Căng thẳng Serbia - Kosovo lại bùng phát

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo Belgrade sẽ chính thức yêu cầu lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO ở Kosovo (KFOR) cho phép họ triển khai quân đội và cảnh sát của nước này ở phía Bắc Kosovo.

Người Serbia ở Kosovo chặn một tuyến đường gần làng Rudine, North Mitrovica, Kosovo, ngày 10-12-2022. Ảnh Reuters
Người Serbia ở Kosovo chặn một tuyến đường gần làng Rudine, North Mitrovica, Kosovo, ngày 10-12-2022. Ảnh Reuters

Chính phủ Belgrade dự kiến chính thức gửi thư đề nghị vào ngày 12 hoặc 13/12, đánh dấu lần đầu tiên Serbia yêu cầu triển khai lực lượng đến Kosovo theo các điều khoản trong Nghị quyết 1244 của Liên Hợp quốc về chấm dứt cuộc chiến Kosovo (1998 - 1999). “Chúng tôi sẽ yêu cầu chỉ huy KFOR đảm bảo việc triển khai quân đội cùng cảnh sát Serbia đến hai vùng lãnh thổ Kosovo và Metohija, mặc dù tôi không chắc yêu cầu được chấp nhận” - Tổng thống Vucic phát biểu trong tuyên bố tối 10/12 (giờ địa phương).

Động thái này diễn ra sau một loạt căng thẳng giữa chính quyền Kosovo với người Serbia ở phía Bắc Kosovo. Theo Reuters, người Serbia sống ở nhiều khu vực phía Bắc Kosovo hôm 10/12 (giờ địa phương) đã chặn các con đường chính để phản đối chính quyền và cảnh sát Kosovo về một số quyết định bắt giữ. Xe tải, xe cứu thương và máy nông nghiệp được sử dụng làm chướng ngại vật và các vụ đọ súng giữa người dân với cảnh sát đã nổ ra cùng ngày.

Cảnh sát Kosovo cho biết, một số sĩ quan của họ đã bị bắn trong các cuộc đụng độ hôm 10/12, nhưng không thông báo về con số thương vong cụ thể. Kosovo đã đóng hai cửa khẩu biên giới với Serbia, đồng thời ra lệnh hoãn bầu cử địa phương đến tháng 4 năm sau. Cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào ngày 18/12 tới, nhưng vấp phải đe dọa tẩy chay từ cộng đồng người Serb tại đây.

Kosovo, chủ yếu là người Albania sinh sống, tách khỏi Serbia năm 1999 và tuyên bố độc lập năm 2008 dưới sự hậu thuẫn của phương Tây. Phía Serbia không công nhận nền độc lập này và luôn coi tỉnh cũ của mình là một phần lãnh thổ quốc gia. Căng thẳng giữa hai bên bùng lên vào tháng trước khi Kosovo cố gắng yêu cầu người dân tộc Serb đổi biển số ô tô cũ của họ có từ trước năm 1999.

Quyết định này khiến người Serbia ở Kosovo rút khỏi tất cả các tổ chức trung ương và địa phương, trước khi một thỏa thuận do quan chức Liên minh châu Âu (EU) làm trung gian đã đạt được để chấm dứt tranh chấp vào cuối tháng 11 vừa qua.

Sau báo cáo về các cuộc đụng độ vào ngày 10/12, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cáo buộc lực lượng gồm khoảng 4.000 nhân viên gìn giữ hòa bình, bao gồm cả KFOR, đã không làm đúng nhiệm vụ để bảo vệ được người Serb trước lực lượng an ninh Kosovo. Bà Ana cũng chỉ trích các hành động của Kosovo đã làm leo thang cẳng thẳng trong khu vực, đẩy tình hình ở Kosovo đến “bờ vực chiến tranh”.

Trong bài phát biểu tối 10/12, Tổng thống Vucic đã trích dẫn một phần Nghị quyết 1244, trong đó nêu rõ rằng Serbia có thể triển khai đến 1.000 binh sĩ, cảnh sát cùng sĩ quan an ninh đến các địa điểm Cơ đốc giáo chính thống, khu vực nơi tộc người Serbia chiếm đa số và cửa khẩu biên giới nếu được KFOR chấp thuận.

Thời điểm Nghị quyết 1244 được thông qua, cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Kosovo như một phần của Serbia. Bình thường hóa quan hệ với Kosovo sau đó được đưa ra như một điều kiện chính để Serbia gia nhập EU.
Đáp lại các tuyên bố từ Serbia, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti cảnh báo đáp trả “các hành động gây hấn”: “Chúng tôi không muốn xung đột, chúng tôi muốn hòa bình và tiến bộ, nhưng chúng tôi sẵn sàng đáp trả các hành động gây hấn bằng tất cả sức mạnh mà chúng tôi có”.