KTĐT - Mặc dù Dubai khá thành công "trên giấy tờ", với 95% GDP cho đến năm 2008 là từ khu vực dịch vụ, song "căn bệnh" của tiểu vương quốc này là "vươn quá tầm với".
Trong bối cảnh thế giới lo ngại trước việc tập đoàn địa ốc Dubai World xin khất nợ 60 tỷ USD thêm 6 tháng khiến nhiều sàn giao dịch chứng khoán châu Á và châu Âu tuột dốc ngay sau đó, giới chuyên gia đã cảnh báo khả năng xảy ra hiệu ứng domino đối với mô hình tăng trưởng nhờ các khoản vay tài chính từ các quỹ đầu tư.
Phân tích về bài học từ giấc mộng "xây lâu đài trên cát" của Dubai, chuyên gia Christopher Davidson của Đại học Durham và là tác giả cuốn sách "Dubai: The Vulnerability of Success" (Dubai: Điểm yếu của sự thành công), cho rằng nguyên nhân của "cú sốc kinh tế" tuần qua là việc chính quyền Dubai đã mất khả năng chi trả những khoản nợ khổng lồ của Tập đoàn Dubai World.
Là một trong số 7 tiểu vương quốc thuộc Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Dubai không có mỏ dầu nhưng lại nắm một thương cảng truyền thống có tiếng, đã quyết định chọn con đường "tăng trưởng là trên hết" bằng cách mở rộng cửa mời gọi đầu tư, đi vay tài chính và thuê nhân lực nước ngoài ở mọi trình độ để đáp ứng nhu cầu phát triển.
Dubai cũng là nhà đầu tư số một ở Bắc Phi, châu Âu và nắm cổ phần trong nhiều tập đoàn lớn ở châu Á. Dubai World là tập đoàn địa ốc lớn nhất và quan trọng nhất của Tiểu vương quốc Dubai.
Theo ông Davidson, mặc dù Dubai khá thành công "trên giấy tờ", với 95% GDP cho đến năm 2008 là từ khu vực dịch vụ, song "căn bệnh" của tiểu vương quốc này là "vươn quá tầm với": nhiều dự án khổng lồ như đảo nhân tạo, các tòa nhà chọc trời phá kỷ lục thế giới... được xây dựng chỉ nhờ tiền vay từ bên ngoài.
Ánh hào quang của Dubai bắt đầu tắt dần từ khi thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008, khiến đầu tư nước ngoài vào tiểu vương quốc này sụt giảm mạnh. Chính quyền Dubai tìm mọi cách tiếp tục thu hút đầu tư, song không thành công.
Nợ của Dubai hiện khoảng 80 tỷ USD, ngành công nghiệp du lịch (chiếm 20% GDP của tiểu vương quốc này) cũng đang thất thu nghiêm trọng, trong khi giá địa ốc tại Dubai sụt giảm đến 47% và nhiều công trình đang bị bỏ dở vì thiếu tài chính.
Nguy cơ tập đoàn này vỡ nợ đã khiến dư luận nhớ lại sự sụp đổ của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers mùa Thu năm 2008.
Theo đánh giá của tờ "Libération" (Pháp), các ngân hàng thế giới có nguy cơ thiệt hại hàng tỷ euro sau "cú sốc Dubai World", chủ yếu là các ngân hàng Vùng Vịnh và châu Âu vốn tham gia nhiều vào các dự án của Dubai World.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng nếu chính quyền Dubai quyết định bán cổ phần của mình để trả nợ thì hậu quả trên các thị trường tài chính chứng khoán thật đáng quan ngại./.