Lợi dụng dịch bệnh để trục lợi
Ngày 2/9 vừa qua, Phòng An ninh kinh tế (Công an TP Hà Nội) phối hợp Công an huyện Sóc Sơn, lực lượng quản lý thị trường kiểm tra cơ sở kinh doanh tại xã Phủ Lỗ (huyện Sóc Sơn) phát hiện nhiều khẩu trang, vật tư y tế được gia công giả nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể, lực lượng chức năng phát hiện 20.880 chiếc khẩu trang nhãn hiệu 3M, 11.490 chiếc khẩu trang KN95 mang nhãn nước ngoài và 347.000 găng tay, 10.480 quần áo bảo hộ y tế… chưa rõ nguồn gốc xuất xứ, và có dấu hiệu giả mạo.
Tại thời điểm kiểm tra, ông Vũ Văn Nguyên là đại diện chủ địa chỉ sản xuất kinh doanh chưa xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa nêu trên. Đại diện nhãn hàng 3M xác nhận toàn bộ lô khẩu trang tại cơ sở đã giả mạo nhãn hiệu của hãng đăng ký bảo hộ tại thị trường Việt Nam.Theo ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội QLTT số 1, 20.880 chiếc khẩu trang 3M có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M của Mỹ. Đây là mặt hàng chỉ dùng cho các trường hợp cần phòng tránh lây nhiễm rất cao như cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch. Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng như khả năng gây hậu quả nghiêm trọng cho nên đơn vị sẽ tập trung củng cố hồ sơ để kịp thời xử lý nghiêm đúng quy định pháp luật.
Cán bộ đội quản lý thị trường số 1 kiểm tra lô khẩu trang 3M có dấu hiệu bị làm giả. Ảnh: Tổng cục Quản lý thị trường. |
Hiện nay, giá bán của mỗi chiếc khẩu trang 3M dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/chiếc, do đó chỉ riêng lô hàng mang nhãn hiệu 3M có dấu hiệu giả mạo bị phát hiện và thu giữ có giá trị ước tính hơn 600 triệu đồng. Người tiêu dùng cần tỉnh táoTrao đổi với báo Kinh tế&Đô thị, luật sư Đào Nguyên Thuật - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến căng thẳng như hiện nay, hàng hóa liên quan đến vật tư y tế, khẩu trang… được sử dụng rất nhiều kéo theo nhu cầu về các mặt hàng này trên thị trường ngày càng tăng cao. Vì nhu cầu thị trường tăng đột biến nên không tránh khỏi tình trạng sản xuất ồ ạt, làm hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là khẩu trang y tế. Khẩu trang y tế kém chất lượng tùy theo mức độ, có thể là hàng kém chất lượng đơn thuần, hoặc cũng có thể là hàng giả. Khẩu trang y tế là hàng giả là khẩu trang hoàn toàn không có công dụng theo đúng nguồn gốc tự nhiên; là khẩu trang có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật tạo nên công dụng chính chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố trên bao bì nhãn mác; là khẩu trang giả mạo nhà sản xuất, thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ…Theo luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối, chế tài xử phạt vi phạm đối với cá nhân tổ chức có hành vi buôn bán khẩu trang y tế là hàng giả có thể là chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự phụ thuộc vào mức độ vi phạm. Đối với vi phạm thuộc trường hợp xử phạt vi phạm hành chính. Người có hành vi buôn bán hàng giả là khẩu trang y tế giả về giá trị sử dụng, công dụng có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nhẹ nhất là phạt tiền 2 triệu đồng và nặng nhất là phạt tiền 140 triệu đồng, căn cứ khoản 2 Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Tương tự, đối với hành vi sản xuất khẩu trang y tế giả công dụng, giá trị sử dụng. Người có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền thấp nhất là 10 triệu đồng và cao nhất là 200 triệu đồng, căn cứ khoản 2 Điều 10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.Người có hành vi buôn bán hàng giả là khẩu trang y tế giả về bao bì, nhãn mác có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nhẹ nhất là phạt tiền 2 triệu đồng và nặng nhất là phạt tiền 100 triệu đồng, căn cứ khoản 2 Điều 11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng. Tương tự, đối với hành vi sản xuất khẩu trang y tế giả bao bì, nhãn mác, người có hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền thấp nhất là 4 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng, căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Trên đây là mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì áp dụng mức phạt gấp đôi đối với cá nhân.Trường hợp người có hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là khẩu trang y tế với hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30 triệu đồng trở lên; thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Sản xuất buôn bán hàng giả” theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015. Người phạm tội này phải đối diện với mức hình phạt cao nhất là phạt tù đến 15 năm.“Người tiêu dùng cần tỉnh táo trước các mặt hàng khẩu trang y tế được bày bán tràn lan trên thị trường. Không nên thấy hàng rẻ mà mua phải hàng giả, không nên mua tại các cửa hàng không chuyên bán trang thiết bị y tế” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng khuyến cáo.