Cẩn trọng với thuốc điều trị Covid-19 trên mạng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lợi dụng tình hình dịch bệnh căng thẳng, nhiều đối tượng đã bất chấp thủ đoạn, rao bán thuốc giả điều trị Covid-19 tràn lan trên mạng. Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo này.

Trôi nổi thuốc điều trị Covid-19 trên mạng

Ngày 28/2 vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng, quận Đống Đa, do Nguyễn Thị Ngân Hà (sinh năm 1992) làm chủ. Lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có 3.030 sản phẩm có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19 (theo lời chủ cơ sở). Lực lượng chức năng ghi nhận, bao bì hàng hóa có ghi chữ nước ngoài, không có nhãn phụ là tiếng Việt.

Đội Quản lý thị trường số 17 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng. Ảnh: Lưu Quyên
Đội Quản lý thị trường số 17 (QLTT Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an TP Hà Nội) kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ 115 Trung Phụng. Ảnh: Lưu Quyên

Chủ cơ sở kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến số hàng hóa trên. Chủ cơ sở này khai nhận đã thu mua 3.030 sản phẩm “hỗ trợ điều trị Covid-19” trôi nổi trên mạng, về bán kiếm lời. Đội Quản lý thị trường số 17 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Công an quận Thanh Xuân, trên địa bàn quận có chợ thuốc Hapulico (đường Vũ Trọng Phụng) và nhiều cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ đang được kiểm soát chặt bằng các biện pháp nghiệp vụ. Nếu phát hiện kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, nhất là các loại thuốc điều trị Covid-19, cơ quan chức năng sẽ xử lý nghiêm.

Trước đó, ngày 23/2, Công an quận Thanh Xuân cùng Đội Quản lý thị trường số 12 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phát hiện Bùi Đức Toàn và Đinh Văn Hiểu đang trên đường tiêu thụ gần 500 hộp thuốc điều trị Covid-19 nhãn hiệu Arbidol. Số hàng này do nước ngoài sản xuất và không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, được giao dịch qua mạng xã hội.

Tại quận Hoàn Kiếm ngày 25/2, đoàn công tác liên ngành của quận đã phát hiện 1 cơ sở trên địa bàn phường Chương Dương sản xuất thuốc Đông y nhưng lại “quảng cáo” chữa được Covid-19. Vụ việc hiện đã được lập hồ sơ xử lý...

Chia sẻ trên group Facebook “Nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà”, TS Hoàng Thanh Tuấn - Phó Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và tái tạo, Viện Bỏng quốc gia, người sáng lập nhóm - cảnh báo: “Hiện xuất hiện nhóm giả lập giống hoàn toàn nhóm của các bác sĩ quân y nhưng không hỗ trợ chuyên môn mà chủ yếu chào bán các loại thuốc nên rất nguy hiểm...”.

Người dân phải nâng cao cảnh giác

Mới đây trên Facebook của PGS.BS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ một số quan điểm đối với việc người dân lùng sục một số loại thuốc ngoại không rõ nguồn gốc với niềm tin sẽ trị được Covid-19 một cách dễ dàng. Ông cũng chia sẻ lại bài viết của dược sĩ Hà Quang Tuyến - Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội để cảnh báo người dân.

“Việc mua bán và sử dụng các thuốc kể trên đều là vi phạm nghiêm trọng Luật Dược, giảm hiệu quả phòng chống dịch, tạo cơ hội cho những cá nhân lợi dụng buôn bán thuốc giả thuốc kém chất lượng, thuốc nhập lậu để trục lợi cá nhân. Người dân tuyệt đối không tự ý tìm mua và dùng thuốc trị Covid-19 theo thông tin truyền tai. Điều này có thể dẫn đến việc lạm dụng, không mang lại lợi ích gì hơn so với không dùng thuốc, mà còn tiềm tàng nhiều nguy cơ tác dụng bất lợi với sức khỏe người dùng, thậm chí có thể làm trầm trọng tình trạng Covid-19 ở người bệnh”.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho biết, thuốc giả là một vấn đề nhức nhối trong thời gian vừa qua; nhất là trong thời điểm dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp tại Hà Nội.

Hiện tại Bộ Y tế mới phê duyệt 3 thuốc điều trị Covid-19 gồm thuốc kháng virus Molnupiravir 400mg do Công ty TNHH Liên doanh Stellapharm sản xuất; thuốc Molravir 400mg của Công ty CP Dược phẩm Boston Việt Nam và Movinavir của Công ty CP Dược phẩm Mekorpha.

Tuy nhiên, trên các trang mạng cũng như mạng xã hội, rất nhiều người đã bán các thuốc điều trị Covid-19 của nước ngoài hoặc không rõ xuất xứ, việc làm này rất nguy hiểm bởi lẽ thuốc muốn được sử dụng hợp pháp phải qua quá trình nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, đánh giá mức độ an toàn và thông qua hội đồng tư vấn cấp giấy phép lưu hành thuốc và nguyên liệu làm thuốc của Bộ Y tế phê duyệt mới được phép sử dụng.

Để đẩy lùi tình trạng thuốc giả điều trị Covid-19 cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước bao gồm Bộ Y tế, Quản lý thị trường, Cảnh sát kinh tế, môi trường và Bộ TT&TT. Đối với Bộ Y tế, cần tăng cường chỉ đạo thanh tra y tế cho kiểm tra xử lý các trường hợp bán thuốc điều trị Covid-19 chưa được cấp phép.

Cơ quan quản lý thị trường phối hợp với cơ quan công an kiểm tra đối với các trường hợp bán thuốc điều trị Covid-19 giả để xử lý, trong trường hợp đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì điều tra, truy tố, xét xử nghiêm các đối tượng này. Đối với Bộ TT&TT sẽ liên hệ với các nhà mạng, các trang mạng xã hội để yêu cầu gỡ bỏ các bài đăng tải bán thuốc giả trị Covid-19.

“Ngoài ra, người dân cần nâng cao kiến thức, cảnh giác các chiêu lừa đảo của các đối tượng rao bán thuốc điều trị Covid-19, tránh trường hợp vừa mất tiền oan, vừa nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng nếu mua phải thuốc giả” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nêu quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần