Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Căng thẳng Nga-Ukraine là “phép thử lớn" đối với Tổng thống Biden

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà phân tích chính trị Mỹ nhận định rằng căng thẳng bùng phát tại biên giới giữa Nga và Ukraine sẽ là một phép thử lớn đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Phát biểu trên kênh CNBC hôm 10/12, ông Bradley Bowman, giám đốc cấp cao của Trung tâm Quyền lực Quân sự và Chính trị tại Quỹ Bảo vệ các nền Dân chủ, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington, nhận định: “Tôi nghĩ căng thẳng Nga-Ukraine là một thách thức lớn đối với chính quyền Mỹ hiện nay, đồng thời sẽ là phép thử về chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden”.
 Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Joe Biden vừa có cuộc hội đàm trực tuyến hôm 7/12 vừa qua.
Cũng có quan điểm như trên, Ariel Cohen, chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Âu-Á của Hội đồng Atlantic, cho rằng việc giải quyết khủng hoảng quan hệ giữa Moscow và Kiev được xem là một trong những vấn đề khá nan giải đối với Washington.
Ukraine trong những tuần gần đây đã cảnh báo với Mỹ và các đồng minh châu Âu rằng Nga đang gia tăng lực lượng quân đội ở biên giới của Kiev.
Trong khi đó, Washington Post đưa tin, giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Mỹ gia tăng trước nguy cơ Nga hành động quân sự với Ukraine, tình báo Mỹ tiết lộ, điện Kremlin đang lên kế hoạch tấn công trên các mặt trận sớm nhất là vào đầu năm sau với 175.000 binh lính. Theo tài liệu tình báo mà Washington Post có được, Điện Kremlin đang huy động binh lính về phía biên giới với Ukraine trong khi yêu cầu Washington đảm bảo rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO, đồng thời đề nghị liên minh này phải hạn chế các hành động quân sự trong và xung quanh lãnh thổ Ukraine.
Một quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Biden cũng cho biết, kế hoạch trên sẽ bao gồm sự di chuyển ồ ạt của 100 tiểu đoàn chiến thuật cùng với xe bọc thép, pháo binh và các trang thiết bị.
Trong hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến Nga-Mỹ đầu tuần này, Tổng thống Biden bày tỏ mối quan ngại của Mỹ và các đồng minh châu Âu về việc Nga gia tăng lực lượng gần biên giới Ukraine, cảnh báo sẽ đáp trả bằng các biện pháp kinh tế cùng các biện pháp mạnh khác trong trường hợp có leo thang quân sự.
Về phần mình, Tổng thống Putin nhắc lại quan điểm của Moscow, cho rằng việc Mỹ và NATO  tăng cường khả năng quân sự gần biên giới Nga là một thách thức nghiêm trọng và NATO đang “thực hiện những nỗ lực nguy hiểm”. Do đó, Nga “thực sự quan tâm đến việc có được những đảm bảo đáng tin cậy và ràng buộc về pháp lý, loại trừ việc NATO mở rộng về phía Đông và việc triển khai các hệ thống vũ khí tấn công ở các quốc gia giáp với Nga”.
Ukraine đã nỗ lực gia nhập NATO từ năm 2002. Tuy nhiên, Điện Kremlin phản đối động thái này, cho rằng sự mở rộng về phía đông của NATO là một mối đe dọa an ninh trực tiếp và việc Ukraine gia nhập liên minh này có thể dẫn đến việc NATO chuyển quân sang biên giới của Nga.
Mỹ và các nước phương Tây đã cảnh báo sẽ có áp đặt biện pháp trừng phạt mới nếu Moscow có hành động quân sự với Kiev.
Theo hãng tin RT của Nga, truyền thông Mỹ đưa tin Washington có thể tính đến đòn trừng phạt nhằm vào các ngân hàng lớn của Nga, thậm chí “ngắt” Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT nếu như Moscow có ý can thiệp quân sự vào Ukraine.
Theo chuyên gia Ariel Cohen, trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, chính phủ Mỹ có thể áp lệnh trừng phạt thông qua việc ngắt kết nối với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT và chính phủ Đức sẽ đình chỉ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2.
Việc bị ngắt kết nối với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT sẽ khiến các giao dịch tài chính quốc tế của Nga gần như không thể thực hiện được.
Tuy nhiên, giống như Trung Quốc, chính phủ Nga đã thiết lập hệ thống thanh toán riêng của nước này, được gọi là SPFS, giải pháp thay thế trong trường hợp Moscow bị ngắt kết nối với SWIFT./.