Cảnh báo lừa đảo vay tiền qua mạng

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các đối tượng lừa đảo yêu cầu đóng một khoản phí hàng chục triệu đồng mới giải ngân khoản vay online. Nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã sập bẫy khi muốn vay tiền nhanh gọn, thuận tiện.

Ngày 18/3 vừa qua, Công an TP Hà Nội cảnh báo, thời gian qua, trước nhu cầu vay tiền của nhiều người, đánh vào tâm lý của khách hàng muốn vay nhanh, thủ tục thuận tiện, một số đối tượng đã giả danh nhân viên ngân hàng, công ty tài chính, đăng tải thông tin hỗ trợ vay tiền, giải ngân nhanh trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Gần đây, vào ngày 11/3, Công an quận Hà Đông tiếp nhận đơn trình báo của anh H (sinh năm 1993, ở quận Hà Đông) về việc có đăng ký vay online 30 triệu đồng. Khi làm hết thủ tục, anh H được một đối tượng yêu cầu chuyển tiền đóng phí bảo lãnh ngân hàng mới được giải ngân khoản vay.

Sau đó, anh H đã chuyển khoảng 65 triệu đồng vào tài khoản cho đối tượng nhưng không nhận được khoản vay. Đối tượng thông báo anh H đăng ký sai tài khoản rút tiền và yêu cầu anh tiếp tục chuyển 50 triệu đồng. Lúc này, anh H mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Cảnh báo lừa đảo vay tiền qua mạng  - Ảnh 1

Trước đó, Công an phường Phúc Đồng (quận Long Biên) tiếp nhận đơn trình báo của chị T.N (32 tuổi, trú tại quận Long Biên) về việc có một đối tượng gọi điện đến cho chị và xưng là nhân viên ngân hàng. Người này hỏi chị N nếu có nhu cầu vay tiền thì kết bạn Zalo và tải app vay tiền theo đường link từ Zalo.

Sau đó, chị N được yêu cầu chuyển tiền đóng phí mới được giải ngân khoản vay. Chị N đã chuyển gần 30 triệu đồng nhưng không nhận được khoản vay. Lúc này, chị N mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cảnh giác trước các loại hình được quảng cáo là vay tiền nhanh chóng, dễ dàng, giải ngân trong ngày thông qua các trang mạng, mạng xã hội. Những lời mời chào vay tiền với thủ tục nhanh gọn, chỉ cần đóng phí bảo lãnh để giải ngân có thể là “bẫy” của các đối tượng lừa đảo. Nếu có nhu cầu vay vốn, người dân nên tìm hiểu kỹ và trực tiếp đến trụ sở, chi nhánh các ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn thủ tục vay tiền nhằm bảo vệ quyền lợi của mình trước pháp luật.

Hồi đầu tháng 3/2022, Công an tỉnh Quảng Ngãi thông tin đang điều tra, làm rõ trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tiền bằng hình thức vay online. Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận thông tin trình báo của anh N.V.T (31 tuổi) về việc bị lừa đảo số tiền 154 triệu đồng.

Theo anh N.V.T, do đọc được thông tin cho vay tiền không cần thế chấp trên mạng xã hội nên anh đã nhắn tin với tài khoản có tên “Hỗ trợ vay tiền không thế chấp, giải ngân sau 30 phút” với ý định muốn vay online số tiền 50 triệu đồng.

Tài khoản Facebook trên hướng dẫn anh T kết bạn với một người khác thông qua ứng dụng Zalo, để cung cấp thông tin cá nhân và làm thủ tục vay tiền. Sau khi làm thủ tục xong, các đối tượng chủ động liên hệ với anh T để thông báo khoản vay đang gặp sự cố do hệ thống báo sai thông tin tài khoản người vay, và yêu cầu anh T chuyển 5 triệu đồng tiền phí để khắc phục lỗi.

Không dừng lại ở đó, đối tượng lạ mặt còn viện nhiều lý do để yêu cầu anh T tiếp tục chuyển tiền nhằm hoàn tất hồ sơ. Người này cam kết, số tiền này sẽ được hoàn trả đầy đủ cùng với khoản vay 50 triệu đồng.

Vì tin tưởng và nghĩ rằng chỉ còn 1 bước nữa là sẽ được giải ngân khoản vay nên anh T lần lượt chuyển tổng cộng 154 triệu đồng. Đến khi phát hiện ra mình bị lừa thì các đối tượng đã chặn mọi liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà anh T gửi...

Công an tỉnh Quảng Ngãi đưa ra khuyến cáo người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không vay tiền qua các ứng dụng online, quảng cáo vay tiền với thủ tục đơn giản, nhanh gọn trên không gian mạng. Khi có nhu cầu vay tiền, người dân cần đến các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp trên địa bàn mình cư trú để làm hồ sơ, thủ tục vay theo quy định.

Trong khi đó, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã cảnh báo tiềm ẩn rủi ro khi vay tiền online, vay tiền trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam. Đơn vị này đã tiếp nhận nhiều khiếu nại liên quan đến giao dịch vay tiền trực tuyến. Hiện có nhiều mô hình cho vay online, cho vay trực tuyến đang hoạt động tại Việt Nam, trong khi chưa có các quy định pháp luật để phân loại rõ ràng, cụ thể. Do vậy, việc giao dịch với các mô hình này có thể tiềm ẩn nguy cơ và rủi ro cho người tiêu dùng, đặc biệt trong trường hợp giao dịch với các đơn vị “trá hình”, “tín dụng đen núp bóng”...