Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cẩn trọng khi trẻ bị méo miệng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chị Hồ Thị Gái, mẹ bé Lực phát hiện khi cười hay khóc, miệng Lực bị méo về bên phải còn khi ngủ thì mắt bên trái không khép kín được.

KTĐT - Bé Lê Quang Lực 4 tuổi (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) chơi đùa và bị ngã, mặt chạm nhẹ xuống sàn nhà. Hôm sau, chị Hồ Thị Gái, mẹ bé phát hiện khi cười hay khóc, miệng Lực bị méo về bên phải còn khi ngủ thì mắt bên trái không khép kín được

Chỉ một va chạm nhẹ trên vùng mặt hay bị lạnh đột ngột do mở cửa vào buổi sáng cũng có thể gây liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên dẫn đến méo miệng, xếch mắt.

Bé Lê Quang Lực 4 tuổi (xã Hương Vinh, huyện Hương Trà, Thừa Thiên- Huế) chơi đùa và bị ngã, mặt chạm nhẹ xuống sàn nhà. Hôm sau, chị Hồ Thị Gái, mẹ bé phát hiện khi cười hay khóc, miệng Lực bị méo về bên phải còn khi ngủ thì mắt bên trái không khép kín được. Hỏi con có đau ở đâu không thì nó trả lời không và vẫn ăn uống, chơi bình thường. Sang ngày thứ 3 thì bệnh nặng hơn, khi cười và khóc miệng méo hẳn về một bên và mắt bên trái phản xạ rất kém.

 

Tưởng con mình bị ma bắt nên cả nhà lo lắng mời hết thầy này đến thầy nọ về “đuổi ma”, nhưng bệnh của con mình không những không giảm mà còn nặng hơn. Đến ngày thứ 8 hai vợ chồng chị Gái đưa con vào bệnh viện TƯ Huế và được bác sĩ chuẩn đoán là bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Phải kết hợp điều trị cả đông y (châm cứu) và tây y. Sau 10 ngày châm cứu mắt và miệng của Lực đã trở lại bình thường.

 

Bé Lê Thị Khánh Ly (22 tháng tuổi) xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, Thừa Thiên- Huế cũng bị ngã mặt úp xuống sàn nhà. Không thấy con kêu đau, vẫn ăn uống chơi đùa bình thường nhưng mỗi khi cười hay khóc miệng đều méo xếch về bên phải, mắt bên trái ít có phản xạ và khi ngủ thì không khép kín được. Đến ngày thứ 3 thì tình trạng trên nặng hơn rất nhiều, cả nhà tá hỏa mang bé vào bệnh viện TƯ Huế cấp cứu và các bác sĩ cho chụp CT vì nghi bé bị chấn thương sọ não nhưng kết quả là bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Không may mắn như Lực, bé Ly đã điều trị bằng châm cứu 15 ngày nhưng chỉ giảm được 50% bệnh và phải dừng châm cứu một tuần để điều trị tiếp đợt 2.

 

Đối với người lớn thì lý do bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên này lại rất đơn giản. Chị Châu Thị Yến 28 tuổi, Phong Sơn, Phong Điền, Thừa Thiên Huế, như mọi ngày sau khi ngủ dậy, chị đều mở cửa đi đánh răng rửa mặt nhưng một sáng, sau khi mở cửa thì miệng chị bị méo về một bên khi súc miệng nước cứ chảy ra ngoài, phải châm cứu một tuần miệng mới trở lại bình thường.

 

Hiện tại khoa y học cổ truyền đang tiếp nhận 4 bệnh nhân điều trị bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Do còn rất ít người biết đến bệnh này nên sau khi có người thân mắc bệnh, họ thường lo sợ luống cuống trong cách xử lý.

 

Theo BS Trần Thiện Ân, Phó trưởng khoa Y Học Cổ Truyền, bệnh viện TƯ Huế, bệnh này hay gặp nhiều nhất vào mùa lạnh. Bệnh không nguy hiểm và chỉ cần điều trị bằng châm cứu từ 7-10 ngày là có thể khỏi nhưng có trường hợp phải điều trị 2-3 đợt và rất hiếm trường hợp điều trị không khỏi.

 

Khi trẻ bị bệnh, mắt dễ bị khô, vấn đề đầu tiên là nên dùng nước mắt nhân tạo nhỏ vào mắt để tránh khô mắt và khi ngủ thì đắp gạc ấm lên mắt. Thứ hai là tránh ra gió và luôn sử dụng nước ấm. Bệnh tiến triển nhanh nhất trong 3 ngày đầu nên càng chữa trị sớm càng tốt. Nếu để lâu thì dây thần kinh số 7 đang ở thể bị kích thích sẽ chuyển sang thể kích thích và khả năng trở lại bình thường của khuôn mặt là rất khó.