịch của mạng xã hội facebook liên tục có những du khách đưa lời “kêu cứu” vì bị lừa lấy mất tiền đặt cọc mua vé máy bay rẻ hơn giá niêm yết chính hãng.
Không chỉ người dân mua tour mới gặp tình cảnh này mà ngay cả doanh nghiệp du lịch cũng gặp tình trạng tương tự. Trên nhóm “Hiệp hội điều hành tour chuyên nghiệp 4.0” của mạng xã hội facebook, tài khoản Phương Nguyễn “bóc phốt” việc một số đối tượng “núp bóng” doanh nghiệp Du thuyền Hạ Long Ambassador để chào bán combo 3 ngày 2 đêm trên du thuyền 5 sao với giá 2 triệu đồng/người.
Nhiều đơn vị thấy giá dịch vụ khá rẻ nên đã bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua combo này. Thế nhưng sau khi chuyển tiền đặt cọc, những đối tượng bán combo này thông tin chuyến đi bị hủy nhưng không chịu trả lại số tiền đã mua combo du lịch.
Làm người tiêu dùng thông minh
Để tránh tình trạng bị các đối tượng lừa đào các chuyên gia du lịch cho rằng, cần làm người tiêu dùng thông minh khi mua tour, dịch vụ du lịch giá rẻ.
Theo Giám đốc AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, để có được sản phẩm kích cầu bảo đảm chất lượng, các đơn vị lữ hành, vận chuyển, lưu trú phải hợp tác chặt chẽ từ đó tổ chức chương trình khuyến mại, nhưng mức giảm giá cũng không thể quá 40%. Vì vậy, những sản phẩm được quảng bá tràn lan với mức giá giảm tới 60-70% thì nhiều khả năng là chiêu bài quảng cáo và khách hàng sẽ phải trả thêm nhiều phụ phí hoặc bị cắt giảm dịch vụ.
Để lừa đảo người tiêu dùng, nhiều đối tượng đã lập trang web giả mạo các công ty du lịch uy tín để bán tour, vé máy bay, cho thuê phòng với mức giá chênh lệch lớn so với thị trường. Nhưng ngay sau khi người mua chuyển tiền thì các đối tượng lập tức cắt đứt mọi liên hệ nên người tiêu dùng cũng chỉ biết than trời chứ không thể lấy lại được tiền đặt cọc.
Đồng tình với phản ánh này, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội Phạm Tiến Dũng cho biết, một hình thức lừa đảo nữa cũng được các đối tượng áp dụng đó là dịch vụ làm visa du lịch vào dịp cao điểm nghỉ lễ.
"Nhiều người phản ánh về việc đặt dịch vụ xin visa với cam kết tỷ lệ "đậu" cao, nhưng sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí thì các đối tượng sẽ để nạn nhân tự hoàn thiện hồ sơ… Sau đó, khi visa không duyệt cấp sẽ lấy nhiều lý do để đổ lỗi cho nạn nhân và không trả lại tiền"-ông Dũng thông tin.
Để giúp du khách tránh “tiền mất tật mang”, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) Nguyễn Quỳnh Anh khuyến cáo, người tiêu dùng trước khi lựa chọn sản phẩm tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ, các chương trình khuyến mại. Đối với hoạt động mua bán trên mạng xã hội, người dân nên chọn các trang mạng xã hội có dấu tích xanh (tài khoản đã đăng ký) hoặc chọn các trang mạng xã hội có uy tín mà mình biết rõ thông tin của người bán.
Dưới góc độ chuyên gia du lịch, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình hiến kế, để không bị lừa, khách hàng không nên giao dịch với những cá nhân không rõ ràng về thông tin. Đồng thời tuyệt đối không chuyển tiền vào những tài khoản cá nhân không phải tài khoản đích danh của công ty. Đồng thời cần đến trụ sở công ty để xác nhận số tiền đã chuyển khoản thay vì chỉ qua mạng xã hội.
Tương tự, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nêu rõ, du khách cần cẩn trọng với những lời chào bán dịch vụ du lịch giá rẻ bất thường, bởi mức giá giảm sâu ở thời điểm này là điều khó khả thi khi vé máy bay, tiền thuê phòng khách sạn đều tăng cao. Du khách cũng nên chụp lại màn hình hình ảnh người bán tour qua video call, lưu lại ảnh thẻ căn cước công dân người bán, ảnh các giao dịch đã thực hiện... để làm bằng chứng tố cáo nếu không may trở thành nạn nhân bị lừa đảo.
"Tour du lịch khác với việc bán quần áo, mỹ phẩm... Mặc dù cũng được rao bán qua mạng nhưng đơn vị tổ chức bán tour phải là công ty có định danh rõ ràng thì mới có thể thực hiện được việc liên kết với các đơn vị vận chuyển, lưu trú để có chương trình ưu đãi với giá rẻ. Nếu chỉ 1 - 2 cá nhân tự rao bán thì không đáng tin cậy. Việc kiểm tra chéo thông tin sẽ hạn chế được nhiều khả năng bị sập bẫy lừa đảo khi đặt tour giá rẻ" - ông Thắng chia sẻ.