Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Cảnh báo hậu quả nghiêm trọng từ nạn nghiện game tại Ấn Độ

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nghiện game trực tuyến tại Ấn Độ đang dẫn đến những hệ lụy xã hội đáng báo động, bao gồm cả các vụ án mạng đau lòng.

Vụ giết người chấn động Ấn Độ vào tháng 8, khi một thiếu niên dùng búa đánh chết bà nội để lấy tiền chơi game, đã làm dấy lên lo ngại về tác hại của nghiện game trực tuyến trong thị trường công nghiệp trò chơi bùng nổ.

Theo đó, để có khoảng 2.000 USD trả nợ vì chơi game thua, cậu bé 16 tuổi đã thẳng tay sát hại người bà 65 tuổi của mình và trộm hết vàng trong nhà.

Những vụ án mạng liên tiếp có liên quan đến game gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về những hệ lụy nghiêm trọng của việc nghiện game đối với giới trẻ Ấn Độ. Sự việc này đã đặt ra yêu cầu cấp bách về việc cần phải siết chặt quản lý ngành công nghiệp trò chơi đang ngày càng phát triển, với dự báo tăng trưởng gấp đôi so với năm ngoái, lên đến 6 tỷ USD.

Nhiều vụ án giết người do nghiện game xảy ra tại Ấn Độ. Ảnh: Nikkei Asia
Nhiều vụ án giết người do nghiện game xảy ra tại Ấn Độ. Ảnh: Nikkei Asia

Tháng 2 vừa qua, một vụ án mạng kinh hoàng cũng đã xảy ra tại Pradesh khi một thanh niên đã ra tay sát hại mẹ để lấy tiền bảo hiểm trả nợ do thua game. Trước đó, anh ta đã vay một khoản tiền lớn từ gia đình để thỏa mãn cơn nghiện này. 

“Chỉ vì nghiện game mà gia đình của chị tôi đã bị hủy hoại”, Savithri Sharma, dì của người đàn ông 24 tuổi chia sẻ. “Chị gái tôi đã bán cả đồ trang sức để con được đi học. Nhưng nghiện game đã biến cháu trai tôi thành một kẻ sát nhân máu lạnh, nó đã giết mẹ và vứt thi thể xuống sông.”

Vài tháng sau, tại Bengaluru, một chàng trai 18 tuổi đã ra tay sát hại em trai 13 tuổi để lấy điện thoại chơi game.

Tại Ấn Độ, các trò chơi trực tuyến như Dream11, Free Fire Max, Ludo King, GetMega, Clash of Clans và My11Circle đang thu hút hàng triệu người chơi. Các ứng dụng này cho phép người chơi tạo ra các đội hình ảo, cạnh tranh để giành tiền mặt, điểm số hoặc phần thưởng khác.

Theo Divij Mathur, kỹ sư phần mềm ở Mumbai, nhiều người say mê các trò chơi trả phí vì họ có cơ hội giành được cúp ảo hoặc tiền điện tử - những vật có thể đổi thành tiền sử dụng cho mục đích chi tiêu.

Ấn Độ hiện đang dẫn đầu thế giới về thị trường game trực tuyến, với 568 triệu người chơi, trong đó 40% là nữ. Ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt doanh thu 6 tỷ USD mỗi năm vào năm 2028 - theo báo cáo của Hội đồng Giải trí và Đổi mới tương tác và công ty trò chơi trực tuyến Winzo.

Các nhà phê bình cảnh báo về mối nguy hiểm của việc nghiện game trực tuyến từ  những vụ giết người gần đây. Nhiều người chơi đã quá đắm chìm vào thế giới ảo đến mức đánh mất bản thân và bỏ bê cuộc sống ngoài đời thực.

“Việc chơi game quá mức không chỉ gây hại cho sức khỏe và tâm lý của người chơi mà còn gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng, đe dọa đến tài chính cho gia đình” - ông Rohit Kumar Singh, Thư ký Bộ Các vấn đề tiêu dùng Ấn Độ cho biết.

Thống kê cho thấy số người nghiện game ở Ấn Độ đã tăng vọt khoảng 200% kể từ khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Theo các bác sĩ tại Trung tâm cai nghiện Internet, trung bình mỗi tháng họ tiếp nhận khoảng 30 trường hợp mới.

“Ban đầu tôi chơi chỉ chơi game một tiếng mỗi ngày. Nhưng dần dần, tôi bắt đầu bỏ học và lấy trộm tiền của gia đình và bạn bè để chơi tiếp” -  một thanh niên sống ở Delhi chia sẻ. “Mẹ tôi đã đưa tôi đến một nhà trị liệu và phải mất đến 6 tháng điều trị, tôi mới thoát khỏi cơn nghiện ấy.”

Nhiều người cho rằng Ấn Độ nên học hỏi kinh nghiệm từ Trung Quốc - quốc gia sở hữu thị trường game trực tuyến lớn nhất thế giới.

Để quản lý thị trường game lớn mạnh, Bắc Kinh đã triển khai nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ. Cụ thể, nước này đã giới hạn thời gian chơi game trực tuyến đối với người chưa thành niên và tạm dừng cấp phép cho các trò chơi mới nhằm kiểm soát chất lượng và nội dung.

Shivya Bhateja, luật sư tại Delhi, cho biết luật cờ bạc hiện hành của Ấn Độ đã quá cũ và không còn phù hợp. Được ban hành từ thế kỷ 19, luật này cấm các trò chơi cờ bạc nhưng lại tạo ra những kẽ hở pháp lý cho các trò chơi được coi là “kỹ năng” như cờ vua và cờ tướng, điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Bhateja nhấn mạnh  mặc dù một số bang ở Ấn Độ đã ban hành quy định về trò chơi trực tuyến, thậm chí có nơi cấm hoàn toàn, chính phủ nước này cần có  một luật chung áp dụng trên toàn quốc. Điều này là do việc mỗi bang áp dụng một luật riêng sẽ gây khó khăn trong việc quản lý. Ngoài ra, những người chơi chuyên nghiệp có thể dễ dàng lách luật để kiếm tiền từ trò chơi mà không bị xem là phạm pháp.